Để quản lý khu di sản đòi hỏi mọi chủ trương, chính sách, định hướng phát triển phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, đồng thời gắn chặt với ý thức trách nhiệm của cộng đồng, từng người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó, lợi ích của cả cộng đồng phải đặt lên hàng đầu.
Ngày ngày, người dân phố Hội thường gặp Nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân thanh thản đi dạo trên những cung đường. Với bộ sưu tập ảnh tư liệu về đời sống sinh hoạt những năm đầu thế kỷ 20 cùng phong thái đĩnh đạc và lối sống bình dị, ông đã trở thành một phần không thể thiếu của phố cổ.
Chứng kiến bao đổi thay ở đây, Nhà nhiếp ảnh cho rằng mảnh đất và con người Hội An vẫn còn giữ nếp xưa dù không tránh khỏi những mất mát qua thời gian. “Thành phố ni vẫn giữ nguyên nếp xưa.Tôi sống ở đây nhiều năm, phố cổ này Nhà nước có một cái thắng rất kỷ, nó đi chừng nào là Nhà nước thắng lại chứ không phải thả cái thắng đo cho họ đi. Nhà nước cấm đoán là đúng chứ không phải không, mà nếu để tự do thì nó ồ ạt, không thể quản được hết”. – Nhà nhiếp ảnh chia sẻ.
Các giá trị di sản ngày càng được phát huy nhờ quản lý tốt- Ảnh: Quốc Hải
Có thể nói, di sản Văn hóa Hội An, bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã trở thành “thương hiệu du lịch ”, điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước kể từ sau khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới – 1999. Những giá trị di sản đã và đang góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích.
Nhờ vậy, đến nay, Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của tổ tiên, di sản văn hoá đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Hội An vững bước. Tại nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, các nhà khoa học đều thống nhất nhận xét rằng, Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống các chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch.
Là chuyên gia nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa tại Quảng Nam, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhận xét rằng, so với những Khu di sản thế giới trên cả nước thì chính quyền và cơ quan chức năng ở Hội An đã quản lý rất tốt di sản của mình. “Trong những năm vừa qua, Ban quản lý di tích cũng như chính quyền Hội An đã làm được nhiều việc khá hơn những nơi khác. Tôi biết, Hội An về mặt quản lý phố cổ, từ buôn bán, đi lại, khách, tham quan,vv… tôi cho rằng là đã có nhiều thay đổi.” – Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
Thực tế, để quản lý tốt di sản, yếu tố quan trọng đầu tiên là ý thức trách nhiệm và sự quan tâm đầu tư của từng nhà, từng cộng đồng, từng cấp chính quyền. Trong đó, sự thống nhất điều hành, toàn diện và trực tiếp của UBND thành phố đã thể hiện vai trò tập hợp cả một hệ thống chính trị, các cấp, ngành vì mục tiêu bảo tồn di sản, phát huy du lịch và gắn kết tất cả các nhà quản lý, nhà khoa học và các chủ di tích, chủ doanh nghiệp – kinh doanh.
Tuy nhiên, trước nguy cơ do biến đổi khí hậu toàn cầu, nguy cơ cháy nổ, những áp lực của vấn đề dân số, tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch, … làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản hiện nay, đòi hỏi mọi chủ trương, chính sách, định hướng phát triển phải làm rõ được trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, đồng thời phải gắn chặt với ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, từng người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó, lợi ích của cả cộng đồng phải đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho rằng, để quản lý hiệu quả thì mọi vấn đề phải được thể hiện một cách cụ thể, công khai, dân chủ, công bằng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, được từng đối tượng trong cộng đồng tham gia, cam kết thực hiện. Muốn vậy, mọi chủ trương phải được nghiên cứu đầy đủ, thận trọng, khoa học và phải thường xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức hiểu biết về di sản, xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên bảo tồn di sản và phát huy du lịch.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An, từ ngày 10/11/2017, Nghị định 109 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Theo đó, khu vực Di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Vùng đệm của khu vực Di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể Di sản thế giới theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về Di sản văn hóa.
Trường hợp Di sản thế giới đồng thời có khu vực Di sản thế giới và vùng đệm của khu vực Di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển như Hội An thì chỉ lập một quy hoạch tổng thể Di sản thế giới, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh với bảo vệ tài nguyên du lịch, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa và quy định pháp luật khác có liên quan.
Ông Nguyễn Chí Trung nói: “Việc quản lý các khu di sản thế giới tại Việt Nam nhiều năm nay vẫn chưa được đặt ra một cách cụ thể. Nghị định 109 của Chính phủ mới đây đã quy định cụ thể hơn về chức năng quản lý, đối tượng và kế hoạch quản lý. Nghị định cũng đặt ra vấn đề về cấp quản lý, mở ra cho các địa phương, khu di sản có cấp quản lý Nhà nước phù hợp nhưng thống nhất quản lý về Nhà nước cấp tỉnh và ủy quyền cho địa phương nào thì đang là hướng mở của Nghị định”.
Tin rằng, Nghị định là cơ sở để công tác quản lý Di sản thế giới được tổ chức thực hiện bài bản, thống nhất hơn. Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An sẽ được quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả, tạo động lực để phát triển toàn diện một thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch ./.
Quốc Hải