Hôm nay đã là ngày 15 tháng 7 âm lịch, một mùa vu lan báo hiếu nữa lại về. Những người con lại có dịp thể hiện tình yêu thương của mình với đấng sinh thành. Bởi lễ Vu Lan là dịp để báo hiếu cha mẹ, để tìm về nguồn cội yêu thương, như truyền thống lâu đời của người Việt vốn trọng những tấm lòng thảo thơm như thế.
Đối với vùng đất nhân tình thuần hậu Hội An, đạo hiếu trong các gia đình vẫn được gìn giữ, tỏa sáng, trở thành một giá trị cố hữu trong đời sống cộng đồng.
Tấm lòng đạo hiếu với ông bà cha mẹ làm nên vẻ đẹp nhân tình thuần hậu để lại tình cảm đẹp khi du khách đến Hội An- Ảnh: Lê Hiền
Từng biết đến là một người thủ từ cần mẫn ở chùa Ông, dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc bảo vệ, gìn giữ di tích, ông Lê Huyễn cũng là người có một gia đình nề nếp, gia phong. Trong ngôi nhà được Nhà nước cho thuê bên cạnh chùa, bao năm qua, người vợ quá cố và 6 người con của ông luôn gìn giữ nếp nhà, sống thương yêu, đoàn kết, quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Để có thể nuôi dạy, bảo ban con cháu nên người, ông Huyễn đã soạn thảo quy chế gia phong, nhắc nhở con cháu trên thuận dưới hòa, sống có đạo đức và trách nhiệm, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Những lời dạy bảo chuẩn mực của vợ chồng ông đã giúp các con trưởng thành, hiện tại, mọi người đã yên bề gia thất, có nhà riêng. Giờ đây, con, cháu nội ngoại, dâu, rể của gia đình ông Huyễn, tính tất cả đã là 23 thành viên. Trong số đó đã có 2 người trình độ thạc sỹ, 4 cháu học cử nhân, các cháu trong độ tuổi đến trường đều đạt học sinh khá giỏi. Hàng ngày, sau thời gian đi học, làm việc, tối lại, con cháu ông vẫn thường về thăm nhà, nơi thờ cúng gia tiên và người mẹ, người bà quá cố. Anh chị em thường quây quần, vui vẻ, có gì ăn nấy, rồi trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau. Thấy các con cháu thương yêu quý trọng nhau, ông Huyễn cũng mãn nguyện, an lòng. Nói về việc giữ gìn đạo hiếu gia phong trong gia đình, ông Lê Huyễn tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở Hội An thì phải giữ nề nếp của người Hội An xưa và nay. Đối với gia đình sống luôn phải biết giữ gìn nền nếp gia phong của gia đình. Người lớn trong gia đình phải làm gương đối với con với cháu và dạy dỗ con cháu trong gia đình sống luôn luôn hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, tôn kính những bậc bề trên và trong gia đình phải luôn trên thuận dưới hòa, không bạo lực gia đình. Và nên dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn, con ngoan trò giỏi. Đó cũng là tiêu chí để xây dựng Hội An nhân tình thuần hậu.”
Gia đình ông Lê Huyễn luôn giữ gìn gia phong, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo- Ảnh: Minh Anh
Thực tế, từ trước đến nay, ở Hội An có rất nhiều gia đình có từ 3-4 thế hệ cùng chung sống với nhau một cách hài hòa, tình cảm, đoàn kết, gắn bó, êm ấm. Ngay cả trong thời kỳ kinh tế còn khó khăn, các gia đình vẫn giữ nề nếp gia phong, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ và ngược lại, ông bà cha mẹ luôn yêu thương, chở che con cháu. Ngày nay, khi kinh tế du lịch thương mại phát triển, nhiều gia đình ở khu phố cổ đã tạm ra ngoài cư trú nhưng thâm tình ruột thịt trên dưới vẫn được gìn giữ thông qua các buổi đoàn tụ lễ tết, cúng kiếng giỗ chạp tổ tiên, tộc họ, lễ mừng thọ cho ông bà. Vì điều kiện cuộc sống, việc sum họp tuy thưa hơn trước kia nhưng cũng không vì thế mà con cháu sao nhãng tình cảm, trách nhiệm với ông bà, cha mẹ. Nhiều người cho rằng xuất phát từ lòng hiếu thuận nên trong sinh hoạt gia đình, người Hội An cũng thường chế biến những món ăn đặc biệt, phù hợp với người cao tuổi. Theo thời gian, những món ăn ấy dần phổ biến, giờ đây được nhiều người biết đến như các loại bánh Nậm, bánh Xoài, bánh Ướt, bánh Da Lợn, Đậu Xanh, bánh Tổ… hay những món ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu Đỏ, đậu Đen hầm, đậu hủ, xí mà… Trong đời sống thường nhật, con cháu cũng luôn dành cho ông bà, cha mẹ những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Điều đó được xuất phát từ tấm lòng hiếu thuận, từ phẩm hạnh nhân tình thuần hậu của người Hội An. Ông Trần Văn An, người có nhiều năm nghiên cứu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc ở Hội An cho rằng, đến nay, đạo hiếu ở vùng đất này vẫn đang được gìn giữ khá tốt, luôn là một giá trị thấm đẫm tính nhân văn. Ông cho rằng:“Tính mức độ của người Hội An tạo ra nếp sống riêng. Và cái nếp sống đó được lưu truyền trong các gia đình, rất là hay, đó là chung sống trong một gia đình nhiều thế hệ như vậy nhưng mà ông bà cha mẹ con cái luôn bảo ban lẫn nhau. Con cái thì học tập, tôn trọng ông bà cha mẹ, trở thành một truyền thống gia đình được bảo vệ trong nhiều gia đình trong khu phố cổ. Khi làm việc gì có lỗi với gia đình, với ông bà là họ cố gắng tránh, người ta không thể làm. Mặc dù có lợi mấy người ta cũng không làm. Điều đó được truyền từ đời này đến đời khác”.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, trước cơ chế kinh tế thị trường, cũng như nhiều nơi khác, ở Hội An đã xuất hiện một số gia đình có những bất hòa, mâu thuẫn. Con cháu dù biết phải hiếu đạo với ông bà cha mẹ nhưng vì lợi ích kinh tế hoặc vì không làm chủ được bản thân nên vướng những sai lầm trong lối sống, đó đây vẫn có những trường hợp ứng xử chưa đúng chuẩn mực, chưa phải đạo với bề trên, không tránh khỏi làm cho ông bà cha mẹ buồn lòng.
Trước thực trạng này, việc vận động xây dựng đời sống văn hóa, tộc họ văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng, phát động sâu rộng tại cộng đồng dân cư. Trong đó lòng hiếu thảo, sự đoàn kết, hòa thuận giữa các thành viên trong từng gia đình được xem là một nội dung cốt lõi. Cùng với đó, các tộc họ cũng gìn giữ những sinh hoạt tâm linh truyền thống để tạo dịp cho con cháu đoàn tụ, gần gũi nhau và cùng nhớ về tổ tiên, hiếu kính với các đấng sinh thành. Gần đây, khi khởi thảo xây dựng đề án Hội An nhân tình thuần hậu, đạo hiếu của người Hội An được xem là nội dung cốt lõi trong việc gìn giữ giá trị, phẩm chất của người phố Hội. Việc tuyên truyền, vận động mỗi người giữ gìn phấm chất ấy chính là cách tôn vinh, tỏa sáng đức tính nhân tình thuần hậu của người Hội An trong đời sống hiện nay.
Lê Hiền