Sau 8 năm liển tiếp, Ban quản lý chương trình Quĩ bảo vệ về thiên nhiên (WWF) Việt Nam đánh giá cao sự hưởng ứng và tham gia tích cực của TP.Hội An trong việc thực hiện “Giờ trái đất” từ năm 2009 đến nay.
Năm 2009, lần đầu tiên Quĩ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, chương trình Việt Nam tham gia cuộc vận động này và Hội An là 1 trong 6 thành phố của cả nước đăng ký hưởng ứng. Sự kiện diễn ra lúc đầu chỉ tập trung ở khu phố cổ là chính nhưng dần dần được mở rộng phạm vi toàn thành phố, không chỉ tạo thêm một hoạt động bảo vệ môi trường mà còn hình thành nên sản phẩm du lịch văn hoá thú vị, để lại ấn tượng đối với nhân dân và du khách. Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT thành phố khẳng định: “Hoạt động này vừa có ích trong công tác bảo vệ môi trường, vận động nhân dân và các tổ chức, đơn vị hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng sử dụng vừa tiếp tục quảng bá hiệu quả vẻ đẹp của di sản văn hoá Hội An với đông đảo bạn bè quốc tế gần xa… Những năm gần đây, “Giờ trái đất” còn được thực hiện trong “Đêm phố cổ” hằng tháng cũng như những sự kiện, những hoạt động văn hóa – du lịch đáng chú ý của thành phố”
Thu hút du khách thả hoa đăng trên sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn
Với những thông điệp cụ thể hằng năm: “Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu”, “Tắt đèn bật tương lai”…, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút vào ngày thứ bảy cuối tháng 3 hằng năm, lãnh đạo thành phố vận động toàn dân tắt điện trong nhà, trong các cơ sở hoạt động, tắt đèn tất cả các bảng biển quảng cáo, tắt các thiết bị điện khác không cần thiết, thay thế bằng các loại đèn dầu phụng, đèn gương, đèn sáp… Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được giảm thiểu tối đa. Khu phố cổ thực hiện “Phố đi bộ”. Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng không gian vùng phụ cận và các công trình liền kề 2 bên bờ sông Hoài được tắt gần như toàn bộ. Riêng di tích Chùa Cầu được thiết trí chiếu sáng biểu tượng và mái ngói hợp lý. Các lồng đèn biểu tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng), đèn trang trí trên sông Hoài, các tác phẩm điêu khắc tại vườn tượng An Hội lung linh, kỳ ảo với ánh sáng các loại đèn gương, đèn dầu phụng, nến sáp… Dọc các bờ kè và ven triền sông Hoài càng lấp lánh và nên thơ hơn bởi ánh sáng muôn ngàn hoa đăng và các loại đèn thắp sáng thân thiện, thích hợp.
Chùa Cầu trong “Giờ trái đất”- Ảnh: Đỗ Huấn
Khu vực sông Hoài vì vậy đã trở thành điểm nhấn ấn tượng, hấp dẫn nhiều người trong “Giờ trái đất”, trong đêm hội của dòng sông hoa đăng và cảnh quan xung quanh rực rỡ sắc màu, lung linh muôn ngàn tia sáng… mà ở nơi khác không dễ gì tìm thấy được. Dặt dìu trên sông và miên man trong phố là những thanh âm không thể thiếu được, nghe vừa quen vừa lạ đối với những người hằng yêu mến Hội An qua những “Đêm phố cổ” như: hô bài chòi, hát hò khoan đối đáp, hát dân ca, độc tấu – hoà tấu nhạc cụ dân tộc, ngâm thơ, trình tấu guitar classic, hát nhạc trữ tình, thả hoa đăng… cùng nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ của du khách thập phương trong đêm hội đầy ắp mộng mơ và hữu tình.
Đã hơn 8 năm liên tiếp và bước vào năm thứ 9 này, Hội An đón nhận được nhiều tình cảm trân quý, nhiều ý tưởng đóng góp cũng như việc làm thiết thực, cụ thể của bè bạn gần xa dù chỉ đến phố cổ trong một “Giờ trái đất” ngắn ngủi bởi họ cảm thấy rằng, Hội An đẹp lên trong “Giờ trái đất”.
Đỗ Huấn