Những năm qua, với các giá trị di sản văn hóa, sinh thái nhân văn phong phú, Hội An đã tạo hấp lực mạnh mẽ cho du khách đến tham quan, lưu trú, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Kết quả đó một phần là nhờ việc triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch.
Kể từ khi khu phố cổ được công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999) du lịch Hội An phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, khách du lịch đến Hội An tăng gấp 2 lần, từ khoảng 1,6 triệu lượt (2013) lên trên 3,3 triệu lượt (2017), tốc độ phát triển bình quân 5 năm (2013 – 2017) gần 119%. Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng gấp 1,83 lần (từ hơn 1.900 tỷ đồng năm 2013 đã tăng lên trên 3.500 tỷ đồng vào năm 2017), đạt tốc độ phát triển bình quân hơn 117% trong 5 năm qua. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có trên 4,5 triệu lượt khách đến Hội An, tăng gần 77% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 3,4 triệu lượt, khách nội địa trên 1,15 triệu lượt.
Trong Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố mới đây, ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, nói: “Cần phải làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về du lịch và với sự đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thì du lịch Hội An sẽ phát triển hơn nữa”.
Quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, xây dựng Hội An điểm đến thân thiện- Ảnh: Quốc Hải
Thời gian qua, ngoài việc tập trung quản lý các điểm đến đã có, thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển. Có thể kể đến Đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An giai đoạn 2017-2025; đề án xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2017-2025; kế hoạch triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hội An đến năm 2020; đề án phát triển Ngành Thương mại – Dịch vụ thành phố Hội An giai đoạn 2015 – 2020. Cùng với đó là các Phương án xây dựng, mở rộng tuyến tham quan khu vực Rừng Dừa Bảy Mẫu và tham quan nội vùng tại xã Cẩm Thanh; kế hoạch phát triển du lịch tại An Mỹ – Cẩm Châu, kế hoạch mở rộng bãi tắm An Bàng, phường Cẩm An tại khu A và khu C và kế hoạch phát triển du lịch tại Thanh Nam Đông – Thanh Nam Tây thuộc phường Cẩm Nam.
Thành phố đã tập trung đảm bảo môi trường du lịch theo Chỉ thị 19 của tỉnh tại các khu vực Cảng Cửa Đại, Bến thuyền du lịch Bạch Đằng, triển khai thực hiện Quy chế của UBND tỉnh vê Quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, ký cam kết thực hiện đúng các quy định trong kinh doanh đối với kinh doanh nhà hàng – bar.
Các văn bản đã được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi để tiếp tục phát huy tác dụng như Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch Cù Lao Chàm; quy chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu phố cổ; quy chế phối hợp trách nhiệm giữa các ngành trong quản lý bến du lịch Cửa Đại; chỉ thị tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh xoa bóp, chăm sóc sắc đẹp; nội quy hoạt động kinh doanh du lịch tại Cẩm Thanh cùng Kế hoạch phát triển mạng lưới lưu trú trên địa bàn thành phố đến 2020. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn ngừa vi phạm trên các lĩnh vực văn hóa, dịch vụ, thương mại được tăng cường thường xuyên.
Doanh nghiệp địa phương góp ý cho công tác quản lý Nhà nước về du lịch- Ảnh: Quốc Hải
Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Sự phối hợp, tính liên kết, liên ngành của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý du lịch chưa mạnh. Thành phố cũng chưa ban hành các chính sách, chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch làng quê, làng nghề hoặc phát triển du lịch các vùng trọng điểm, các vùng “lõm” cần có trợ lực kích hoạt để mở rộng không gian du lịch. Công tác quản lý, hậu kiểm dịch vụ kinh doanh lưu trú chưa tốt, môi trường du lịch vẫn chưa đảm bảo khi vẫn còn nạn cò mồi, bu bám chèo kéo khách du lịch.
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, nếp sống, phong tục tập quán,… đến nay vẫn gặp phải nhiều trở ngại do sự gia tăng dân số cơ học và những biến động, tác động đa chiều của đời sống xã hội. Nếp sống văn hóa – văn minh, truyền thống phẩm hạnh “nhân tình thuần hậu”, tính gắn kết cộng đồng cư dân ở thành thị cũng như nông thôn đang mờ nhạt dần, trong khi đây chính là giá trị cốt lõi, là sản phẩm du lịch vốn có, đầy hấp lực của Hội An.
Một phần nào đó, chính những nảy sinh trong quá trình phát triển này đã tác động ngược trở lại đối công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại Hội An. Để hỗ trợ và đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, bà Trịnh Diễm Vy – Giám đốc Cty Tổ chức sự kiện HACE Hội An, đề xuất: “Thành phố cần thành lập một Tổ tư vấn riêng cho sự phát triển của du lịch Hội An. Tôi sẵn sàng tham gia.”./.
Quốc Hải