Cộng đồng cùng ứng phó với rủi ro thiên tai

Cộng động cùng chính quyền chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai rủi ro, đồng thời  xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Là thành phố ven biển, nơi có khu phố cổ là di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hội An đã và đang đối mặt với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhiều hiểm họa bất thường do thời tiết gây ra.

Theo thống kê, mỗi năm, Hội An gánh chịu từ 1đến 3 cơn bão, lũ với cấp độ ngày càng cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các hiện tượng bất thường về thời tiết và môi trường như mưa lớn, lốc tố, hạn hán, xói lở bờ biển xảy ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng đến mức báo động.

Vai trò của cộng đồng ngày càng cao trong việc cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh: Quốc Hải

Qua số liệu đo đạc tại các địa phương lân cận Hội An cho thấy, trong vòng 30 năm gần đây, nhiệt độ tăng từ 0,3 đến 0,6 độ C, lượng mưa trung bình năm có xu hướng tăng 2,7mm/năm trong giai đoạn từ 1980 đến 2000 và 3,3mm/năm trong giai đoạn 1990 đến 2008.

Những hiện tượng xuất hiện trong vài năm qua cho thấy mức độ tác động nghiêm trọng của hiểm họa bất thường do thời tiết gây ra cho đời sống lao động sản xuất và cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là tác động đối với ngành kinh tế du lịch. Bờ biển Cửa Đại đã bị sạt lở nghiêm trọng, Hội An không chỉ đứng trước nguy cơ mất bãi biển Cửa Đại và còn phải gánh chịu những hậu quả của sự bất ổn về môi trường đầu tư, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Nam, đến năm 2020, thành phố Hội An là địa phương bị ngập nặng nhất do nước biển dâng. Toàn thành phố sẽ có 17,5km2 bị ngập nước, chiếm 27,6 tổng diện tích, tương ứng với khoảng 24,8 nghìn người, tức 30% dân số Hội An bị ảnh hưởng do bị mất đất canh tác, mất nhà ở do nước biển dâng.

Ông Nguyễn Văn Sơn – PCT UBND thành phố cho biết: “Những năm qua, cả hệ thống chính trị thành phố đã và đang huy động mọi nguồn lực để phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu”.

Trước những thách thức đó, cùng với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ cộng đồng địa phương ướng phó. Nhiều năm qua, các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ Hội An ứng phó với rủi ro thiên tai, trong đó, Tổ chức phi chính phủ SEEDS Asia – Nhật Bản đã tổ chức các Hội thảo tập huấn “Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển du lịch sinh thái Hội An” cho đaị diện doanh nghiệp và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thành phố.

Bờ biển Cửa Đại đã bị sạt lở nghiêm trọng- Ảnh: Quốc Hải

Các chuyên gia của SEEDS Asia đã chia sẻ kinh nghiệp ứng phó với thiên tai của du lịch Nhật Bản đồng thời nêu lên tương quan giữa du lịch với giảm nhẹ thiên tai tại Hội An. Từ đó, hình thành chương trình lồng ghép giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai kết hợp với phát triển du lịch và sinh thái cho thành phố Hội An. Nguyên tắc cơ bản là phải làm gì để tránh thiệt hại bão lụt, “Hãy sơ tán ngay lập tức” nếu thấy nguy hiểm hoặc được chính quyền vận động cùng những việc cần làm bởi cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Những hoạt động này là dịp để cả cộng động cùng chính quyền chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai rủi ro, đồng thời  xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Tuy nhiên, theo bà Hisayo Morikawa, chuyên gia cấp cao của SEEDS Asia – Nhật Bản thì không nên hài lòng và an tâm với các biện pháp phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiện có, Hội An phải có biện pháp phòng chống đối với những loại hình thiên tai không lường trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không chỉ tác động tới tự nhiên do biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều nguy cơ đang tác động trực tiếp đến di sản văn hóa thế giới và có thể tạo ra thảm họa. Một số ngôi nhà cổ đã từng bị cháy rụi trong thời gian qua, thiệt hại hàng chục tỉ đồng và đáng lo ngại nhất là khả năng cháy lan ra các ngôi nhà chủ yếu có kiến trúc gỗ mỗi khi có vụ cháy xảy ra. Do nằm ở hạ lưu của các con sông lớn cộng với nhiều đập thủy điện ngăn nước ở thượng nguồn, nguy cơ khu phố cổ bị cuốn trôi hay ngập lụt nhiều lần và bất thường là điều có thể xảy ra. Thêm vào đó, với địa thế nằm ở dọc bờ biển, khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão đổ bộ vào là không thể tránh khỏi.

“Một vấn đề đáng quan tâm khác chính là việc cộng đồng cư dân địa phương chưa nhận thức rõ về nguy cơ thảm họa và khả năng ứng phó của cộng đồng với thảm họa còn hạn chế, thiếu kỹ năng cũng như các phương tiện hỗ trợ tại chỗ” – Bà Hisayo Morikawa, chuyên gia cấp cao của SEEDS Asia – Nhật Bản nói.

Quốc Hải