Những phụ nữ góp công giữ lửa nghề gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà ra đời cách đây 500 năm. Trải qua những thăng trầm lịch sử, làng nghề có lúc hưng thịnh, có lúc đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân làng gốm đang nỗ lực gìn giữ lửa nghề, trong đó những người mẹ, người chị có vai trò chủ lực, không chỉ trình diễn nghề, hướng dẫn cho khách tham quan trải nghiệm mà còn làm ra các sản phẩm giá trị, góp phần tạo sức hút cho làng nghề. Với bàn tay tài hoa, khéo léo và trí sáng tạo của mình, những phụ nữ nơi đây đang từng ngày, từng giờ thổi hồn vào sản phẩm, để làng gốm bước sang một trang mới, trở thành địa chỉ du lịch của thành phố Hội An.

Cụ Lê Thị Chiến – Nghệ nhân của làng gốm trong cơ sở của gia đình- Ảnh: Minh Anh

Phụ nữ cao tuổi truyền nghề…

Trong cơ sở gốm của gia đình, mùa đông giá rét cũng như những ngày hè nóng nực, ngày ngày, cụ Lê Thị Chiến vẫn miệt mài với nghề. Gần 90 tuổi nhưng nữ nghệ nhân này vẫn còn rất minh mẫn, tinh anh. Qua bao năm tháng, đôi bàn tay của bà ngày càng chai sần nhưng lạ thay, khi được nhào nặn trong đất sét, đôi tay ấy lại trở nên khéo léo, mềm dẻo. Như thổi hồn vào đất, những sản phẩm do nữ nghệ nhân làm ra luôn mang hồn cốt, sự tinh xảo, phong cách nghệ thuật riêng, không phải khuôn mẫu nào cũng tạo được. Nhiều năm nay, bà cùng với chồng mình là nghệ nhân Nguyễn Lành gắn bó với nghề gốm, làm ra nhiều sản phẩm. Giờ đây, khi đã trở thành hình mẫu nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề, cụ Lê Thị Chiến đang trao truyền bí quyết, kinh nghiệm vốn quý cho nhiều người khác. Bà Chiến chia sẻ: “Cái nghề ni ngó rứa mà nó cũng gay. Phải tinh ý mới làm được. Mình chỉ dạy cho mấy người rồi, đầu óc người nào phải nhanh ý, sáng tạo, biết hình dung thì sẽ làm được. Vì mỗi mặt hàng mang một vẻ riêng, không cái nào giống cái nào. Có khi chỉ khéo ý, khéo tay một chút thì sản phẩm sẽ có hồn. Mà chỉ vụng về một chút thì đất sét vẫn là đất sét vô hồn mà thôi. Mình chỉ dạy mấy đứa nay làm tốt rồi, từ đầu đến cuối, chỉ hết, mình làm như thế nào thì chỉ dạy thế ấy, không dấu nghề làm chi. Phải dạy cặn kẽ để bữa sau đến lượt các con cháu làm nghề chứ, vì mình cũng đâu thể sống mãi mà làm nghề được. Làng nghề phải có người nối gót chứ. Chừ mấy đứa nó làm được, nó nói “Chừ con làm được ri cũng nhờ có dì chỉ dạy”. Nghe rứa vui rồi”.

Không chỉ có vợ chồng cụ Chiến, người con dâu của các cụ là chị Nguyễn Thị Quốc Hưng, năm nay cũng đã ngoài 60 cũng đang làm nghề này. Bao năm cùng mẹ chồng làm lụng, giờ đây, khi vững nghề, chị cũng đã hình thành cơ sở ngay bên cạnh, đang nối nghiệp cha mẹ mình, thỏa niềm mong mỏi về người kế nghiệp của gia đình. Chị Hưng chia sẻ: Mình trước đây là cán bộ nhà nước. Lấy chồng về đây, thấy cha mẹ có nghề này, tranh thủ học làm. Vì nghề này một thời bị mai một, chừ con cháu nó cứ bươn ra ngoài làm, khách sạn, nhà hàng, công ty nhiều mà. Mình thấy cha mẹ già rồi nên cũng phải giữ lấy nghề của gia đình, vì cha mẹ tâm tư rất muốn có người nối nghiệp. Cả cha mẹ đều là nghệ nhân tên tuổi, chừ không lẽ để thất truyền đi, như vậy sao đành. Vì thế mình quyết tâm trở về học nghề, làm cùng bố mẹ, đến nay mở một sơ sở riêng ngay bên cạnh. Ông bà mãn nguyện lắm”.

  • Các thế hệ phụ nữ làng gốm tiếp nối nghề truyền thống– Ảnh: Minh Anh

Phụ nữ trẻ sáng tạo, cách tân sản phẩm…

Dạo quanh làng gốm, chúng tôi còn gặp rất nhiều gương mặt thân quen. Đó là những chị, những mẹ tảo tần sớm hôm để làm ra sản phẩm gốm. Đối với các chị, đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống của làng. Chị Nguyễn Thị Thu là một phụ nữ như thế. Nhìn thấy người cha gia vẫn ngày ngày nhào nặn đất sét, xúc trộn, phơi đất, bưng gốm nặng trịch ra vào lò nung, chị không đành lòng. Thế là chị xin nghỉ việc ổn định (ở cơ sở Gỗ, có đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT) để trở về làm gốm thay cha mẹ. Ngày ngày chị đều có mặt ở lò, trộn đất, chuốt gốm, tạo sản phẩm, phơi trở, nung gốm… Chị Thu cho biết, cơ sở của chị cũng có thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình đảm bảo.

Nếu như những nghệ nhân cao tuổi, những phụ nữ thuần thạo, có tay nghề cao là linh hồn của làng gốm Thành Hà thì sự tiếp nối nghề gốm của những phụ nữ trẻ ở đây như thổi một luồng gió mới vào các sản phẩm gốm. Trước trang sử mới là một điểm du lịch của Hội An, thay vì những sản phẩm dân dụng như hàng trăm năm trước đã từng được làng nghề sản xuất, đem đi bán khắp nơi, ngày nay, dòng sản phẩm gốm Thanh Hà đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Sản phẩm tinh xảo, nghệ thuật, bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu trang trí cảnh quan cơ sở du lịch hoặc phục vụ thăm quan, chiêm ngưỡng, làm quà lưu niệm cho du khách. Những phụ nữ trẻ đã học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước, kết hợp tìm hiểu, ứng dụng thêm kiến thức trên các phương tiện hiện đại để tạo nên những sản phẩm mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt truyền thống của dòng gốm đỏ, thô, nung không men, tạo nên tính khác biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.

  • Chị Tuyết Nhung cùng chồng ứng dụng Internet tạo điểm mới cho sản phẩm gốm truyền thống– Ảnh: Minh Anh

Là người ở vùng khác về làm dâu tại làng Gốm Thanh Hà được hơn 1 năm nay, chị Trần Thị Tuyết Nhung đã nhanh chóng hòa nhập cùng gia đình, học nghề từ người thân, ngày ngày cùng chồng chăm chút các sản phẩm gốm. Chị Tuyết Nhung còn sử dụng điện thoại, tìm những tác phẩm gốm cách tân, sau đó học tập cách làm, khắc họa chữ hoặc hình ảnh phù hợp lên từng sản phẩm. Sự kế nối, trao truyền nghề từ những nghệ nhân cao tuổi cho những phụ nữ mới bắt đầu chập chững bước chân vào nghề là câu chuyện giữ lửa nghề ở làng gốm. Chị Tuyết Nhung cho biết: “Khi tôi về đây thì gia đình có nghề làm gốm lâu đời, bà nội của chồng tôi là nghệ nhân cao tuổi của làng, cả gia đình chồng tôi đều làm gốm. Vì vậy tôi muốn theo sự nghiệp của gia đình và phát triển những bản sắc truyền thống để làm mới sản phẩm. Vì vậy bên cạnh sản phẩm truyền thống là nồi niu, tôi có làm thêm những tượng, bình nghệ thuật. Ngoài phương pháp thủ công là chút gốm thì tôi cũng muốn sáng tạo thêm bằng nhiều cách như đắp gốm, điêu khắc trên gốm. Và hàng ngày tôi còn ứng dụng Internet để học những mẫu hình mới, cũng như tìm thêm nguyên liệu phù hợp để sản phẩm đa dạng, mới mẻ hơn”.

Cùng với các cơ chế khuyến khích của chính quyền địa phương và Trung tâm VHTT – TTTH thành phố, Hội LHPN phường Thanh Hà cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề làm gốm cho các lao động nữ, để chị em ngày càng giỏi việc, tinh nghề, nhất là thế hệ phụ nữ trẻ đang tiếp nối, giữ gìn nghề truyền thống. Nói về vai trò của PN làm nghề gốm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN Thanh Hà cho rằng:
“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò, vị trí của những người phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy làng Gốm Thanh Hà. Các chị các mẹ không chỉ đầu tư làm các sản phẩm mới mà còn đạo tạo, hướng dẫn cho nhiều phụ nữ để giữ gìn và phát huy làng nghề. Có thể nói những phụ nữ nơi đây là linh hồn, giữ gìn lửa nghề cho nghề gốm Thanh Hà tồn tại với thời gian.”

Tin rằng, với tình yêu dành cho nghề truyền thống, những phụ nữ ở làng gốm Thanh Hà sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi lửa nghề cho hôm nay và cả mai sau.

Lê Hiền