Sáng ngày 25/11, tại số 10B Trần Hưng Đạo, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ – Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng”.
Chủ trì hội thảo gồm có GS.TS. Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia – Giám đốc Trung tâm Biển & Hải đảo Trường Đại học KHXH&NV – Đại học quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đào Thanh Trường – Phó Hiệu Trưởng Đại học KHXH&NV – Đại học quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Đại học Văn hóa Hà Nội và ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Lanh, nhấn mạnh: “Với 34 bài nghiên cứu được tuyển chọn in trong tập tài liệu gần 500 trang, chúng tôi rất vui mừng đã nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn trên cả nước và các nhà quản lý của tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi trân quý tình cảm mà quý vị đã dành cho Hội An trong suốt thời gian qua và tại hội thảo này. Hy vọng với sự trao đổi, thảo luận cởi mở và nhiệt huyết khoa học không chỉ làm cho hội thảo thành công mà còn mở ra những kết nối, nghiên cứu mới về Hội An nói riêng và lịch sử văn hóa của vùng đất Quảng Nam”.
Trong tiến trình lịch sử – văn hóa Việt Nam, biển và hải đảo luôn là một bộ phận cấu thành, gắn liền với quá trình lãnh thổ, với công cuộc phát hiện, khai phá, đấu tranh, xác lập và bảo vệ chủ quyền. Hệ thống thương cảng và văn hóa biển với các thành tố như vị thế, tiềm năng, dân cư, lịch sử – văn hóa, kinh tế, xã hội trở thành tiền đề, động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nghiên cứu về biển và hải đảo ngày càng trở thành mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý của Việt Nam từ trung ương đến địa phương.

Trong tham luận “Vai trò, cấu trúc và tính chất quốc tế của thương cảng Hội An”, GS.TS. Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia – Giám đốc Trung tâm Biển & Hải đảo Trường Đại học KHXH&NV – Đại học quốc gia Hà Nội nói: “Tôi muốn có một đóng góp nho nhỏ là làm rõ được mối liên hệ vùng, liên vùng của thương cảng Hội An, làm rõ cấu trúc của đô thị cổ Hội An trong lịch sử. Thứ ba, tiêu chí nào có thể định dạng được, khẳng định được Đô thị cổ Hội An chắc chắn là một thương cảng quốc tế quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới trong lịch sử”.
Nhiều báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo “Thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ – Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng” cũng đã giúp nhận diện, làm sáng tỏ và khẳng định tiềm năng kinh tế, văn hóa, vị thế, vai trò của thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ, hướng đến một nhận thức ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn về hoạt động, phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thương cảng miền Trung Việt Nam trong mối giao lưu vùng, liên vùng.
PGS.TS. Đào Thanh Trường – Phó Hiệu Trưởng Đại học KHXH&NV – Đại học quốc gia Hà Nội, cho biết: “Các tham luận tham gia hội thảo khoa học quốc gia lần này hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về Hội An và các thương cảng vùng Nam Trung bộ; khảo cứu làm rõ tiềm năng, thế mạnh của hệ thống thương cảng nhằm hướng đến một một cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò của hệ thống thương cảng miền Trung trong mối quan hệ cùng, liên vùng và liên Á”.

Cụ thể, hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung cơ bản: Thứ nhất, nghiên cứu một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển Đô thị cổ Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung bộ. Thứ hai, làm rõ các khái niệm lý luận về kinh tế biển, hoạt động của các trung tâm kinh tế trên các tuyến hải thương khu vực, quốc tế; vai trò của của các đảo, quần đảo đại dương và vùng duyên hải Nam Trung bộ với sự phát triển của các trung tâm chính trị, không gian kinh tế – văn hóa Việt Nam, vị trí đầu mối chuyển giao kinh tế của Hội An và các thương cảng Nam Trung bộ.
Thứ ba, hội thảo phân tích tiềm năng tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các trung tâm nguyên liệu… làm rõ những đóng góp của cộng đồng cư dân các nền văn hóa biển, cộng đồng thương nhân trong và ngoài nước với miền Trung và sự nghiệp chấn hưng kinh tế của Việt Nam. Thứ tư, hội thảo tiếp tục đề xuất về những đặc trưng văn hóa xã hội của Hội An, xứ Quảng, vùng duyên hải Nam Trung bộ. Thứ năm, trên cơ sở với những thành tựu nghiên cứu khoa học, hội thảo sẽ đề xuất, tư vấn với Thành ủy, UBND thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam về việc nghiên cứu, đào tạo cán bộ, đặc biệt là các chuyên gia nghiên cứu về biển đảo, về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt khoa học, hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức tại thành phố Hội An dịp này là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), 23 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (04/12) và 5 năm nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
QUỐC HẢI