Với nhiều sáng kiến, mô hình phát triển bền vững, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là minh chứng rõ nét cho sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.
Sáng kiến “Cơ sở phục hồi tài nguyên”
Tham gia cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) 3 năm qua, chị Lê Thị Thu Thủy, người dân thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp cho hay, mỗi ngày chị và bà con trên đảo Cù Lao Chàm đều thu gom và xử lý rác thải theo quy trình, biến rác thành tài nguyên phục hồi.
Vận hành thử nghiệm ngày 1/4/2021 thông qua sự hỗ trợ từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, Liên minh không Lò đốt Toàn cầu (GAIA) và Trung tâm Tài nguyên & Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment), MRF là một địa điểm diễn ra quá trình tái chế và sử dụng lại các tài nguyên thiên nhiên từ rác thải, với mục tiêu giảm thiểu lượng rác bị thải bỏ và gây ô nhiễm môi trường được
Cơ sở MRF thôn Bãi Ông ban đầu có 30 hộ gia đình tham gia quy trình vận hành, dần mở rộng 60 hộ, rồi 120 hộ gia đình. Các hộ thực hiện phân loại rác thành rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy, sau đó được thu gom và tập kết tại MRF. Tại đây, rác dễ phân hủy phân loại thành rác khô để ủ compost ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh.
Bà Huỳnh Thị Thùy Hương, cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Thời gian sau, cơ sở thí điểm thêm phương pháp ủ yếm khí và nuôi giun quế; một số loại vỏ trái cây được tách riêng và tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế, rác nhựa cấp thấp gom lại chuyển cho cơ sở tái chế, rác không thể xử lý chuyển cho đơn vị thu gom công cộng…”
Qua 2 năm, mô hình đã thu gom được 27,4 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phân loại và xử lý tại cơ sở MRF hơn 12,6 tấn rác thải hữu cơ; thu hồi khoảng 200kg rác tái chế và 500kg rác nhựa giá trị thấp, góp phần giảm thiểu gần 50% lượng rác phát sinh từ hộ gia đình. Đến cuối năm 2022, cơ sở MRF Bãi Ông sản xuất khoảng 500kg phân hữu cơ tinh phẩm; phân loại và lên men thành 220 lít chế phẩm sinh học dạng thô.
“Nếu mọi người xả thải rác bừa bãi như hồi xưa thì chừ làm chi còn Khu sinh quyển ni. Mà mừng thật, không chỉ ở Cù Lao Chàm, cả TP. Hội An cũng đều hưởng ứng việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa. Có rứa nhiều nơi trên cả nước mới tới học tập chứ !” – Chị Lê Thị Thu Thủy nói.
Kết nối bền vững
Từ năm 2011, Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp là mô hình đầu tiên của Việt Nam trong việc giao quyền quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng. Trong Khu sinh quyển đã cấy ghép và phục hồi hơn 48.000 tập đoàn san hô, thực hiện bảo tồn chuyển vị 3.000 trứng rùa biển…
Là người gắn bó nhiều năm với hoạt động của Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, ông Trần Hoàn chia sẻ: “Tôi còn nhớ 15, 20 năm trước, vì mưu sinh, người dân lặn xuống biển rồi cho nổ mìn, lấy san về hô nung vôi. Còn bây giờ, mọi người cùng tham gia nuôi trồng san hô để bảo tồn hệ sinh thái. Giữ được rạn san hô thì du khách mới đến tham quan, du lịch. Thứ hai là bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Khi bảo tồn thì có lợi ích cho bà con về lợi ích kinh tế, bà con sẽ tích cực tham gia bảo tồn”.
Không chỉ phục hồi các rạn san hô – hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương, câu chuyện ứng xử của các bên liên quan trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đang được kể bằng những hành động cụ thể, thường nhật.
“Trước đây bà con mình khai thác tùy tiện con cua đá, rồi đốn chặt phá rừng bừa bãi thì thứ chi mà còn. Bây giờ khai thác con cua theo tiêu chí, quy định, mình không chỉ khai thác lầu dài, bền vững mà còn góp phần bảo vệ rừng nữa” – Ông Trần Quốc Ngào, người dân thôn Bãi Ông nói.
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển – MAB Việt Nam, những ví dụ về việc sử dụng tài nguyên tự nhiên như thế đã tạo cảm hứng cho cộng đồng cư dân vùng lõi Khu sinh quyển tham gia phục hồi tài nguyên, ứng xử văn hóa với tự nhiên và môi trường sống.
“Các Khu sinh quyển đều có một nguyên lý chung trong việc thành lập và điều hành, nhưng mỗi Khu sinh quyển đều mang một bản sắc riêng. Khu sinh quyển Cù Lao Chàm bản chất là gì, đó là sự kết nối giữa thiên nhiên và văn hóa. Thiên nhiên thì ta có Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, còn văn hóa ta có di sản UNESCO về văn hóa Khu phố cổ Hội An. Nối kết hai cái này chính là sức mạnh và hình ảnh được UNESCO công nhận, đây chính là một trong những hình mẫu duy nhất được kết nối giữa thiên nhiên và văn hóa” – GS.TS Nguyễn Hoàng Trí nói.
Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An mang sứ mệnh bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên vùng ven bờ và biển đảo cho khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam. Với nỗ lực tôn tạo tự nhiên, tô bồi văn hóa, xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là minh chứng rõ nét cho sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên./.
QUỐC HẢI