Góp ý dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi): Nhìn từ đô thị di sản Hội An

Quốc hội đã và đang thảo luận, góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó, nhiều vấn đề liên quan đối với Đô thị di sản văn hóa Hội An.

Hội An mà một là “di sản sống”

Thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm “Đô thị di sản” và các quy định liên quan trong dự thảo dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, cần phải có giải pháp đồng bộ trong quản lý Nhà nước về di sản văn hóa.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu: “Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An với nhiều đặc thù không giống các di sản khác. Trong đó, hệ thống các di tích, di sản hiện có của Đô thị cổ gắn với cuộc sống và hoạt động của con người, được cấu thành từ hơn 1.300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể, nơi người dân địa phương đang sinh sống…, đây còn được gọi là “di sản sống”. Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này đòi hỏi phải có phương thức, cách thức riêng phù hợp với thực tại vốn có của nó”.

Đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Dương Văn Phước thống nhất quan điểm cần phải quy định các biện pháp để bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I (vùng lõi của di tích) và khu vực bảo vệ II (vùng đệm của di tích) theo dự thảo luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I, II hiện nay có liên quan nhiều quy định của luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Ngân sách nhà nước, nhất là Luật Lưu trữ, Luật Khoáng sản,…

Do đó, đại biểu đề xuất mức độ bảo vệ, thẩm quyền quản lý đối với các khu vực bảo vệ phải được quy định theo hướng vừa bảo vệ tối đa giá trị di tích, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là đối với các di tích mà hiện nay đã có dân cư sinh sống. Đồng thời đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, tránh xung đột pháp lý với quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.

Đề xuất bổ sung khái niệm “Đô thị di sản”

Về áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp, đại biểu cho biết, hiện nay trong các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu không có nội dung về chống đỡ, tu bổ cấp thiết di tích liên quan công trình khẩn cấp. Điều này dẫn đến vướng mắc về cơ sở pháp lý trong quá trình áp dụng pháp luật tại điểm c, khoản 2, Điều 35 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định “Việc phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu sửa cấp thiết di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến bằng văn bản của sở VH-TT&DL”. Nhất là đối với các công trình kiến trúc thuộc 2 Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di tích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn tiềm ẩn nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 102 nội dung về chống đỡ, tu bổ cấp thiết di tích liên quan công trình khẩn cấp trong các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đảm bảo thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được ban hành.

 “Để giải quyết những vấn đề trên, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa. Bảo vệ di sản văn hóa phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế xã hội, nhất là phải có quy hoạch cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thế giới nói riêng. Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, đảm bảo làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đồng thời quy định chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm phạm di sản.

Đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí tham quan chỉ để chi vào việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà không tính vào ngân sách Nhà nước theo Điều 58 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định 109 năm 2017 của Chính phủ…” – Đại biểu Dương Văn Phước nói.

Tiếp tục phản ánh các nội dung thảo luận của kỳ họp Quốc hội về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ trong khu di tích.

Điểm mới của Dự thảo luật lần này là có thêm quy định về sửa chữa cải tạo nhà ở riêng lẻ với cả khu vực 1 và khu vực 2 trong khu di tích. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn cho người dân. Lấy ví dụ về đô thị cổ Hội An, nơi có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là “bảo tàng sống” với hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của các phường thuộc TP. Hội An.

Dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân.

Mới đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng đã tổ chức góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xoay quanh các nhóm vấn đề về hệ thống khái niệm, định nghĩa liên quan di sản văn hóa, bổ sung khái niệm “Đô thị di sản”; việc nhận diện, ghi danh các di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế hợp tác công-tư, huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; việc kinh doanh cổ vật…

Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung Tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Sắp tới thông qua Luật di sản văn hóa (sửa đổi) thì tôi nghĩ khái niệm về “Đô thị di sản” là rất phù hợp với Hội An để chúng ta tập trung các nguồn lực, có chính sách thí điểm riêng biệt hướng tới quản lý một đô thị di sản thông minh”./.

QUỐC HẢI

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001. Tiếp đó, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong Luật đã  bộc lộ hạn chế, bất cập. Chính vì thế, Quốc hội đã và đang thảo luận, góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).