Hội An: Thiếu hụt nguồn lao động qua đào tạo

Hiện nay, thị trường lao động tại Hội An được đánh giá là sôi động, trên địa bàn thành phố có hơn 50.000 người lao động trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, lao động chuyên ngành du lịch lại thiếu hụt.

Ngành Du lịch Hội An thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cao- Ảnh: Quốc Hải

Thiếu hụt

Ông Lê Viết Phúc – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Hội An cho hay, nguồn lực lao động địa phương ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng bước đầu nhu cầu tuyển dụng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong 4 xã xây dựng nông thôn mới của Hội An gồm Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Kim và Cẩm Hà, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên hơn 92%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo gần 62%. Các đối tượng lao động hằng năm đều được tập huấn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Riêng ngành du lịch Hội An hiện sử dụng lực lượng lao động chiếm đa số trong khoảng 15.000 lao động của toàn tỉnh Quảng Nam, chủ yếu làm việc trong các công ty lữ hành, vận chuyển và cơ sở lưu trú, trong đó, khối cơ sở lưu trú chiếm khoảng 70%; lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên chiếm 10%; khối các dịch vụ khác 20%. Với hơn 200 homestay cũng đã giải quyết được gần 700 lao động, trong đó, bình quân mỗi homestay đã giải quyết được hơn 3 lao động, người nhà trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh là 2 người/cơ sở, thuê lao động bình quân cũng 2 người/cơ sở.

Trình độ lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65%, kể cả hình thức tự đào tạo tại các doanh nghiệp; lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ theo tiêu chẩn cần thiết để phát triển chất lượng nghiệp vụ các ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam (thường gọi tiêu chuẩn VTOS) là 5%. Thế nhưng, hầu hết các vị trí quản lý, điều hành doanh nghiệp du lịch đều đến từ các tỉnh thành khác.

Thực tế cho thấy, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc hiện chỉ đạt từ 40 đến 60% (tùy theo ngành nghề), trong đó khoảng 10% đáp ứng vượt kỳ vọng của công việc, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên, doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoặc các cơ sở dịch vụ, khu du lịch cao cấp. Trong khi đó, nhân viên của ngành du lịch Hội An hiện nay biến động rất lớn do tình trạng liên tục thay đổi công việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

“Các doanh nghiệp hiện nay không có cả nguồn lao động để tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là trăn trở của hầu hết doanh nghiệp du lịch tại Hội An” – Bà Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc điều hành Khách sạn Phú Thịnh, nói.

Sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cao phục vụ du lịch, đặc biệt du lịch đã qua đào tạo kéo theo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút lao động, chất lượng nguồn nhân lực lao động còn yếu, do đó chất lượng phục vụ khách chưa chuyên nghiệp, chưa khai thác được hết các nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách để tăng doanh thu,… 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Hội An còn thấp– Ảnh: Quốc Hải

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo

Thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Hội An so với toàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt gần 65%; trong khi đó, lao động công nhân kỹ thuật không có bằng cấp cũng khá lớn, với hơn 38%. Những năm qua, thành phố Hội An luôn xác định nguồn nhân lực, trong đó có nguồn lao động qua đào tạo là yếu tố quan trọng để phát triển KT-XH; thành phố đã vận dụng nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao lực lượng lao động qua đào tạo nhưng hiệu quả đem lại chưa cao.

“Thành phố chủ trương đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động có nghề và yêu cầu Phòng LĐTB&XH tham mưu giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tăng cường công tác điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đồng thời nắm chắc nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động để có định hướng phù hợp” – Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết.

Hướng tới mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động, Phòng LĐ-TB&XH Hội An đã tổ chức tư vấn và khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động từ 15 đến 60 tuổi và xây dựng kế hoạch đào tạo lao động cụ thể. Phòng cũng đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người lao động; làm việc với các địa phương để đôn đốc, nắm bắt tình hình, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức tư vấn về công tác dạy nghề đối với học sinh cuối cấp 2 và cấp 3.

Thành phố cũng đã mở 6 lớp đào tạo các nghề phi nông nghiệp như dịch vụ nhà hàng, buồng phòng, pha chế, nấu ăn, lồng đèn và các nghề nông nghiệp như dịch vụ thuốc thú y, nuôi tôm thẻ chân trắng, vận hành máy gặt đập liên hợp, điều khiển tàu cá. Ưu tiên lao động thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác và cam kết làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp các khóa học.

Dù vậy, ông Lê Viết Phúc – Trưởng Phòng LĐ-TB & XH Hội An bày tỏ sự lạc quan về thị trường lao động của thành phố và nhấn mạnh: “Tỷ lệ thất nghiệp tại Hội An so với toàn tỉnh là thấp nhất. Hiện tại Hội An có hơn 1.200 người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp, tuy nhiên, 2/3 số người trong độ tuổi lao động lại không có nhu cầu tìm kiếm việc làm do gia đình có điều kiện cho thuê nhà cửa kinh doanh buôn bán với nguồn thu nhập cao và ổn định. Thành phố đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nghề với các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho lao động được đào tạo các ngành nghề đang có nhu cầu sử dụng nhiều tại địa phương”.

Hiện Hội An đang phát động cộng đồng doanh nghiệp, khi tuyển dụng ưu tiên lao động qua đào tạo để nâng chất lượng hoạt động của từng doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo lại đối tượng lao động hiện có.

Quốc Hải