Hội An – điểm sáng trong tiến trình 550 năm của Quảng Nam

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thành lập Quảng Nam Thừa tuyên đạo (nay gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Từ đây, cả vùng đất rộng lớn từ đèo Hải Vân đến núi Đá Bia (Phú Yên) yên ổn, thu hút đông đảo cư dân đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào dựng làng, lập ấp. Thời điểm này, quá trình tụ cư của dân Đại Việt trên vùng đất Hội An cũng định hình, chủ yếu là cư dân các vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh vào lập nghiệp.

HA chú trọng lưu giữ các nghề truyền thống

Vậy là, Hội An một bộ phận hữu cơ của Quảng Nam, vinh dự đại diện cho vùng đất này đi tiên phong trong hành trình mở cõi và giao lưu quốc tế với dấu mốc lịch sử khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam năm 1558 và bắt đầu thực hiện sự nghiệp khai phá xứ Quảng. Hội An, như thế, qua các thời kỳ đã là nơi giao lưu kinh tế-văn hóa giữa các cộng đồng, các dân tộc nhờ vào lợi thế là một vùng nằm ở cửa sông-ven biển, là đầu mối giao thông thủy của cả hệ thống sông ngòi Quảng Nam. Từ cuối Thế kỷ XVI, Hội An dần trở thành một thương cảng sầm uất, thu hút nhiều thuyền buôn ngoại quốc đến giao thương như Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan…Trong số đó, các thương gia Nhật Bản và Trung Hoa được chúa Nguyễn cho phép định cư, lập phố. Thông qua nhiều thế kỷ giao lưu kinh tế, những yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã giao thoa, tiếp biến để rồi định hình nên diện mạo văn hóa Hội An- đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của một đô thị thương cảng. Hội An có hơn 1.400 di tích với nhiều loại hình: nhà ở, nhà thờ tộc, đình làng, lăng miếu, hội quán, giếng khơi cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian còn gìn giữ. Hội An, vùng cửa sông-ven biển, nơi tụ cư của nhiều lớp cư dân, nhiều dân tộc Việt-Chăm-Hoa-Nhật và một số nước phương Tây. Hội An cũng là nơi truyền bá Phật giáo, Thiên chúa giáo sớm nhất của quốc gia Đại Việt, là một trong những cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ. Trong quá trình tụ cư, giao thoa, tiếp biến văn hóa và trong lao động sáng tạo, vùng đất Hội An đã hình thành nên những làng nghề truyền thống có giá trị như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng yến Thanh Châu, làng chài Phước Trạch, An Bàng, làng buôn Minh Hương, Cẩm Phô. Hội An cũng là nơi có nhiều lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng: lễ Cầu ngư, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ vía Lục Tánh Vương gia, vía Thần Tài và các lễ tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan ngọ, Trung thu…

Phục dựng đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với 1 thuong nhân Nhật Bản nhằm phục vụ du lịch và trân trọng mối bang giao VN-Nhật Bản

Với truyền thống yêu nước nồng nàn hun đắp qua hàng bao thế kỷ, người dân Hội An đã không tiếc máu xương, đóng góp vào công cuộc chống   ngoại xâm, gìn giữ đất nước. Hội An là quê hương  của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu- Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam cùng nhiều văn thân như Châu Thượng Văn, Trần Trung Tri, Lương Như Bích…quên mình trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX; là trung tâm của các trào lưu yêu nước đầu thế kỷ XX gắn với tên tuổi của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp, Thái Phiên, Trần Cao Vân…Hội An là một trong những địa phương có tổ chức Đảng cộng sản ra đời sớm, là nơi tỉnh ủy Quảng Nam thành lập và đóng cơ quan hoạt động, là một trong 5 tỉnh lỵ giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng Tháng Tám. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hội An là thị xã tỉnh lỵ của Quảng Nam, thuộc vùng địch tạm chiếm, là nơi tập trung các cơ quan đầu não với lực lượng quân sự hùng hậu và bộ máy chính quyền cai trị, đàn áp từ tỉnh, quận đến xã, thôn. Tuy nhiên, phong trào cách mạng của quân và dân Hội An phát triển mạnh mẽ, kiên cường; chiến đấu trên mọi mặt trận, lập nhiều chiến công. Qua đó, ngày 22-8-1998, Nhà nước đã phong tặng Đảng bộ, quân và dân Hội An danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày Hội An được hoàn toàn giải phóng (28-3-1975), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hội An đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực khai hoang, vỡ hóa, khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, mạnh dạn đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Những nỗ lực trong quá trình tự thân vận động và mở rộng giao lưu, hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều phía đã tạo nguồn lực mạnh mẽ giúp Hội An phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn. Qua đó, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (ngày 24-8-2000).

HA tích cực tổ chức các hoạt động thu hút du khách 

Và, với nhiều biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ ở một thương cảng quốc tế và điển hình về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn gần như nguyên vẹn, Khu phố cổ Hội An được Unesco công nhận Di sản văn hóa thế giới (04-12-1999). Với nhiều giá trị nổi bật về thiên nhiên, sinh quyển Cù lao chàm-Hội An cũng được Unesco công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (ngày 26-5-2009). 

Tự hào về truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương, nhân dân Hội An luôn chung tay giữ gìn, bảo tồn các tài nguyên văn hóa, nhân văn, thiên nhiên. Trên  cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cộng đồng. Chủ trương của Đảng bộ, chính quyền được người dân hưởng ứng là bảo tồn Khu phố cổ gắn với cảnh quan thiên nhiên (sông nước, biển-bãi biển, đảo và các cồn bãi trên sông); gắn với bảo tồn các làng quê sinh thái, làng nghề. Đặc biệt, là gắn những giá trị văn hóa vật thể với phi vật thể; với mục tiêu phát triển kinh tế phải đem lại lợi ích cho cả cộng đồng; lâu dài là xây dựng, phát triển Hội An thành “Thành phố sinh thái- văn hóa- du lịch”. Hội An nhờ vậy đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng cả trong và nước, hàng năm, đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, lưu trú, hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản, đầu tư du lịch…  Các sản phẩm làng nghề, yến sào, đèn lồng, “Phố đi bộ”, “Đêm phố cổ”, “Lễ hội đèn lồng”, “Lễ hội ẩm thực quốc tế”…đã trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới nhiều lần bình chọn “Hội An-thành phố du lịch quyến rũ nhất thế giới”, “Thành phố  du lịch tốt nhất thế giới”…

Suốt tiến trình lịch sử 550 năm Danh xưng Quảng Nam, Hội An luôn là điểm sáng, là niềm tự hào của Quảng Nam, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam ghi nhận, đánh giá cao./-

                                                                            LÊ VIẾT HAI