Về lại với biển giữa mùa dịch

Một ngày cuối tháng 8, về với vùng biển Cẩm An, tôi đã bắt gặp xu hướng đang tìm cách trở lại với nghề biển để mưu sinh của lớp người trẻ nơi đây, như sinh kế bao đời của cha ông họ: “ra khơi bám biển”.

Các thế hệ gia đình lão ngư Lê Văn Hùng bên ngư cụ truyền thống- Ảnh: Mỹ Lệ

1.Ông Phùng Hết, một lão ngư gần 65 tuổi, Phường Cẩm An (TP. Hội An) với trên 40 năm kinh nghiệm bám biển, là một trong số những người con của làng chài, gần như dành trọn cả đời với biển cả quê hương. Nay, ông không còn gắn bó với nghề do tuổi đã cao nhưng hằng ngày vẫn nhớ biển. Ngày hai buổi, bóng dáng người ngư dân già vẫn in lên bờ cát; ông ngồi bên biển, lục lọi lại đống ngư cụ đã cũ và lộn xộn, vá lại vài mảnh lưới như một cách thỏa nỗi nhớ nghề và tình yêu biển cả trong ông.

Còn với lão ngư Lê Văn Hùng, 51 tuổi cũng tại Phường Cẩm An (TP. Hội An) chia sẻ: “Trước đây tôi làm biển, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nữa nên tôi chuyển sang làm nhân viên chăm sóc cây vườn cho cơ sở lưu trú du lịch. Khi dịch bệnh xảy ra, các cơ sở này đóng cửa, tôi quay lại làm biển, đánh bắt bãi ngang để trang trải cuộc sống”. Trong gia đình, còn có 2 người con trai và con gái cũng mất việc làm do dịch bệnh và đã trở lại phụ giúp ông làm nghề biển.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh phường Cẩm An đã thay da đổi thịt; Làng chài ven biển ngày xưa giờ đã được thay thế bởi những công trình du lịch, những khu dân cư đô thị; kéo theo đó nền kinh tế ngư nghiệp cũng chuyển dần sang cơ cấu dịch vụ – du lịch, lớp thanh niên con cháu của những lão ngư như ông Hết, ông Hùng phần nào đã dần thích nghi và tìm kế sinh nhai theo hướng dịch vụ – du lịch. Đại diện cho lớp người này có thể kể đến anh Lê Văn Tùng con trai của lão ngư Lê Văn Hùng. Ngay từ khi ra đời lập nghiệp anh đã chọn cho mình hướng đi theo các công việc của ngành dịch vụ – du lịch, những năm gần đây anh Tùng là nhân viên phục vụ nhà hàng.

Vừa qua, khi “cơn bão” dịch bệnh Covid – 19 ập đến, mảng kinh tế dịch vụ -du lịch thiệt hại nặng nề, kéo theo sự lao đao của những nhân lực trong ngành này. Giữa khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai, anh Tùng chợt nhận ra nền tảng vững chãi của mình là cả một truyền thống lâu đời của lớp lớp người dân làng chài bám biển. Vì vậy, anh đã mạnh dạn trở về truyền thống của gia đình, cùng cha mình vươn khơi bám biển, tìm kiếm cơ hội ổn định cuộc sống trong giai đoạn này.

Lúc này, giá cả thủy sản khai thác tuy có giảm hơn so với thị trường tiêu thụ trước đây do nhiều nhà hàng, khách sạn không đặt hàng, song đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu giúp người dân “cầm cự” trong mùa dịch.

Anh Lê Văn Tùng (mặc áo vàng) cùng cha chuẩn bị ngư cụ ra khơi- Ảnh: Mỹ Lệ

2.Trước những năm 1975, người dân Cẩm An biết kết hợp nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu với phương châm:

“Ba buồm, hai lái thẳng giăng

Ban ngày đánh cá, tối lăn hốt đồn”.

Sau năm 1975, nhằm ổn định đời sống, nhân dân Cẩm An nhạy bén thích ứng với cuộc sống bằng việc thực hiện phương châm “Chân biển – chân đồng” tức là vừa làm nghề biển, vừa làm nông, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.Phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề biển, theo kiểu “cha truyền con nối”.

Theo ông Nguyễn Hưng – Nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, từ sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Cẩm An (xã Cẩm An cũ bao gồm phường Cẩm An, phường Cửa Đại và xã đảo Tân Hiệp) sống nhờ nghề biển; mặc dù nhận thấy mức độ rủi ro của nghề biển quá lớn nhưng đây là kế sinh nhai duy nhất nên vẫn kiên trì bám biển, vừa làm kinh tế vừa giữ gìn biển đảo. Điều đó đã tạo nên một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghề khai thác thủy hải sản ở Hội An vào những năm 1980 – 1990.

Tuy nhiên, đầu những năm 2000, cùng với công cuộc tái thiết địa phương (chia tách xã Cẩm An thành 02 phường Cẩm An và Cửa Đại), là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên nghề biển dần mai mọt. Lúc này, giá trị kinh tế của nghề biển càng thấp dần và cơ hội tìm kiếm việc làm ở các ngành dịch vụ mở ra. Mặt khác, do tác động của quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, gần như toàn bộ địa bàn phường được quy hoạch lại và hình thành nên các khu dân cư mới nhằm phát triển theo hướng đô thị… nên một bộ phận không nhỏ cư dân miền biển đã không còn nối nghiệp cha ông, chuyển đổi nghề nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Giờ đây khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phần lớn lao động tại đây bị ảnh hưởng và mất việc làm. Ông Nguyễn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm An cho biết, trong thời điểm khó khăn này, nhiều lao động mất việc làm ở địa phương đã quay lại với nghề biển để mưu sinh, ổn định cuộc sống. Họ vốn là những ngư dân thực thụ, đã ngấm từng vị mặn của biển, từng chống chọi với đầu sóng ngọn gió để tìm kế sinh nhai.

3.Biển vẫn sẽ rộng mở vòng tay để chào đón các lớp thanh niên trong làng quay về. Họ sẽ vượt sóng ra khơi, không chỉ để mưu sinh cuộc sống, phát triển kinh tế mà còn góp phần canh giữ vùng lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc.

Rồi đây, trong làng lại nghe tiếng í ới gọi nhau của những người mẹ, người vợ rủ nhau ra biển ngồi ngóng những con thuyền, chiếc thúng của người con, người chồng dần cập bến với ước vọng tôm, cá đầy khoang.

Và xen lẫn trong tiếng sóng vỗ, sẽ lại vang vọng những thanh âm mộc mạc mà thân thuộc của người dân sinh sống trên vùng đất nắng nôi đầy cát nhưng vẫn kiên cường bám biển lao động: “Chạy ra biển ngó thử ba dô chưa”, “Bữa ni trúng không ông”, “Rứa chiều mấy giờ đi lại”,…

Mỹ Lệ