Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển chuyên ngành, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội… Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố rất quan trọng, quyết định thành công và hiệu quả trong hoạt động cũng như sự phát triển của ngành.
Mỗi cán bộ, nhân viên là 1 “đại sứ du lịch”- Ảnh: Đỗ Huấn
Những năm qua với sự hỗ trợ và phối hợp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức giáo dục – khoa học – văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Hà Nội và Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An đã từng bước nâng cao năng lực hoạt động và tạo chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này. Đáng chú ý và thu đạt kết quả khả quan là các hoạt động, các chương trình tập huấn đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên di sản, các lớp ngoại ngữ, dịch vụ du lịch cho cán bộ quản lý và người lao động ở các doanh nghiệp, hợp tác đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp du lịch, tổ chức ngày hội hướng nghiệp sinh viên Quảng – Đà với du lịch, cuộc thi “Đồng hành cùng di sản thế giới Hội An”…
Một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp du lịch đang gặp phải là thiếu đội ngũ lao động có trình độ cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Vì vậy, các lớp tập huấn đào tạo bồi dưỡng nghiệp được hỗ trợ tổ chức thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho các doanh nghiệp. Qua đó, trình độ nhận thức, trình độ lý luận và thực tiễn của đội ngũ lao động trong ngành du lịch thành phố không ngừng được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện tốt.
Thực hiện chương trình này, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo đều nhận thức rằng đây là hoạt động rất cần thiết và kết quả từ việc hợp tác liên kết của hai phía khá tích cực và khả quan. Các trường tham gia liên kết đã chủ động trong việc tìm đối tác là các doanh nghiệp du lịch. Một số doanh nghiệp đã chủ động cung cấp thông tin đến các đơn vị đào tạo về số lượng sinh viên có thể thực tập tại đơn vị, yêu cầu cụ thể đối với sinh viên và vị trí công việc có thể tiếp nhận. Điều này đã tạo điều kiện cho các trường sắp xếp, tổ chức tuyển chọn sinh viên phù hợp với công việc. Việc sử dụng sinh viên như một nguồn lao động thời vụ cũng được các trường và các doanh nghiệp quan tâm, số lượng tăng lên hằng năm. Việc tham gia công việc mùa vụ không chỉ giúp sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, có thêm thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề nhân lực trong thời gian ngắn hạn.
Các doanh nghiệp liên kết còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức các chuyến tham quan học tập thực tế cho giáo viên, học viên đến các trung tâm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Đây là cơ hội để giáo viên, học viên và doanh nghiệp có điều kiện trao đổi các nội dung liên quan đến kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của ngành. Các trường đã mời đại diện doanh nghiệp tham gia tư vấn nội dung giảng dạy các học phần chuyên sâu (như phục vụ bàn, lễ tân, bán hàng), xây dựng chương trình đào tạo… Ngày hội hướng nghiệp sinh viên Quảng Đà với du lịch mỗi lần tổ chức thu hút hơn 1000 sinh viên tham gia. Một dấu hiệu đáng mừng là số lượng sinh viên được tuyển dụng trực tiếp thông qua các đợt thực tập và tư vấn nghề nghiệp chiếm tỉ lệ khá cao.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của UNESCO và ILO tại Hà Nội, UBND thành phố phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hiệp hội du lịch tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi “Đồng hành cùng di sản thế giới Hội An”. Cuộc thi thực sự trở thành cơ hội thúc đẩy những ý tưởng, sáng kiến cụ thể của khối doanh nghiệp và cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch tại Hội An và các vùng lân cận.
Cuộc thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An” do UBND thành phố phối hợp tổ chức được sự hỗ trợ của UNESCO và ILO tại Hà Nội- Ảnh: Đỗ Huấn
Phần lớn nội dung dự thi thể hiện rõ sự sáng tạo, mang tính thẩm mỹ, thân thiện với con người và môi trường, khả năng ứng dụng cao trong thực tế, dễ tiếp cận, dễ hiểu. Qua đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn về tầm quan trọng, ý nghĩa việc mua vé tham quan góp phần bảo tồn di sản đã được nâng lên. Lãnh đạo các đơn vị và cá nhân dự thi đã nêu cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian và trí tuệ, công sức đầu tư nghiên cứu, gởi dự thi các sản phẩm, các ý tưởng hay. Đặc biệt, lãnh đạo một số đơn vị còn tổ chức sinh hoạt, quán triệt mục đích, yêu cầu cho tất cả cán bộ quản lý và người lao động với tinh thần “Mỗi cán bộ nhân viên là 1 đại sứ du lịch chuyển tải thông tin mua vé tham quan là góp phần bảo tồn Di sản thế giới Hội An”. Bên cạnh những sản phẩm dự thi đầy trách nhiệm và tâm huyết, các đơn vị doanh nghiệp và cá nhân cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền quảng bá, truyền tải thông điệp tới khách du lịch về ý nghĩa của việc mua vé tham quan đối với việc bảo tồn, trùng tu quần thể khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đang nghiên cứu áp dụng các ý tưởng hay vào thực tế.
Những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng có thể khẳng định, tuy thời gian chưa nhiều nhưng sự phối hợp hỗ trợ của ILO, UNESCO và Hiệp hội du lịch qua các chương trình, dự án trên lĩnh vực du lịch đã tác động tích cực đến năng lực hoạt động và uy tín thương hiệu du lịch Hội An.
Đỗ Huấn