Tiếp tục sạt lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại Hội An

Bờ biển Cửa Đại – Thành phố Hội An dài 7km, dọc theo 2 phường Cẩm An và Cửa Đại. Những ngày qua, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 6, bờ biển tiếp tục sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn ở phường Cửa Đại và lan lên cả khu vực Tân Mỹ, Tân Thành, An Bàng thuộc phường Cẩm An.

16h ngày 17.10, nhân thời điểm nước cạn, ngư dân Đinh Lỳ, 67 tuổi, ở khu vực bãi tắm An Bàng phường Cẩm An ra bờ biển nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau khi khu nhà hàng của gia đình ông bị gió và sóng biển đánh nát trong mấy ngày qua.

Ông Đinh Lỳ chia sẻ: “4, 5 chục năm qua không có tình trạng như ri, năm ni cái bão quá hì, làm sạt lở và hư hết các nhà hàng.”

Dãy nhà hàng khu vực khối Tân Thành đang tiếp tục bị sạt lở

Khu vực bên cạnh Nhà hàng Sen bị sạt lở sâu, hàng dừa ngã đổ xuống biển

Theo dọc bờ biển từ An Bàng xuống Tân Thành phường Cẩm An, tình trạng sạt lở càng xảy ra nghiêm trọng hơn. Đoạn từ Công viên vườn tượng đến khách sạn Tropical Hoi An Beach resort đã bị sóng biển xâm thực sâu vào cả hồ bơi; khu chòi canh cùng dương liễu, dừa trồng ven khu du lịch đã đổ xuống, tạo hàm ếch có đoạn cao đến 5 mét.

“Tất cả các resort ở gần đây dường như thiệt hại rất nhiều. Sạt lở tạo thành những hàm ếch cao như thế rất nguy hiểm”- Ông Mai Tây – Nhân viên bảo vệ Tropical Hoi An Beach resort, cho biết.

Sạt lở vào tận hồ bơi của Tropical Hoi An Beach Resort

Tính từ khu resort này xuống đến bãi tắm Cửa Đại dài hàng trăm mét, sóng lớn tiếp tục xâm thực. Một số vị trí, sóng biển ăn sâu vào các công trình nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ dưỡng chỉ còn từ 3 đến 4m. Tường rào, bậc cầu thang, bờ kè xây bằng gạch, đá bị cuộn trôi xuống biển nằm ngổn ngang. Những hàng dừa chạy dọc bờ biển cũng bị bật gốc. Trong tình trạng “còn nước còn tát”, các chủ nhà hàng đã phải thuê nhân công đóng cọc tre, dùng bao cát chằng chống để giữ được phần đất nào hay phần nấy.

Người dân nỗ lực “còn nước còn tát”

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Nhà hàng Cây Gió, ở khối phố Tân Mỹ – Phường Cẩm An chua xót, nói: “Bắt đầu từ mùa mưa tới giờ quán em đã lở hơn 7 mét rồi. Tính bây giờ mất cả chi phí đầu tư phần hiên, thậm chí nguy cơ sụp luôn cả quán, rất kinh khủng. Mong thành phố rà soát có phương án kè bãi biển. Nếu tình trạng thế này thì chắc mùa hè sắp tới sẽ mất luôn”.

Nhà hàng Cây Gió có nguy cơ sụp xuống biển

Nguy hiểm nhất là nhiều khu vực sạt lở sâu, tạo thành vách đứng cao, ăn sâu tạo hàm ếch dưới móng các công trình xây dựng, có nguy cơ sụp đổ và sóng biển cuốn trôi bất cứ lúc nào. Cùng với đó, hệ thống kè mềm bằng bao tải địa cũng bị sóng biển đánh rách; sạt lở sâu vào bờ, cách dải kè mềm bao tải từ 4 đến 5m, có nơi rộng từ 6 đến 7m.

Nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở tạo hàm ếch rất nguy hiểm

“Trước mắt chúng tôi giăng dây không cho người ra khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân. Một số hàng quán bị trôi xuống biển chúng tôi huy động lực lượng thanh niên địa phương giúp dân di dời, động viên bà con. Đề nghị các cấp các ngành sau đợt mưa gió lớn này khẩn trương triển khai các biện pháp kè để giữ bờ biển Cẩm An” – Ông Đinh Dũng – Chủ tịch UBND phường Cẩm An, cho biết.

Sạt lở bên trong các bao tải địa kè mềm

Trước tình này sạt lở bờ biển nghiêm trọng này, thành phố Hội An đã có phương án mua sắm bao tải, đất cát, huy động các lực lượng gia cố lại các khu vực bị sạt lở, nhằm hạn chế hiện tượng xói lở ăn sâu vào đất liền. Tuy nhiên, việc gia cố chỉ là tạm thời và do sóng biển quá lớn nên chưa thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, nói: “Bãi tắm Cửa Đại hiện thành phố đã giao cho Ban Quản lý dự án – Quỹ đất tập trung xử lý khắc phục, giảm thiểu thiệt hai. Hy vọng sang năm khu dự án trung hạn của Trung ương do Tỉnh đầu tư sẽ tiếp tục làm đoạn này 1.000 mét nữa thì hy vọng việc chống sạt lở bờ biển sẽ có chiều hướng tốt”.

Bờ biển ngổn ngang

Như vậy, sang năm 2021, dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ biển Cửa Đại từ nguồn kinh phí Trung ương và tỉnh Quảng Nam sẽ được triển khai. Đây được xem là giải pháp, niềm hy vọng ngăn chặn được tình trạng sạt bờ biển Cửa Đại vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, chính quyền và người dân địa phương hiện đang sống trong nỗi lo sợ khi mưa bão tiếp tục diễn biến phức tạp.

Quốc Hải