Phân vùng phát triển đô thị Hội An

Từ 5 tiểu vùng phát triển nhưng đến Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Đảng bộ thành phố Hội An đã đề ra nghị quyết, điều chỉnh phân vùng phát triển gồm 3 khu vực: đô thị, biển – đảo, làng quê và từng bước nâng chuẩn phấn đấu từ thành phố loại 3 lên cấp loại 2.

Trên đường phố cổ Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tế, đây là sự kế thừa và phát huy từ định hướng phân vùng phát triển đã được xác định từ khi được công nhận là đơn vị  hành chính cấp thành phố (thay cho thị xã trước đó) theo Nghị định của Chính phủ vào năm 2008. Trước đây, với sự đầu tư đúng hướng, sự chỉ đạo linh hoạt và kịp thời, vai trò của 5 tiểu vùng kinh tế – xã hội của thành phố thể hiện khá rõ nét. Khu vực đô thị trung tâm tiếp tục giữ vai trò trọng điểm về phát triển kinh tế dịch vụ; hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng hoàn thiện hơn, mở ra không gian phát triển mới của thành phố. Khu vực đô thị cận trung tâm tiếp tục định hình về mặt đô thị theo hướng phát triển công nghiệp sạch, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp sinh thái. Khu vực đô thị bờ biển – ven sông được quy hoạch và từng bước hình thành các khu dân cư mới theo hướng đô thị dịch vụ, phát triển kinh tế biển. Khu vực làng quê đã có những đổi thay đáng kể khi hạ tầng được tiếp tục đầu tư; đặc biệt việc xây dựng xã nông thôn mới ở Cẩm Thanh, Cẩm Hà gắn với chủ trương mở rộng không gian du lịch, phát triển làng nghề, nông nghiệp sạch đã mang lại hiệu quả tích cực. Khu vực Cù Lao Chàm – vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có sự phát triển đột phá về du lịch, dịch vụ theo hướng gắn kết sinh thái – nhân văn.

Phân vùng phát triển Hội An thành 3 khu vực mới gồm: đô thị, biển đảo và làng quê là nhằm mục tiêu vừa bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê. Ông Trần Chương – Trưởng Phòng QLĐT thành phố xác định rằng: “Thành phố muốn vừa ra sức bảo tồn di sản văn hóa thế giới vừa phải xây dựng đô thị sinh thái kết hợp với đô thị ven biển và đô thị làng quê để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho du lịch thành phố”

Khu vực đô thị lấy khu phố cổ làm trung tâm, gồm các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Thanh Hà. Khu vực này cần bảo vệ nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, xác định khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phó; phát triển Tân An, Thanh Hà trở thành những khu đô thị, dịch vụ, chất lượng, hiện đại; kết hợp các yếu tố đặc trưng về sản xuất nông nghiệp, sông nước, cồn bãi, xây dựng Cẩm Nam, Cẩm Châu phát triển theo hướng vừa đô thị vừa làng quê, tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững.

Khu đô thị 2 bên sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn

Khu vực biển – đảo được xác định gồm có các phường Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp, phát triển theo hướng bảo vệ bền vững môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự xâm thực biển ngày càng mạnh; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng nông – ngư nghiệp, phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Đầu tư nâng cấp các bãi biển, bờ biển phục vụ du lịch; tranh thủ các nguồn lực, giải quyết căn bản hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng phát triển tuyến du lịch Cù Lao Chàm; hoàn thiện các khu dân cư, chỉnh trang đô thị ven biển, xây dựng khu dân cư sinh thái hải đảo Cù Lao Chàm và khai thác hợp lý tài nguyên biển đảo để phát triển.

Còn khu vực làng quê bao gồm các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim được định hướng xây dựng các làng quê sông nước gắn với các ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề… trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Quy hoạch không gian phát triển, kiến trúc xây dựng đảm bảo phù hợp, không bị phá vỡ bởi tác động đô thị hóa, phát huy môi trường sinh thái – nhân văn để xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Phân thành 3 vùng phát triển gồm: đô thị, biển – đảo, làng quê như vậy hoàn toàn phù hợp và phát huy được lợi thế tiềm năng, tài nguyên hiện có của thành phố. Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: “Cố gắng làm thế nào vừa bảo tồn phát huy các di sản văn hóa và cố gắng vừa bảo tồn các di sản thiên nhiên (sông nước, cây cỏ, biển đảo…). Chúng tôi cố gắng hài hòa với thiên nhiên, căn cứ dựa vào thiên nhiên để phát triển, chứ không phải đánh đổi bằng mọi giá! Phương châm là vừa bảo tồn vừa phát huy tốt nhất và phù hợp nhất có thể những giá trị văn hóa và giá trị thiên nhiên vốn có của Hội An để tạo sự phát triển cho mình, vừa năng động vừa giàu bản sắc nhưng cũng vừa rất bền vững”.

Một đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch, phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững là hành trình xuyên suốt, nhất quán với yêu cầu chất lượng cao và ngày càng văn minh của Hội An trong tương lai. 

Đỗ Huấn