Ngày 10.12, Thành phố Hội An phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP đánh giá dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”. Đây là một trong những mô hình đầu tiên trên cả nước được xây dựng trên nền tảng giao quyền cho cộng đồng quản lý, khai thác và phát triển du lịch bền vững.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh có diện tích khoảng 120 ha, thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Thời gian qua, tác động từ thiên nhiên và các hoạt động kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên rừng dừa nước.
Năm 2018, dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An” do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP – Chương trình tài trợ nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu – GEF tài trợ được triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
“Việc đầu tiên là nâng cao nhận thức cộng đồng, làm sao cộng đồng tiếp quản được hệ sinh thái rừng dừa nước bằng công tác truyền thông, giáo dục, hội thảo, tour tuyến, hàng trăm cuộc tiếp xúc. Việc thứ hai khi đã có nhận thức, chúng tôi tiến hành xác lập vùng rừng dừa nước để thực hiện kỹ năng trong quản lý hệ sinh thái. Cuối cùng, sau khi có kỹ năng thì xác lập thái độ sử dụng hệ sinh thái như thế nào. Chúng tôi đã xác lập một mô hình du lịch mang tính cộng đồng căn cứ vào học tập, chúng tôi gọi là mô hình du lịch học tập cộng đồng Cẩm Thanh” -Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Chuyên gia dự án, cho biết.

Qua 3 năm thực hiện, dự án cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Thanh và địa phương đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thông qua các buổi tập huấn, tham vấn, hội thảo cộng đồng và xác định các quyền sử hữu cây dừa nước để nâng cao năng lực và phát triển thành các mô hình sinh kế, tạo động lực và phát huy sáng tạo cho cộng đồng địa phương nhằm phục vụ công tác phát triển và bảo tồn bền vững. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ cộng đồng nhìn nhận các giá trị tài nguyên để cùng chung tay bảo tồn và nhận diện được các hoạt động du lịch bền vững để thay đổi các hành vi, các hoạt động không ảnh hưởng đến rừng dừa nước Cẩm Thanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên Quốc gia Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP, nói: “Cẩm Thanh đã thay da đổi thịt bằng rất nhiều chính sách đúng hướng của TP. Hội An và sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ trong đó có sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Quỹ môi trường toàn cầu và chính phủ Đức. Chúng tôi đã hỗ trợ Cẩm Thanh thực hiện giao quyền quản lý hệ sinh thái rừng dừa cho cộng đồng; thực hiện các hoạt động sinh kế như vườn rau hữu cơ, quản lý bảo vệ rừng dừa và du lịch học tập thông qua hàng loạt hợp tác với các trường Đại học”.

Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, sự kết nối, lan tỏa giữa các nguồn lực địa phương đến cộng đồng để phát triển một mô hình sinh kế bền vững. Sự năng động, sáng tạo và tham gia tích cực của người dân là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế bền vững gắn với công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thành công cho chương trình nông thôn mới.
“Dự án đã thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia trong công tác bảo tồn thiên nhiên và môi trường, đồng thời nâng cao năng lực, phát huy sự sáng tạo. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục chủ trương phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giao quyền cho cộng đồng quản lý” – Ông Nguyễn Hùng Linh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nói.
Để phát triển các mô hình sinh kế, dự án đã xây dựng thí điểm mô hình du lịch học tập cộng đồng, nòng cốt là nông dân vừa lao động sản xuất vừa truyền đạt các kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên khi đến tham quan học tập. Từ trải nghiệm thực tế, giúp các học viên có thêm nguồn tri thức, hình thành tình yêu thiên nhiên, con người và trách nhiệm với xã hội, môi trường.

Một khảo sát của Tổng Cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTTN cho biết, từ tháng 3.2018 – 2.2021 có 29 lớp, 1.451 sinh viên đến nghiên cứu đến tham quan học tập du lịch tại Cẩm Thanh thông qua vườn rau hữu cơ Thanh Đông, vườn rau hữu cơ Đồng Giá, du lịch rừng dừa, trải nghiệm các di tích lịch sử, văn hóa,…
“Chưa có chương trình dự án nào mà tôi được biết là có sự vào cuộc rất lớn của người dân như vậy. Người dân Cẩm Thanh hiện hoàn toàn đủ khả năng để quản lý hệ sinh thái hiệu quả bằng hoạt động du lịch phù hợp và bền vững. Trong khuôn khổ một dự án sinh quyển khác do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Bộ TNMT thì Cẩm Thanh cũng được thiết kế là một điểm để thực hiện các chương trình dự án thông qua các hoạt động sinh kế, gắn với các hoạt động tiếp theo trong việc du lịch học tập các trường Đại học. Mở rộng nơi học tập cộng đồng ở Hội An rộng hơn, kết nối thành vùng sinh quyển và du lịch học tập sẽ được lan tỏa trên cả nước” – Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên Quốc gia Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP, cho biết thêm.
Mới đây, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã ký thỏa thuận hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chương trình học tập du lịch cộng đồng. Đây là một thỏa thuận nhằm tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, tạo sinh kế cho người dân và hướng tới phát triển bền vững cho vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An./.
Quốc Hải