Có mặt tại ngôi nhà “cười” của chi hội thanh niên khuyết tật thành phố nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say, vui vẻ của các em thiếu nhi khuyết tật nơi đây. “Sở dĩ gọi là ngôi nhà “cười” vì những con người ở đây dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng họ luôn nở nụ cười và luôn có niềm tin vào cuộc sống”, anh Đặng Ngọc Bửu, người đồng sáng lập ngôi nhà “cười” chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Anh Đặng Ngọc Bửu, sinh năm 1965, ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Anh vừa là người anh vừa là người thầy của các em. Từ một lớp dạy tin học dành cho người khuyết tật, anh đã được gặp gỡ, giao lưu với những người có cùng số phận và bắt đầu tham gia vào chi hội thanh niên khuyết tật của thành phố. Là một người khuyết tật, anh hiểu rất rõ những khó khăn mà những người có cảnh ngộ như anh gặp phải trong cuộc sống, đặc biệt là các em thiếu nhi. Với mong muốn giúp đỡ, tạo điều kiện để các em vượt qua mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh và có thêm nghị lực để vươn lên hòa nhập cộng đồng, anh Bửu cùng các anh chị em trong chi hội và những nhà hảo tâm đã lên ý tưởng tập hợp các em lại. Sau nhiều cố gắng nỗ lực của các anh chị em, tháng 9 năm 2009, ngôi nhà “cười” của thiếu nhi khuyết tật Hội An đã “ra đời”. Anh Đặng Ngọc Bửu chia sẻ: “Tôi cũng như các anh chị có cùng cảnh ngộ trong ban chấp hành cũng muốn có mặt bằng để chi hội sinh hoạt đồng thời để đưa các em, các cháu hòa nhập cộng đồng, để các em bớt đi tự ti, mặc cảm, đỡ đi gánh nặng cho gia đình, để các em giao lưu với xã hội, bớt đi nỗi buồn, nỗi thất vọng của các em”.
Sau khi ngôi nhà “cười” được thành lập, các anh chị đã đến từng nhà vận động sự chấp thuận của các bậc phụ huynh và vận động chính các em tham gia, rồi lại thay nhau mỗi người học một nghề để dạy lại cho các em. Anh Bửu thì ra Đà Nẵng học làm hương, chị Phương học làm túi xách, các anh chị khác thì học nghề làm lồng đèn… Có nghề trong tay, các anh chị em tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ máy móc và nguyên liệu để việc dạy nghề cho các em được thuận lợi hơn và cũng giúp các em có điều kiện để làm ra sản phẩm. Anh Bửu cho biết thêm, việc dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn vì các em là những người khuyết tật nên khả năng tiếp thu rất hạn chế. Có em học một tháng, hai tháng là làm ra được sản phẩm nhưng cũng có em phải mất hơn một năm. Khó khăn là vậy, song với tình yêu thương dành cho các em, anh Bửu, chị Phương, anh Vinh và những anh chị khác vẫn cố gắng vượt qua, kiên trì chỉ dẫn cho các em. Rồi khi các em đã làm ra sản phẩm hoàn thiện thì việc làm thế nào để tiêu thụ lại khiến các anh chị em trăn trở. Vậy là các anh chị tìm đến các quầy tạp hóa, những cửa hàng bán đồ lưu niệm, các shop vải để giới thiệu và vận động mọi người giúp tiêu thụ sản phẩm của các em. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay, sản phẩm do các em khuyết tật ở ngồi nhà “cười” làm ra đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, ở ngôi nhà “cười” có 10 em thiếu nhi khuyết tật đang sinh hoạt và làm việc với mức thu nhập mỗi em trung bình từ 500-700 ngàn một tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của anh Bửu và các anh chị em, cũng là sự cố gắng của các em thiếu nhi khuyết tật. Anh Bửu chia sẻ: “Rất là nhiều khó khăn vì các em khuyết tật vận động rồi khuyết tậ trí tuệ nữa. Ở đây chủ yếu giúp các em hòa nhập cộng đồng chứ làm kinh tế thì không thể bằng người bình thường. Tuy số tiền so với người bình thường rất nhỏ nhoi nhưng mà do bản thân các em làm ra nên các em rất vui, dù các em không mua sắm được nhiều nhưng cũng được cái áo, cái quần cho bản thân”.
Anh Bửu vừa là người anh vừa là người thầy của các em khuyết tật ở ngôi nhà cười- Ảnh: Phan Sơn
Nhìn những nụ cười tươi vui của các em cùng sự chỉ dẫn tận tình của anh Bửu khi các em làm sai sản phẩm, chúng tôi hiểu được tình yêu thương lớn lao của anh dành cho các em. Và câu trả lời ngắt quãng, không rõ lời: “Rất vui, cảm ơn thầy Bửu rất nhiều” của em Nguyễn Xuân Lên ở thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà khi được hỏi về suy nghĩ của em khi vào ngôi nhà “cười” cũng đã nói lên tấm lòng tri ân mà các em dành cho anh Bửu và các anh chị em trong chi hội thanh niên khuyết tật Hội An. Chú Nguyễn Xuân Đi, ba của em Nguyễn Xuân Lên cho biết: “Cháu nó đi làm hương ở ngôi nhà “cườ”i thì gia đình rất mừng, rất phấn khởi vì cháu nó được giao lưu với bạn bè, có thêm niềm vui. Nếu mà các đoàn thể thành phố giúp được cho các cháu ở ngôi nhà tình thương thêm một chút ít nào đó để các cháu mở mang trí óc và sinh sống được thì chú rất mừng.”
Cuộc sống của các em sẽ còn rất nhiều khó khăn, song tình thương của “thầy” Bửu và các anh chị sẽ là động lực để các em vượt qua và ngôi nhà chung sẽ luôn đầy ắp những tiếng cười.
Phan Sơn