Đến nay, xã đảo Tân Hiệp đã cơ bản hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo chuẩn của quốc gia và thôn Bãi Hương cũng đã hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu”. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị các nội dung cần thiết để phát động ra mắt “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu” tại thôn Cấm khi phương án được thành phố phê duyệt.
Nhìn chung, cán bộ và nhân dân trong xã đang phấn khởi và quyết tâm thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này khi được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, theo ông Trần Ngọc Khuyến ở thôn Cấm, với Tân Hiệp vấn đề đáng lo nhất hiện nay vẫn là môi trường: “Vệ sinh đường cống, rảnh thoát nước rồi cũng như về môi trường khí thải, chưa ổn!”
Mùa cao điểm, lượng du khách tham quan Cù Lao Chàm đông tạo ra áp lực đối với hệ thống hạ tầng đang xuống cấp- Ảnh: Đỗ Huấn
Là người sinh ra, lớn lên, gắn bó quãng thời trai trẻ với xã đảo, từng trải qua những cương vị công tác khác nhau ở địa phương rồi về nghỉ hưu, đến nay ông Mai Văn Giáo (ở thôn Bãi Ông) vẫn không thể nào quên được sự quan tâm ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi với những cơ chế, chính sách ưu đãi của lãnh đạo từ Trung ương đến Tỉnh và thành phố để xã Tân Hiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, lâu dài. Niềm mơ ước tưởng khó lòng đạt được về điện thắp sáng của nhân dân cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn 485 tỷ đồng để kéo cáp ngầm vượt biển, đưa ra đảo vào năm 2016, đáp ứng lòng mong đợi của bao người, tạo nhiều cơ hội để phát triển Tân Hiệp ngày thêm giàu đẹp. Những con đường “khai sơn phá thạch”, mang tính huyết mạch, tạo thế liên hoàn trên toàn đảo cũng được xây dựng ngày càng kiên cố, rộng mở. Đi liền đó là sự hình thành những khu dân cư mới ở thôn Cấm, Bãi Ông, Bãi Hương, Bãi Làng… Thế nhưng, sự gia tăng dân số,sự cộng cư của các thế hệ người dân trên đảo đến thời điểm hiện tại đã đặt ra vấn đề nan giải, thách thức lớn lao. “Có gia đình 2 – 3 thế hệ cho nên đất ở rất là khó, toàn là núi là đá không. Mỗi lần tìm đất bố trí cho dân ở rất là khó khăn, mà nếu tìm được thì tốn rất nhiều kinh phí, khả năng của xã và của thành phố có dành dụm nhiều cũng chưa chắc đã làm được. Rất cần sự quan tâm về kinh phí, về dự án để bố trí cho địa phương Tân Hiệp xây dựng phương án tìm đất ở cho dân”, ông Mai Văn Giáo bày tỏ.
Một góc khu dân cư ở thôn Bãi Làng (xã Tân Hiệp)- Ảnh: Đỗ Huấn
Dấu ấn phát triển xã đảo Tân Hiệp rõ nét nhất phải kể từ khi Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009). Từ đó, kinh tế du lịch ở xã đảo bắt đầu phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Mỗi năm, Cù Lao Chàm thu hút hơn 400 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch. Thu nhập bình quân đầu người trên xã đảo vài năm gần đây thuộc nhóm hàng đầu của thành phố, đạt mức khoảng 40 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, xã đảo Tân Hiệp đã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Diện mạo, cơ sở hạ tầng xã đảo nhờ vậy đã khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội của nhân dân cũng chuyển biến đáng mừng. Trường học, trạm xá, chợ, cảng cá, cầu tàu, âu thuyền… cũng được xây dựng, nâng cấp, không chỉ phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mà còn kết nối thông suốt linh hoạt giữa hải đảo với đất liền. Tuy vậy, so với thực tế và sự phát triển hiện tại vẫn còn những bất cập và không đáp ứng được. “Tới mùa cao điểm như hiện nay, lượng khách du lịch ra đảo rất đông nhưng nguồn nước ở địa phương rất là khó khăn vì hệ thống chưa hoàn chỉnh, Vừa rồi UBND tỉnh đã cho bà con nhân dân trong xã gần 600 máy lọc nước nhưng nguồn nước đầu nguồn chưa xử lý được và lượng nước ít nên bà con ở 2 thôn Bãi Ông và thôn Cấm sử dụng không an toàn, hiện tại đã hư hỏng rất nhiều”, ông Huỳnh Hanh ở thôn Bãi Làng phản ánh.
Những trăn trở, lo toan của người dân Tân Hiệp đã được phản ánh và kiến nghị với các cấp lãnh đạo để mong sớm có giải pháp khắc phục, hỗ trợ tháo gỡ. Theo ông Phan Việt Cường (Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam), một nhiệm vụ trọng tâm và cũng là nhiệm vụ cần nhanh chóng triển khai thực hiện là công tác quy hoạch. “Hiện nay xã đảo chưa hoàn thành quy hoạch. Quy hoạch tổng thể xã đảo giao cho Viện Quy hoạch làm 2, 3 năm này chưa xong. Như vậy chúng ta mới sắp xếp lại hoàn chỉnh, nơi nào là công cộng, nơi nào có điều kiện để bố trí dân cư… Với tư cách là đại biểu HĐND tỉnh, chúng tôi tiếp tục sẽ đôn đốc Sở Xây dựng cùng với Hội An quy hoạch hoàn chỉnh xã đảo này mới bố trí, khắc phục được”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng cho rằng cùng với phong trào không sử dựng túi nilon, không ống hút nhựa, chính quyền xã đảo cần tiếp tục phát huy, xây dựng quy chế nghiêm ngặt, vận động người dân và du khách bảo vệ môi trường trước khi có những dự án quy mô, hiện đại, phải có dự báo phát triển dân số cụ thể để không phá vở cảnh quan không gian sinh thái vùng biển đảo, gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn đa dạng sinh học Khu sinh quyển thế giới, tài nguyên nhân văn sinh thái trên rừng dưới biển với phát triển du lịch bền vững.
Đỗ Huấn