Những cánh tay nối dài trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở Hội An

Học Bác từ những việc hết sức giản dị, gần gũi, những hội viên Hội KHHGĐ TP Hội An đang lặng thầm góp sức cùng các địa phương, các ngành hữu quan để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.

Thôn Bãi Hương nằm cách trung tâm xã đảo Tân Hiệp khoảng 6 km đường bộ.

Toàn thôn hiện có 98 hộ, với hơn 370 nhân khẩu. Nhiều năm trước, đa số các hộ dân Bãi Hương đều gắn bó với nghề biển. Vì vậy, cũng như nhiều xóm biển khác, tâm lý sinh con trai để có lao động chính, kế nghiệp nghề đánh bắt, khai thác hải sản luôn thường trực trong các gia đình. Để thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, từ sự chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Dân số và các hội viên hội kế hoạch hóa gia đình đã tích cực tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương chính sách của Nhà nước ta trong công tác dân số.

Bám sát tại cơ sở, những hội viên hội kế hoạch hóa gia đình ở thôn Bãi Hương đã tìm cách tiếp cận các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là hộ sinh con một bề để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng gia đình, có biện pháp vận động phù hợp. Thông thường các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hàng ngày đều đi làm biển. Vì vậy, tranh thủ vào các buổi tối hoặc khi biển động, các cộng tác viên dân số đến tận nhà gặp gỡ, trò chuyện thân tình, cởi mở. Các Hội viên Hội KHHGĐ tự phân chia số hộ, theo dõi đều khắp nên một thời gian dài, nhờ vậy, thôn Bãi Hương không có người sinh con thứ 3 trở lên. Chị Trần Thị Tám, chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số thôn Bãi Hương và cũng là hội viên hội kế hoạch hóa gia đình thành phố nói: Thời gian rảnh rỗi, biển động mình tới mình tâm tư với họ, tìm hướng để mình nói họ. Ví dụ như hồi trước bám biển nhiều, chừ phát triển kinh tế nhiều rồi, chừ bà con sống bằng nghề buôn ở trên bờ nên con trai con gái chi chỉ hai đứa là đủ rồi, họ cũng nhất trí theo lời khuyên nhủ của mình, nói chung là Bãi Hương được 10 năm liền không sinh con thứ 3, chỉ có năm 2016 có 1 ca bị vỡ kế hoạch”.

Ngoài thời gian buôn bán, chị Trần Thị Tám – Hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình đi vận động hội viên thực hiện công tác DS – KHHGĐ

Khác với đặc thù của xóm đảo Bãi Hương, ở khối Hậu Xá, phường Thanh Hà, đại bộ phận nhân dân đều đa ngành, đa nghề. Từ sản xuất nông nghiệp đến làm biển, làm du lịch, dịch vụ hoặc công tác tại các cơ quan đơn vị, tất cả đều có thời gian làm việc, nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng khác nhau. Vì vậy, việc tiếp cận, gặp gỡ, tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình tương đối khó khăn. Theo thống kê, ở khối phố này hiện có khoảng 40 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, có 15 hộ sinh con 1 bề. Nhiều năm, khối Hậu Xá đã vận động, duy trì tốt khối phố không có người sinh con thứ 3 trở lên nhưng việc giữ gìn kết quả đó không hề đơn giản. Theo chia sẻ của bà Tạ Thị Bút, Hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình ở khối Hậu Xá, trong quá trình tiếp cận, vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 trở lên, nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng trọng nam, muốn “có nếp, có tẻ” hoặc cho rằng, khi kinh tế khá giả, đủ khả năng lo cho con nên rất muốn sinh thêm, chưa nghĩ tới việc sẽ tạo hệ lụy đến xã hội. Trải qua 4 năm làm hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình, từng nhỏ to vận động các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai, đến nay, bà Bút đã thuộc lòng họ tên từ cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ, hay tên từng đứa con của các gia đình, hiểu được hoàn cảnh của mỗi nhà để có cách vận động phù hợp. Công việc “thổi tù và hàng tổng”, không có thù lao này có nhiều niềm vui nhưng cũng có không ít nỗi buồn, nhất là khi các cặp vợ chồng né tránh việc kế hoạch hóa gia đình. Bà Bút tâm sự: “Nói chung những người lỡ sinh con 3 rồi thì người ta xung phong lên trạm, họ tự nguyện đặt vòng nhưng mà họ bị viêm nhiễm không đặt được, đó là cái buồn của mình. Còn có những người mình tới nhà là họ rất niềm nở, chào hỏi đàng hoàng lắm. Nhưng mà ngược lại họ lại chạy trốn, mình thấy mình cũng buồn. Còn cái vui của phường cô là được Đảng ủy, UBND quan tâm, rồi là các đoàn thể và ở khối cùng kết hợp được nhịp nhàng và có một động lực mạnh mẽ.

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố, hiện nay, Hội An có hơn 1.400 hội viên, trải đều ở khắp các địa bàn dân cư. 5 năm trở lại đây, các hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã vận động được 2.485 thai phụ đến khám thai, 15.091 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đó là chưa kể, chị em hội viên hội kế hoạch hóa gia đình thành phố còn tư vấn, giúp đỡ hàng ngàn lượt cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, theo dõi, cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí cho gần 19 ngàn lượt người. Ngoài việc hỗ trợ kiến thức làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, mạng hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố thường xuyên tư vấn đến từng gia đình kỹ năng nuôi con theo khoa học, phòng chống suy dinh dưỡng và hạn chế trẻ em làm trái pháp luật, vận động mọi người thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống. Dù các hội viên Hội kế hoạch hóa gia đình thành phố đều không có bất kỳ một chế độ thù lao nào nhưng vì cộng đồng, các chị vẫn tự nguyện, tự giác đảm trách công việc. Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc TTYT thành phố, nguyên Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố cho biết:“Đối với Hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình chúng tôi thì làm việc trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có một đồng lương, một đồng thù lao hay chế độ nào cả. Tất cả chỉ là lấy cái uy tín, trách nhiệm, cái tâm huyết của mình để mà thực hiện thôi, chỉ duy nhất là vì lợi ích của cộng đồng mà thôi. Đó chính là học tập và làm theo Bác. Chính là như vậy không vì lợi ích của bản thân, mà chính vì lợi ích của cộng đồng, không kể đến thù lao gì cả, họ còn bỏ tiền thêm ra để mà làm nữa. Vì mỗi tháng hội viên chúng tôi thu 5.000 đồng. Đã không có tiền chế độ mà còn thu hội viên nữa, họ vẫn nộp, vẫn vô tư, vẫn vui vẻ.”

Vì cộng đồng, vì những điều tốt đẹp cho xã hội, có thể nói, những Hội viên Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố đang thầm lặng tự nguyện trở thành những “cánh tay nối dài” trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở Hội An. Việc làm của họ đang góp phần nâng cao chất lượng dân số, chung tay thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển thành phố nói chung.

Lê Hiền