Hiện nay, rừng đặc dụng tại Cù Lao Chàm – Hội An đang được quản lý tốt, bảo tồn các loài sinh cảnh, góp phần bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội.
Tình nguyện tham gia Tổ quản lý, bảo vệ rừng nhiều năm qua, ông Nguyễn Nhân, người dân thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp cho biết, ông thường xuyên tham gia các cuộc tuần tra, khảo sát diện tích rừng nhằm phòng cháy, chữa cháy; sớm phát hiện các trường hợp có hành động không đúng quy định để nhắc nhở và tham gia trồng rừng.
“Việc trồng rừng là rất cần thiết và có giá trị lâu dài. Chúng tôi ở đây còn thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, vận động bà con và du khách cùng tham gia bảo vệ và phục hồi rừng. Đặc biệt là nhắc nhở bà con cẩn thận mỗi khi đi thắp nhang dịp rằm, mồng một và lễ tết” – Ông Nguyễn Nhân nói.
Xã đảo Tân Hiệp – TP. Hội An có diện tích tự nhiên hơn 1.642ha, trong đó, rừng có độ che phủ khoảng 80 – 90%. Rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, dân sinh, kinh tế và phát triển du lịch, vì thế, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được chú trọng.
Địa phương đã giao khoán bảo vệ 1.037ha cho 3 nhóm hộ và 2 đơn vị tại xã Tân Hiệp. Các tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng được củng cố và duy trì; trong đó có 4 tổ là nhân dân các thôn, 2 tổ là Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Tiểu đoàn 70 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 104 người tham gia,
Hằng năm, xã đảo Tân Hiệp luôn triển khai phương án quản lý, bảo vệ rừng; phương án PCCC rừng và kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2022. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tuần tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và không để xảy ra vụ cháy rừng nào.
Xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng đặc dụng Cù Lao Chàm là vào mùa hanh khô từ tháng 3 đến tháng 8. Vì thế, địa phương đã xác định 8 khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng tại xã đảo Tân Hiệp, đó là các Tiểu khu 213, 214, Bãi Hương, Bãi Bìm, Bãi Chóp, Bãi Ông, Hòn Chồng và Hòn Dài.
Ông Lê Ngọc Hồ – Trạm Kiểm Lâm Cù Lao Chàm cho biết: “Cùng với việc xây dựng mạng lưới cán bộ, nhân dân tổ chức tuần tra, canh gác, công tác tuyên truyền đặt lên hàng đầu. Không chỉ thông qua các cuộc họp ở khu dân cư, các lực lượng còn tổ chức tuyên truyền lưu động thường xuyên, liên tục. Nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng và săn, bẫy, bắt, xua đuổi động vật trái phép”.
TP. Hội An huy động cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia ngăn chặn các hành vi sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, đốt rừng lấy đất sản xuất, phát hoang đồng cỏ, đốt vàng mả trong các dịp lễ hội. Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp du lịch khi đưa đón du khách ra đảo phải tuyên truyền, phổ biến những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao ý thức và hành vi cụ thể cho du khách khi tham quan du lịch trên đảo.
Năm 2023, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã xây dựng vườn ươm cây bản địa trên đảo, tổ chức gieo ươm, tạo cây giống cây gỗ bản địa phục vụ cho công tác trồng phục hồi rừng.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyến thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, địa phương vừa trồng phục hồi khoảng 3.000 cây bản địa trên đảo. “Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng Cù lao Chàm là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi khi bảo vệ được rừng thì mới ổn định được cuộc sống của người dân trên đảo. Hiện dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm đang được triển khai bao gồm cả phần rừng và biển, công tác quản lý liên kết sinh thái giữa rừng và biển sẽ được triển khai bài bản, thống nhất” – Ông Nguyễn Thế Hùng nói./.
QUỐC HẢI