Khởi động dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An”

Sau hơn 7 năm, dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam” từ nguồn vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp – AFD đã chính thức khởi động. Đây là sự kiện đáng quan tâm bởi dự án đánh giá, phát triển toàn diện các giải pháp nhằm ngăn chặn xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp bách về ổn định nhà ở và phục hồi kinh tế trong khu vực dự án.

Lễ khởi động dự án diễn ra vào chiều ngày 3/7

Vào chiều ngày 3/7 vừa qua, tại UBND tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ khởi động dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, các khu du lịch trong khu vực. Bờ biển Hội An là một bờ biển đẹp, tuy nhiên từ sau năm 2014 đã bị sạt lở nặng, mất đi bãi tắm và làm hư hại đến hạ tầng dọc bờ biển. Trước tình hình đó, Quảng Nam đã có nhiều giải pháp công trình khắc phục tình trạng xói lở, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên mới chỉ triển khai thực hiện được khoảng 2,3km trên hơn 6km bờ biển cần được bảo vệ.

Thực hiện nuôi bãi trên toàn bộ phạm vi dự án

Dự án này là bước tiến quan trọng góp phần đảm bảo tương lai phát triển của đường bờ biển Hội An thông qua các giải pháp toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực. Dự án sẽ mang lại hiệu quả cho việc giảm thiểu tình trạng xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng cường khả năng chống chịu của người dân địa phương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, nói: “Dự án này theo tôi sẽ góp phần rất quan trọng trong việc phòng chống xói lở bờ biển của Hội An. Thứ hai, dự án sẽ đem lại sinh kế cho người dân quanh khu vực, sinh kế đầu tiên là thủy hải sản và du lịch phát triển bền vững. Thứ ba, dự án góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi đa dạng sinh học cả lưu vực sông Thu Bồn, Cửa Đại và Cù Lao Chàm. Thứ tư, khi làm dự án này sẽ tuyên truyền cho người dân hiểu được phòng chống thiên tai, bảo vệ cảnh quan môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. 4 yếu tố này, tôi nghĩ ít có dự án nào đem lại khả năng trọn vẹn như vậy”.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, dự án được đầu tư 42 triệu euro, trong đó AFD cho vay 35 triệu euro, Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ 2 triệu euro, còn lại 5 triệu euro là nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam.

Dự án kết hợp các biện pháp bảo vệ công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn) cho khu vực trải dài từ cửa sông đến khu nghỉ dưỡng Victoria dài 5.000m và giải pháp mềm, dựa vào thiên nhiên. Dự án gồm hợp phần công trình và hợp phần phi công trình. Về hợp phần công trình sẽ đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng có tổng chiều dài khoảng 2.090m (đê ngắt quãng chia làm 7 đoạn), thực hiện nuôi bãi trên toàn bộ phạm vi dự án và bãi hi sinh ở đoạn cuối phía Bắc (khu vực An Bàng) để khôi phục lại sự cân bằng trầm tích, duy trì bờ biển cục bộ và giảm nguy cơ xói sau công trình. Đối với hợp phần phi công trình sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung cho lưu vực vùng bờ; xây dựng công cụ giám sát khai thác tài nguyên trên hệ thống sông và vùng bờ; củng cố các hệ thống quan trắc chất lượng nước, môi trường tự nhiên.
Theo đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, phần tài trợ của Liên minh Châu Âu dành cho dự án này được triển khai thông qua bên Cơ quan Phát triển Pháp để có thể tài trợ hợp phần kỹ thuật, thông qua đó tăng cường năng lực cho các cơ quan và chính quyền địa phương về khả năng chống chịu, chiến lược chống xói lở ven biển mà tỉnh đang ứng phó với biến đổi khí hậu…

Dự án giảm thiểu tình trạng xói lở bờ biển

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cho biết, dựa án được triển khai từ năm 2015 đến nay và đã tổ chức nghiên cứu khoa học để xác định đâu là nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng xói lở ven biển để xác định các giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho rằng, dự án nhằm tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những ưu tiên hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu. Trước các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng, cần phải có giải pháp lâu dài và tái đánh giá lại việc phát triển các khu du lịch ven biển. Dự án này được triển khai tại TP. Hội An – Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, là cơ hội để phát triển thí điểm mô hình quản lý tổng hợp có sự tham gia của tỉnh, thành phố và các bên liên quan trong ngành du lịch.
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, nói: “Chúng tôi triển khai nhằm mục đích hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam, cụ thể là Hội An trong vấn đề sạt lở bờ biển, đây là vấn đề khá trầm trọng tại Hội An trong những năm vừa qua. Dự án này nằm trong chương trình tổng thể những dự án của Pháp triển khai tại Việt Nam, hỗ trợ Việt nam giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng… Việc triển khai dự án lần này cũng có nhiều điều thú vì bởi vì nó được triển khai theo cách tiếp cận tổng thể, bắt đầu bằng việc nghiên cứu những tác động của môi trường đến quá trình sạt lở biển tại Quảng Nam, cụ thể tại Hội An…”
Tại Lễ khởi động dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam”, các đơn vị liên quan và chủ đầu tư dự án nghiện cứu, đánh giá các giai đoạn triển khai thực hiện dự án; thống nhất đến tháng10.2024 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế, nhà thầu xây lắp; dự án bắt đầu khởi công đầu năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026./.

QUỐC HẢI