Tọa đàm “Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản Đô thị cổ – Làng cổ Việt Nam”

Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 16 năm 2018, sáng nay (ngày 18/8), Cơ quan văn hóa Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức cuộc tọa đàm về “Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản Đô thị cổ – Làng cổ Việt Nam”.

Cuộc tọa đàm diễn ra tại Trung Tâm QLBTDSVH Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó có gần 3.300 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, cùng với đó còn có 25 di sản thế giới được Unesco công nhận. Đến nay, nhiều di tích đã được gìn giữ nhưng công tác bảo tồn và phát huy vẫn còn nhiều bất cập, nhất là bảo tồn các di sản đô thị cổ và làng cổ.

Ông Hiroyuki Toyoki – Giám đốc Kỹ thuật Ban Di sản văn hóa – Cơ quan văn hóa Nhật Bản cho rằng, các đô thị cổ, làng cổ đang đối diện với nhiều thách thức từ tự nhiên, xã hội và thách thức ngay cả trong công tác quản lý, bảo tồn. Việc học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản là vô cùng cần thiết. Vấn đề có tính mấu chốt là các quy định văn bản pháp lý phải có tính thích hợp, nhận diện những ưu tiên cho công tác bảo tồn, có bộ máy quản lý phù hợp, có kế hoạch, khảo sát, điều tra về vật thể và phi vật thể được tiến hành song song với quá trình vận động cộng đồng tham gia. Các đô thị cổ, làng cổ ở Việt Nam đều là di tích sống nên phải giải quyết cho được bài toán bảo tồn gắn với quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân,…

BQL làng cổ Đường Lâm chia sẻ kinh nghiệm quản lý- Ảnh: Quốc Hải

Ông Hiroyuki Toyoki, nói: “Quá trình gìn giữ, bảo tồn các đô thị cổ, làng cổ về phía Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn như Việt Nam, nhưng chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác để cùng nhau giữ gìn các di sản”.

Tại cuộc tọa đàm, sau khi nghe đại diện Ban quản lý các làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Huế), Đông Hoà Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang), Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An), làng gốm Thanh Hà (Hội An) chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; các đại biểu đã hỏi đáp, thảo luận xoay quanh những bài học kinh nghiệm, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức Nhật Bản. Buổi chiều, các đại biểu tham quan các công trình kiến trúc được tu bổ trong khu phố cổ Hội An./.

Quốc Hải