Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực Hội An đều không bỏ qua món ăn truyền thống, nổi tiếng này. Một trong những nguyên liệu chính làm nên món ăn này đó là sợi cao lầu. Gia đình cụ Trần Thị No còn có tên gọi là cụ Trái ở khối phốTrường Lệ phường Cẩm Châu là hộ gia đình lưu truyền, gìn giữ nghề truyền thống sản xuất sợi cao lầu bằng thủ công lâu nhất trên 200 năm tại Hội An. Tính đến nay đã có 4 thế nghệ làm nghề này.
Sản phẩm làm ra của gia đình cụ Trái bày bán tại chợ Hội An- Ảnh: Hoàng Ngân
Theo các thành viên của gia đình cụ Trái, để làm nên sợi cao lầu ngon đúng điệu gia truyền thì cần 3 nguyên liệu chính là gạo được trồng từ giống lúa Suyệt, nước trong (không có phèn) và tro cộng với sự tỉ mẫn qua nhiều công đoạn, trong đó khâu ngâm tro là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của sợi cao lầu.
Bước đầu tiên trong ngày là chọn gạo rồi vo sạch, ngâm gạo với nước trong, xong đem xay thành bột, đến 2 giờ khuya lóng lấy bột, bỏ vào thau lớn, bắt lên bếp củi khuấy đều, khi bột gần đặc thì hoà tro với nước, lóng lấy nước trong ở trên đổ vào khuấy đều cho đến khi bột đặc thì dích ra, xếp thành nhiều vỉ để vào nồi hấp 1 tiếng đồng hồ, tiếp đó đánh cho nhuyễn đem ra cán, quay thành sợi và hấp lại là cho ra thành phẩm sợi cao lầu.
Quy trình làm sợi cao lầu trải qua nhiều công đoạn như trên và tập trung sản xuất vào giờ cao điểm là từ 4 đến 7 giờ sáng và cần từ 5 đến 6 lao động, mỗi người đảm trách một khâu. Ngoài các khâu như ngâm gạo, ngâm tro, chuyển sản phẩm đến bán món ăn cao lầu là do các thành viên trong nhà đảm nhiệm. Khâu tráng, hấp, quay sợi …do nhân công trong xóm tham gia.
Lao động vất vả, lợi nhuận thấp, mỗi người thu nhập từ 70 đến100 ngàn đồng/ngày nhưng bù lại đầu ra sản phẩm sợi cao lầu ổn định nên lao động trong nhà và chòm xóm luôn có việc làm quanh năm. Thời gian còn lại trong ngày họ tham gia trồng quật cảnh, sản xuất lúa nâng cao thu nhập cho gia đình.
Con dâu cụ Trái, chị Nguyễn Thị Dỉnh, hiện là người quán xuyến nghề làm sợi cao lầu của gia đình chia sẻ, làm nghề này khá vất vả, trải qua nhiều công đoạn cần sự tỉ mẫn của từng khâu mới cho ra thành phẩm sợi cao lầu đạt chất lượng.
Sản phẩm làm ra của gia đình được cụ Trái bày bán tại chợ Hội An hơn 60 năm. Số còn lại con dâu cụ phân phối đến các điểm đặt hàng với giá bán sĩ 16 ngàn đồng/kg. Những điểm dùng sợi cao lầu của gia đình để làm nên món đặc sản cao lầu thu hút đông khách đó là Quán Cao Lầu Liên ở đường Thái Phiên, Cao lầu Vạn Lộc (cạnh Hội Quán Phúc Kiến), hai quán Cao Lầu chay ở kiệt Sica và hai nhà hàng tại TP Đà Nẵng.
Trước đây, khi du lịch Hội An chưa phát triển, gia đình cụ sản xuất mỗi ngày từ 25 đến 30 kg sợi cao lầu. Từ khi Hội An được nhiều khách thập phương biết đến,nhu cầu thưởng thức ẩm thực Hội An, đặc biệt món cao lầu Hội An ngày càng nhiều. Vì vậy, việc sản xuất sợi mì của gia đình cụ phát triển mạnh, đáp ứng đủ nguồn cung cấp cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày từ 100 kg gạo cho ra thành phẩm được 150 kg sợi cao lầu tươi.
Ngoài việc sản xuất sợi cao lầu tươi, tranh thủ thời tiết thuận lợi gia đình cụ Trái phơi sợi làm cao lầu khô. Lúc nào trong nhà cũng dự trữ đủ lượng, để bán cho bạn hàng mua mang đi làm quà cho người thân ở các nơi trong và ngoài nước.
Trò chuyện tìm hiểu nghề gia truyền của cụ Trái, tất cả các thành viên trong gia đình đều tâm sự, nghề này rất vất vả, trong quy trình chế biến có nhiều khâu khó, mặc dù thu nhập còn thấp so với các ngành nghề khác nhưng hiện tại cả gia đình góp sức gìn giữ .
Cháu nội cụ Trái năm học này bước vào lớp 11, sau giờ tan trường về nhà giúp gia đình đảm trách một số công đoạn, tỏ ra rất thích thú. Và em cũng chia sẻ dù nghề này thu nhập thấp nhưng em sẽ cố gắng gìn giữ nghề gia truyền, góp phần làm nên món ăn nổi tiếng cao lầu của Hội An.
Cô cháu gái của cụ làm nghề hướng dẫn viên du lịch cũng thường đưa khách về trò chuyện cùng cụ Trái hay tham quan, thưởng lãm qui trình chế biến sợi cao lầu bằng các công đoạn thủ công của gia đình.
Gia đình cụ Trái thật sự hạnh phúc với nghề gia truyền. Hiện gia đình cụ là một trong số rất ít gia đình đã có được những người con, người cháu biết trân quí, lưu giữ, truyền bá nghề truyền thống của gia đình đến mọi người, góp phần tạo nên hương vị món ăn cao lầu độc đáo của phố cổ Hội An. Bởi hiện nay việc gìn giữ, nhân cấy nghề truyền thống bằng thủ công là một việc làm không dễ chút nào. Vấn đề này không chỉ là nỗi lo của chính các gia đình có nghề mà đang là thách thức của các ngành chức năng .
Hoàng Ngân