Phát triển đô thị sinh thái và văn hóa

Trong quá trình xây dựng, diện mạo đô thị Hội An ngày thêm đổi khác. Phát triển đúng định hướng đã mang lại sắc thái mới, đặc trưng của một thành phố “sinh thái – văn hóa và du lịch”.

Khu vườn tượng An Hội, phường Minh An ở bờ nam sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn

Thành phố Hội An là một trong số các đô thị đặc thù của Việt Nam. Vốn là một đô thị thương mại-mậu dịch được hình thành từ cuối thế kỷ XVI, Hội An từng là cảng thị quốc tế phồn thịnh bậc nhất của xứ Đàng Trong. Trải bao biến thiên lịch sử, hiện nay Hội An là một thành phố có trên dưới 10 vạn dân và diện tích hơn 60km2. Điều đặc biệt, ở Hội An vẫn tồn tại nguyên vẹn một khu phố cổ là di sản văn hóa thế giới và một Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đang trở thành một trung tâm du lịch của tỉnh cũng như của khu vực miền Trung.

Xác định yêu cầu phát triển thành phố theo hướng vừa giữ gìn cẩn trọng khu phố cổ vừa mở rộng liên hoàn các khu đô thị mới, đảm bảo phát huy bản sắc riêng và yếu tố hiện đại bền vững, hơn 43 năm qua các thế hệ lãnh đạo thành phố thường xuyên tăng cường công tác quản lý từ khâu quy hoạch, ban hành quy chế, tổ chức quản lý, vận động nhân dân thực hiện để giải quyết các vấn đề bức xúc về đô thị. Qua đó đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi về quản lý và phát triển đô thị. Đáng chú ý là được UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương trao các giải thưởng kiệt xuất về công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản năm 2000 – 2001; nhận thức và thái độ chấp hành pháp luật của nhân dân về quản lý đất đai, xây dựng được nâng lên đáng kể; trật tự kỷ cương đô thị được thiết lập và dần dần đi vào nền nếp… Năm 2006 được Bộ xây dựng công nhận là đô thị loại 3, đầu năm 2008 được Chính Phủ ra Nghị định nâng thành Thành phố trực thuộc tỉnh…

Thực tiễn những năm qua cho thấy: vai trò, hiệu quả quản lý của nhà nước cùng trình độ, nhận thức và thái độ tuân thủ pháp luật của nhân dân trong công tác xây dựng, kiến trúc là những yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển đô thị của Hội An. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng nguyên nhân đạt được kết quả đó là nhờ đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển thành phố đúng định hướng đã đề ra, thường xuyên theo dõi chỉ đạo kịp thời công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường. “Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và các chỉ thị về tăng cường quản lý đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chú trọng điều chỉnh, bổ sung các điều khoản mới cho các quy chế mang tính đặc thù của Hội An làm tăng thêm hiệu quả trong công tác quản lý về kiến trúc, cảnh quan xây dựng, đất đai, kinh doanh – dịch vụ tại các địa phương”, ông Dũng cho biết.

Công viên Sơn Phô, phường Cẩm Châu – nơi tổ chức thử nghiệm Chợ phiên Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Hiện nay không gian thành phố đã được mở rộng so với trước, từ chỗ chỉ có 10 xã phường đến nay đã tăng lên 13 đơn vị gồm 9 phường và 4 xã với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn và hải đảo ngày càng khởi sắc. Các khu dân cư, các khu đô thị được đầu tư chỉnh trang; các làng nghề truyền thống, vùng quê sinh thái, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được tôn tạo, khoanh vùng quản lý, bảo vệ nghiêm. Quy mô, cấu trúc không gian và mỹ quan đô thị nhờ vậy được giữ gìn, tôn tạo và phát triển, góp phần tích cực phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của thành phố, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các công trình kiến trúc, nhất là các công trình tưởng niệm, trường học, bệnh viện, khách sạn… từng bước được cải tạo, xây mới khang trang với kiểu thức kiến trúc phong phú, đa dạng, cơ bản giữ được sắc thái riêng có. Toàn thành phố được phân thành 3 vùng phát triển gồm: đô thị, biển đảo và làng quê. Chủ trương chung là phát triển 3 khu vực phải bảo đảm đúng định hướng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững, nhằm mục tiêu vừa bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê.

Trong hành trình phát triển những năm qua, Hội An thực sự trở thành thương hiệu đô thị du lịch của Quảng Nam và của quốc gia và quốc tế nhưng Hội An hiện cũng đang đối mặt với những thách thức không đơn giản của cuộc sống hiện đại. Biến đổi khí hậu, lũ lụt là mối đe doạ thường xuyên ở đô thị cửa sông – ven biển này. Mật độ dân số hiện cao gấp nhiều lần mức bình quân của cả nước và gấp 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới đang cảnh báo chính quyền sở tại hằng ngày. Sự phát triển kinh tế “quá nóng” thời du lịch thịnh hành ngay trong lòng di sản đã làm mất cân bằng, trở thành nguy cơ “tự đánh mất” của Hội An. Khoảng cách phát triển, sự phân cực giàu nghèo giữa cộng đồng dân cư, sự biến tướng, phai nhòa nếp sống, cách ứng xử “nhân tình thuần hậu”… cũng là những vấn đề nan giải…

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo thành phố đã định hướng xây dựng Hội An thành thành phố “sinh thái – văn hoá và du lịch”. Chọn xây dựng thành phố theo hướng “sinh thái – văn hoá và du lịch” là chọn con đường phát triển bền vững. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại là nguồn lực đầu tư. Bí thư Thành ủy Kiều Cư nói: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp để tập trung. Do vậy cần phải lựa chọn những công trình, dự án quan trọng để tập trung đầu tư. Theo đó, cần thực hiện khẩn trương việc Quy hoạch thành phố và Quy hoạch xã đảo Tân Hiệp, sớm hoàn thiện nội dung đề xuất với Trung ương một số cơ chế chính sách, ưu đãi cho Hội An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và những năm tiếp theo. Tích cực tranh thủ Tỉnh và Trung ương xúc tiến nhanh các công trình và các dự án lớn”.

Lãnh đạo thành phố cũng xác định, Hội An trong những năm tới phải trở thành đô thị loại 2 và là một thành phố có bản sắc, kết tinh những giá trị văn hoá truyền thống trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá trên cả 2 mặt: văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.

Đỗ Huấn