Với mô hình kinh doanh dựa trên ý tưởng du lịch sinh thái, tập đoàn Hội An Silk Group – Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đã thành công trong việc xây dựng các mô hình thân thiện với môi trường, kết hợp lồng ghép các giá trị lịch sử, văn hóa tơ lụa – thổ cẩm với tạo độ phủ xanh mát cao tại các cơ sở kinh doanh… Năm 2018 vừa qua, Công ty đã vinh dự được nhận giải thiết kế xanh.
Phu nhân các nước dự Hội nghị APEC 2017 thăm Làng Lụa Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Tâm điểm và chính yếu là Khu tham quan bảo tồn Làng Lụa Hội An (Hoi An Silk Village) được hình thành từ năm 2005. Đây là không gian được tái hiện từ kiến trúc làng Việt, đặc biệt là làng Quảng Nam với những ngôi nhà rường, nhà mái lá đặc trưng, trồng cây cối bản địa của xứ Quảng.
Bên trong các ngôi nhà truyền thống, quy trình ươm tơ dệt lụa Việt và Chăm được tái hiện bằng nhiều hiện vật và sự hợp tác của các nghệ nhân các dân tộc Việt, Chăm. Cạnh đó, Làng Lụa Hội An cũng đang lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ được sưu tầm bền bỉ và công phu như: 40 cây dâu cổ thụ Chăm, máy dệt Cửu Diễn và nhiều loại dụng cụ quay tơ, dệt vải từ thế kỷ XIX – XX để du khách tham quan có thể hình dung được sự phát triển của nghề ươm tơ dệt lụa Việt Nam. Đồng thời, để tạo cho du khách có cái nhìn toàn diện hơn, Làng Lụa Hội An cũng sưu tầm trưng bày thêm những sản phẩm lụa tiêu biểu ở các nước châu Á như: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan làm cơ sở đối chiếu, so sánh về văn hóa và công nghệ dệt giữa các nước trong khu vực. Hiện tại, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đang thực hiện dự án dài hạn mang tên “Dòng sông Lụa”, trải dài trên sông Thu Bồn, trục nối giữa 2 di sản văn hóa thế giới: khu Thánh địa Mỹ Sơn và khu Phố cố Hội An, phục dựng “Bảo tàng ươm tơ Giao Thủy” tại huyện Đại Lộc với mục tiêu trồng trên 5000ha cây dâu tằm ven sông Thu Bồn và rải rác các vùng lân cận trong tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Tập đoàn đã trồng thí điểm 3,5ha dâu tại xã Điện Quang và đã thu hoạch được 2 mí tằm.“Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt do thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá cả luôn biến động dẫn đến nghề dệt trên địa bàn dần mai một. Trong tình hình đó, một số làng nghề, trong đó có Làng Lụa Hội An đã có những đổi mới kích thích sản xuất, xây dựng mô hình khép kín từ khâu trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đến hoàn thiện sản phẩm bằng 100% tơ lụa tự nhiên, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhất là du khách trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh nói.
Sau khi trở thành thành viên của Hiệp hội tơ lụa Châu Á vào năm 2012 tại Thái Lan và Hiệp hội tơ lụa thế giới vào năm 2015 tại TP.Hàng Châu – Trung Quốc năm 2015, tập đoàn Hội An Silk Group – Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đã chủ động tham gia tổ chức thành công các kỳ Festival tơ lụa – thổ cẩm Việt Nam và quốc tế, tiếp tục làm thành viên sáng lập các tổ chức tơ lụa, thời trang nổi tiếng khác trên thế giới.
Dệt thổ cẩm ở Làng Lụa Hội An– Ảnh: Đỗ Huấn
Trong cuộc họp “Mở rộng Chủ tịch Liên minh tơ lụa quốc tế” tại Como – Ý và Lyon – Pháp vào tháng 11.2018 vừa qua, Hội An Silk Group chính thức là thành viên sáng lập của “Hội nghiên cứu xu hướng thời trang tơ lụa quốc tế” do Tổng Giám đốc Hermès – ông Oliver làm Chủ tịch và Viện nghiên cứu thời trang của Pháp làm tư vấn kỹ thuật, đồng thời cũng là thành viên sáng lập “Hệ thống liên kết các thành phố, các đại đô thị tơ lụa thế giới” do chính quyền vùng Nam nước Pháp và chính quyền thành phố Lyon khởi xướng.
Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 8 tới đây, đại diện của Hiệp hội tơ lụa thế giới và các thành phố, các đại đô thị tơ lụa thế giới sẽ đến tham dự và ký kết hợp tác toàn diện tại sự kiện Festival Văn hóa tơ lụa – thổ cẩm Việt Nam và thế giới tổ chức ở Hội An do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam phối hợp với UBND thành phố Hội An đăng cai tổ chức. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho biết: “Tiếp thu truyền thống, kết nối đầy giá trị nhân văn, giá trị ngoại giao, giá trị văn hóa của Hội An, nghề tơ tằm thổ cẩm Quảng Nam – Hội An từng bước sánh vai với các đơn vị bạn, tỉnh bạn, các nước đáng tìm cơ may ngoạn mục phục hưng nhằm làm phong phú, tôn vinh văn hóa mặc của con người. Chúng tôi nhận rõ sứ mệnh của nghề trong hoàn cảnh thế giới nhiều biến động, xu hướng thế giới phát triển khoa học kỹ thuật, trong các biến đổi khí hậu, trong cả thói quen tập quán mới… Và tin tưởng vững chắc rằng, mãi mãi dù trong hoàn cảnh nào, dâu tằm – tơ lụa – thổ cẩm vẫn góp phần quan trọng giữ vai trò cốt yếu trong tiến trình phát triển nhân cách, phẩm giá của con người”.
Theo kế hoạch, Festival văn hóa tơ lụa – thổ cẩm Việt Nam và thế giới tại Hội An năm nay diễn ra có sự tham gia của đại diện 30 đơn vị sản xuất tơ lụa trong nước và 8 quốc gia trên thế giới. Festival là dịp trao đổi kinh nghiệm, góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm trong nước và quốc tế; đồng thời là dịp kết nối giao thương của các trung tâm sản xuất tơ lụa trong nước như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Quảng Nam, Hà Nam, Hà Nội, Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ để phát huy thế mạnh của ngành tơ lụa Việt Nam và cũng để cho các trung tâm tơ lụa Việt Nam kết nối với các nước có ngành sản xuất tơ lụa nổi tiếng trên thế giới như Pháp, Ý, Nhật Bản, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Tại Festival còn diễn ra cuộc Hội thảo “Ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất dâu, tằm, tơ lụa & Văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại”. Ông Lê Thái Vũ cho biết, thời gian qua Công ty không ngừng mở rộng hợp tác, tích cực tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với Hiệp hội tơ lụa quốc tế và chuyên gia đến các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil. Từ đó cho thấy, công đoạn sản xuất trứng giống tằm của ngành tơ lụa Việt Nam chưa thực sự ổn định, phải nhập giống theo đường tiểu ngạch ở nước ngoài vào. Từ kinh nghiệm học tập được về hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ ở Nhật Bản vào tháng 12 năm 2018 và qua Hội thảo này, Công ty dự kiến sẽ thực hiện cuộc chuyển giao công nghệ sản xuất trứng giống tằm đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Hiện nay, Công ty đang khẩn trương xúc tiến thu thập ý kiến và hoàn tất dự án xây dựng “Trung tâm tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dâu, tằm, tơ, lụa và thổ cẩm truyền thống” tại TX.Điện Bàn để nhanh chóng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mang tính quốc tế này.
Hội An từng là cảng thị cổ xưa, vang bóng một thời một phần cũng nhờ xuất khẩu tơ lụa của vùng đất Quảng Nam. Ngược lại, chính tơ lụa của vùng đất Quảng Nam đã góp phần làm vang danh Hội An nhờ vào chất lượng sợi tơ tằm Quảng Nam từng được thị trường châu Á và các nước châu Âu khen ngợi. Đưa vẻ đẹp dâu tằm, tơ lụa Quảng Nam vào sản phẩm dịch vụ – du lịch là tạo thêm điều kiện cho du khách muốn trải nghiệm và khám phá đời sống “con tằm rút ruột nhả tơ”, xe tơ dệt lụa, góp phần tôn vinh “văn hóa mặc” của con người trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay.
Đỗ Huấn