Đại diện cho 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG), Ban quản lý KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An vừa cam kết thực hiện các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Từ ngày 7- 9/11, KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An tham dự các chương trình kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển năm 2024 diễn ra tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An nhằm tôn vinh các giá trị về thiên nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa và phát triển bền vững của các KDTSQTG tại Việt Nam.
Đến nay, Cù Lao Chàm – Hội An đã được công nhận là KDTSQTG 15 năm với những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống các KDTSQTG tại Việt Nam. Đại diện cho 11 KDTSQTG phát biểu cam kết thực hiện các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam trong Lễ Mít tinh, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – Trưởng Ban quản lý KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An nhấn mạnh, với trách nhiệm là một thành viên trong mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam cũng như trên thế giới, xin cam kết rằng chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Hùng nói: “Để làm được điều này, cần phải tập trung vào các mục tiêu sau: Tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng; khuyến khích phát triển mô hình du lịch bền vững; tăng cường hợp tác; thực hiện các nghiên cứu khoa học. Với những cam kết và hành động cụ thể, chúng ta sẽ bảo vệ được thiên nhiên, duy trì sự cân bằng sinh thái và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam/UNESCO), kể từ năm 2000, khi Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO chính thức công nhận, hệ thống KDTSQTG tại Việt Nam đã phát triển lên đến 11 khu.
Mỗi khu đều có sự đa dạng sinh học cao với các đặc điểm thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái và sinh kế cộng đồng.
Được biết, để phát triển sinh kế các cộng đồng ở các vùng đệm của KDTSQTG, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu – GEF, từ năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc – UNDP đã thực hiện Dự án “Lồng ghép mục tiêu quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam” (Dự án BR).
Cộng đồng tại 14 xã thuộc 3 KDTSQTG Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Đồng Nai đã được Dự án BR áp dụng Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững trong sản xuất nông lâm kết hợp, chăn nuôi gia súc, du lịch sinh thái cộng đồng…
Tại KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An, Dự án đã cải thiện sinh kế cho 320 hộ gia đình, thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích, các tuyến du lịch sinh thái do cộng đồng quản lý, tập huấn cho người dân về các phương pháp sản xuất hữu cơ… Các Quỹ quay vòng được thành lập để cho vay quy mô nhỏ cho các thành viên theo cơ chế luân phiên.
Dự án đã góp phần quản lý hiệu quả hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng và biển tại các KDTSQTG Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Đồng Nai; hỗ trợ cho hơn 3.100 hộ gia đình, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 14.700 cá nhân thông qua hoạt động tăng cường năng lực và tập huấn các thực hành bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững cho cả cán bộ chính quyền địa phương và thành viên cộng đồng.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí nói: “Một trong những thành tựu to lớn của KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An là chiến lược truyền thông, nâng cao nhận thức đã dần thay đổi hành vi, hướng người dân và du khách đến việc bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể của Hội An nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu”./.
QUỐC HẢI