Bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh chính là tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với vùng hạ lưu sông Thu Bồn để trở thành hành lang bảo tồn thiên nhiên đi đôi với đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, nhất là du lịch sinh thái bền vững ở Hội An.
Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn (gồm khu vực Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại) và vùng lõi sinh quyền Cù Lao Chàm. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 40 nghìn ha, hệ sinh thái vùng này rất đa dạng, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ 15 năm trước.
Với chừng 300 ha, trong đó khoảng 1/3 là đất và 2/3 là vùng ngập triều thuộc xã Cẩm Thanh, rừng dừa nước mọc ven bờ các kênh lạch, quanh năm xanh tốt, tạo nên một sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An. Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy: trên các cồn gò và vực nước xung quanh các rừng dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống có hệ sinh thái cỏ biển đặc thù, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Chúng là những loài thực vật bậc cao, sống chìm trong môi trường nước, tồn tại và phát triển quanh năm, thích nghi trong môi trường luôn có dòng chảy, sóng gió nhờ có hệ thống ngầm vùi sâu trong trầm tích. Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn gò ở gần khu vực Cửa Đại có hệ sinh thái cỏ biển với ưu thế tuyệt đối của loài cỏ lươn, cỏ lá dài (40 – 50cm) và một loài cỏ xoan khác bao phủ, làm thành các tấm thảm xanh, mịn quanh triền sông.
Về hệ sinh thái, khu vực này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú của nhiều loài động vật biển có giá trị. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống, ẩn nấp của ấu thể nhiều loài hải sản. Còn về phương diện sinh vật và môi trường, lưu vực sông Thu Bồn – Cửa Đại và Cù Lao Chàm có mối liên quan mật thiết với nhau về sự giao lưu thủy vực, sự tích tụ và phân hủy chất thải, lắng đọng trầm tích, làm trong sạch nguồn nước, về sự cư trú, nuôi dưỡng các loài sinh vật (sông, biển) có tính đa dạng sinh học và có giá trị cao. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Vùng Cẩm Thanh là vùng trọng tâm, vùng rốn của sự kết nối giữa đất liền và biển. Gần đây Khu Bảo tồn biển đã phối hợp với nhiều nhà khoa học nghiên cứu về mặt chủng loại, nguồn lợi thì thấy rằng sự kết nối đó rất rõ ràng, qua từng loại cụ thể. Thí dụ như là cá mú, cá hồng, cá dìa và toàn bộ các loài cá khác. Đây là vùng giống cung cấp con nô ra đến vùng san hô, con thiện đi ra khơi. Như vậy rõ ràng về mặt nguồn lợi hỗ trợ cho sự phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, như thủy sản… nó là hàng đầu!”
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng dừa ngập mặn ở Cẩm Thanh đối với môi trường và đời sống nhân dân trong vùng nói riêng và cả Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nói chung, nhiều năm qua các cấp chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cộng đồng nhân dân tham gia bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái. Chính quyền đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý rừng dừa nước, khắc phục và ngăn chặn tình trạng tùy tiện chặt, đốn dừa để làm ao, hồ nuôi tôm hoặc vì mục đích khác gây lệch dòng chảy và biến dạng sinh cảnh nơi đây, ngăn cấm các hình thức khai thác mang tính hủy diệt các loài hải sản sinh sống nơi này. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nói: “TP.Hội An xác định tiếp tục bảo tồn nghiêm ngặt là một trong những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, vừa kết hợp cải thiện sinh kế, phát triển du lịch sinh thái trong khu vực, đồng thời cố gắng giữ diện tích đã có vừa phát triển, trồng mới thêm dừa nước ở những vị trí phù hợp”.
Để bảo vệ sự đa dạng sinh học kết hợp với việc phát triển du lịch vùng sông nước giàu tiềm năng nơi đây nhất thiết phải dựa trên cơ sở quản lý cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng. Những năm qua, Cẩm Thanh đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An” nhằm mục tiêu lâu dài là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng tại xã Cẩm Thanh. Dự án được tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện 2 tỷ 130 triệu đồng, trong đó kinh phí tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu khoảng 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của UBND thành phố và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Qua đó, diện tích rừng dừa nước đã được phục hồi đáng kể và có khoảng 26 ha được trồng mới, hệ sinh thái vùng rừng dừa cũng được bảo vệ đa dạng.
Tuy vậy, điều đáng quan tâm theo báo cáo của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm là hiện nay một số thảm cỏ vùng rừng dừa ngập mặn đang bị hủy hoại và ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực; tại khu vực Bãi Ông – Cù Lao Chàm cũng vậy, do tác động của tàu thuyền, du khách và trầm tích đã làm mất khoảng 20 ha thảm cỏ biển. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang có kế hoạch điều chỉnh phân vùng chức năng, nới rộng diện tích phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt để thực hiện mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái, trong đó có các thảm cỏ đã mất, đi kèm với phục hồi quần thể rùa biển; đồng thời bảo vệ nguồn giống và duy trì nguồn lợi thủy sản từ vùng “cửa sông ven biển”, vùng dừa ngập mặn ở Cẩm Thanh đến biển đảo Cù Lao Chàm.
ĐỖ HUẤN