Bảo đảm trật tự để bán vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh

Hiện nay chính quyền xã Cẩm Thanh đang tập trung chuẩn bị và triển khai các phương án cho công tác bán vé tham quan du lịch di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh theo chủ trương cho phép của HĐND tỉnh Quảng Nam. Dự kiến thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/12/2017. Như vậy, đây là điểm tham quan thứ 3 ở Hội An được tổ chức bán vé tham quan du lịch (sau khu phố cổ và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm), được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ.

Với thành phố nói chung, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Thanh nói riêng, chủ trương này mang lại niềm vui và sự phấn khích lớn lao, tạo cơ hội phát triển cho địa phương trong tương lai. Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa của quân và dân Hội An trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước nhưng từ sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước hòa bình, Cẩm Thanh là địa phương mãi nghèo khó, chậm phát triển. Khoảng 3 năm gần đây, du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch sinh thái vùng sông nước rừng dừa Bảy Mẫu phát triển đột biến đã mang lại sinh khí mới cho vùng quê “cửa sông ven biển” này.

Đảm bảo trật tự kinh doanh để bán vé cho khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, Cẩm Thanh đã đón gần 98.900 lượt khách, tăng 30,8% so với CKNT. Trong đó lượng khách tham quan khu di tích rừng dừa đạt gần 65.500 lượt, tăng gần 52,5%. Thị trường khách tham quan chủ yếu là khách Hàn Quốc, Châu Âu và trong nước. Bình quân mỗi ngày khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu đón từ 1000 đến 1500 khách, đặc biệt những ngày nghỉ lễ dài ngày đón trên 2000 khách/ngày. Mạng lưới cơ sở thương mại – dịch vụ phát triển sôi nổi ở các thôn. Toàn xã hiện có 43 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 594 phòng. Dịch vụ nhà cho người nước ngoài thuê để ở cũng phát triển manh, có 51 nhà. Phương tiện thuyền, thúng tăng lên đáng kể với gần 500 chiếc của 325 hộ gia đình, chủ yếu tập trung ở các thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, Cồn Nhàn… Tổng doanh thu từ ngành du lịch – dịch vụ 9 tháng qua đạt 69 tỷ 35 triệu đồng, tăng 31,8%.

Du lịch phát triển mạnh, tạo việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho người dân nhưng đã đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho chính quyền địa phương, nhất là tình hình trật tự kinh doanh diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân sâu xa là sự phát triển quá nhanh và “nóng” của ngành kinh tế “đẻ trứng vàng” này, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa theo kịp. Nổi cộm là thái độ không chấp hành những quy định của pháp luật, những quy chế hoạt động nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài như: không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, phương tiện chở số người quá quy định, mở loa gây ồn ào trong khu sinh thái rừng dừa, tùy tiện ngắt bỏ lá dừa, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, nguồn lợi thủy sản, không niêm yết giá dịch vụ, “chặt chém” khi phục vụ du khách…

Dịch vụ thuyền thúng phát triển nhờ được du khách ưa thích nhưng chưa thực sự an toàn khi phục vụ-

Ảnh: Đỗ Huấn

Trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng của xã đã kiểm tra, nhắc nhở 120 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 24 trường hợp, tạm giữ một số phương tiện hành nghề và phạt tiền 1 triệu 800 ngàn đồng. Ông Lê Hùng Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho rằng, điều đáng lo hơn nữa là đã xuất hiện sự thao túng, chi phối cộng đồng của các chủ sở hữu kinh doanh chỉ vì lợi ích cá nhân. Thêm nữa là nạn “cò mồi”, bu bám, chèo kéo, gây phiền hà rắc rối cho khách du lịch. Theo số liệu của chính quyền địa phương, hiện có khoảng 32 đối tượng “cò mồi” hoạt động công khai và đã xuất hiện những trường hợp manh động, tranh giành khách gây mâu thuẫn và đánh khách khi không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của “cò”…

Lãnh đạo xã Cẩm Thanh đã dự lường được những khó khăn, thách thức và đang tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị hữu quan của thành phố triển khai nhiều biện pháp chuẩn bị tổ chức bán vé tham quan du lịch rừng dừa Bảy Mẫu đúng kế hoạch. UBND xã thành lập Ban quản lý du lịch và Đội trật tự du lịch, túc trực sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày tại khu du lịch để kiểm tra, chấn chỉnh trật tự kinh doanh; niêm yết công bố giá vé và các dịch vụ trong cộng đồng dân cư; thiết lập và xây dựng cơ sở hạ tầng như: bãi đỗ xe, cầu cập tàu, nạo vét mương lạch sông ngòi… Từ ngày 15/10,  Cẩm Thanh đã mở đợt ra quân chống và xử lý nạn “cò mồi”, chèo kéo, bu bám du khách trên địa bàn. Đợt ra quân kéo dài ít nhất 1 tháng. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo tăng cường lực lượng phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn xác định, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm trật tự kinh doanh du lịch, khó khăn nhưng kiên trí, làm kiên quyết, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, “nếu tái phạm nhiều lần thì thu hồi giấy phép đăng ký, không cho kinh doanh”.

Mọi công việc đang được đẩy nhanh tiến độ và công suất, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiến hành bán vé tham quan du lịch khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh đúng vào ngày 1/12/2017.

Đỗ Huấn