Giữ gìn môi trường đô thị Hội An: Nền tảng xây dựng Thành phố sinh thái

Năm ngoái, theo quy hoạch tuyến đô thị ven biển dọc theo trục 603A thuộc địa phận phường Cẩm An, ngoài việc chỉnh trang đô thị, tái định cư cho người dân trong khu vực, UBND tỉnh đã có chủ trương thu hút khoảng 10 dự án du lịch vào đầu tư. Trong khu vực, thành phố cũng đang từng bước hoàn thành dự án Khu tái định cư Làng Chài Cẩm An, đây thực sự là cú huých mạnh mẽ để quy hoạch phát triển cho cả vùng đô thị ven biển Hội An.

Vừa đầu tư làm dịch vụ du lịch trên mảnh đất 2 mặt tiền tại dự án Khu dân cư Làng Chài Cẩm An này, bà Nguyễn Thị Hồng Đào chia sẻ: “Khu tái định cư ni không khí trong lành, cơ sở vật chất ở đây tương lai là phát triển tốt, cuộc sống văn hóa ở đây tương lai có hy vọng tốt. Cô rất hy vọng”.

Rõ ràng, chủ trương quy hoạch, mở rộng, chỉnh trang nhiều khu đô thị đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Hội An. Tuy nhiên, môi trường hiện là vấn đề được thành phố quan tâm nhiều nhất và đặt lên hàng đầu trong sự phát triển.

Với mật độ dân số cao gấp 6 lần so với cả nước, thêm vào đó lượng khách du lịch ngày càng tăng, vấn đề quản lý môi trường và xử lý chất thải rắn, nước thải và năng lượng, biến đổi khí hậu, khói bụi, tiếng ồn,… đã và đang là bài toán nan giải với chính quyền địa phương.

Triển khai dự án xử lý rác thải theo mô hình thành phố Naha – Nhật Bản- Ảnh: Quốc Hải

Khảo sát cho thấy,  tại Hội An An, 85-90% chất thải rắn phát thải từ hộ gia đình và các khu dân cư, còn lại là từ chợ, khách sạn, khu thương mại, các cơ quan, trường học, làng nghề, nông nghiệp. Hiện vấn đề xử lý rác thải rắn ở Hội An đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là ý thức của người dân trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn rất hạn chế. Rác thải tại bãi rác quá tải, gây phát tán mùi hôi, không có lớp chống thấm và hệ thống thu gom nước rỉ rác nên có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm với môi trường xung quanh. Thêm nữa, nước thải sinh hoạt và nước thải của các khách sạn xả trực tiếp xuống hệ thống kênh tiêu thoát của thành phố khiến tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng tới hệ sinh thái Hội An.

Từ 5 năm trước, chiến lược xây dựng thành phố sinh thái tại Hội An là lựa chọn cơ cấu sử dụng đất hợp lý gắn với phát triển không gian đô thị và định hướng phát triển kiến trúc của thành phố. Từng bước xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các tiêu chí sinh thái, bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục duy trì và phát huy công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm, rừng ngập nước Cẩm Thanh, các hệ sinh thái làng quê, phát triển làng hoa cây cảnh, giữ lại diện tích đất nông nghiệp trồng lúa của thành phố để tạo hành lang xanh,…

Ông Trần Chương – Trưởng Phòng Quản lý Đô thị Hội An chia sẻ:“Nếu tôi có một đồng ruộng tạm cấp lên đất đô thị thì 10 năm sau thấy sai lầm vì không thể đào lên để làm ruộng lại. Vì vậy, khi muốn làm gì cho đô thị thì phải suy nghĩ chúng ta không thể quay ngược lại nếu như sai lầm. Như vậy, đô thị hóa thì thực tế có nhiều thách thức như thế. Cũng vì tiền đền bù mà mất đất nông nghiệp, mất đất nông nghiệp là mất đi chỗ dựa cho người dân.”

Hội An định hướng phát triển đô thị sinh thái bền vững- Ảnh: Quốc Hải

Một trong những giải pháp quan trọng đang được thành phố triển khai là nâng cao được nhận thức, gắn công tác tuyên truyền giáo dục với nâng cao hiệu quả quản lý bằng phương pháp hành chính, kinh tế. Đồng thời, tập trung lập và điều chỉnh các quy hoạch, đẩy mạnh triển khai các chương trình dự án trọng điểm của thành phố, các dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Nguồn lực để Hội An xây dựng Thành phố sinh thái là từ ngân sách thành phố, huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Hội An đang tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội, mỗi người dân sẽ là một chủ thể góp phần vào thành công chung.

Trong những năm qua, thành phố cũng đã nhận được sự giúp đỡ tích cực từ các cơ quan Liên Hợp Quốc và nhiều chính phủ, tổ chức phi chính phủ như: Dự án Tư vấn chính sách về môi trường, phát triển công nghiệp xanh do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc – UNIDO tài trợ, Dự án giảm thiểu khối lượng rác thải theo mô hình thành phố Naha – Nhật Bản tại Hội An, xử lý nước thải Chùa Cầu của Nhật Bản,…

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, công tác bảo vệ môi trường tại Hội An đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.“Vấn đề hiện nay đặt ra ngày càng cao là vấn đề môi trường đối với Hội An. Đó là cảnh quan danh lam thắng cảnh, thiên nhiên sông núi chúng ta phải cố gắng giữ. Đó là gần 1.500ha rừng ở Cù lao Chàm, dãy rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh. Đây là những cái giúp cho vùng sinh quyển, giúp Hội An có lá phổi xanh. Kể cả gần 400ha lúa hiện nay. Dẫu gì chăng nữa phải duy trì màu xanh này để cải thiện điều kiện khí hậu của Hội An” – Ông Dũng nói.

Hiện Hội An đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường. Nhiều dự án đã được triển khai xây dựng như dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường, dự án bảo tồn biển Cù Lao Chàm,… Thành phố cũng đã ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ, quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch chung đến năm 2020.

Quốc Hải