Bảo tồn và phát huy giá trị của Khu sinh quyển

Những ngày qua, thành phố đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng tới kỷ niệm 13 năm ngày Cù Lao Chàm – Hội An được ghi vào danh mục “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” (26/5/2009 – 26/5/2022).

Đa dạng sinh học trong Khu sinh quyển được bảo tồn

Với diện tích hơn 33.000 ha, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An hiện diện đầy đủ các kiểu hệ sinh thái đặc trưng của vùng cửa sông, ven biển và hải đảo. Các giá trị về dịch vụ sinh thái cùng với di sản văn hóa thế giới – Khu phố cổ Hội An đã mang lại cho Khu sinh quyển nhiều tiềm lực to lớn. Đây là khu vực hệ sinh thái giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
Mới đây, Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển – MBA thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc – UNESCO đã chính thức công nhận báo cáo định kỳ 10 năm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, ghi nhận “Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An đáp ứng các tiêu chí của khung pháp lý của mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển toàn cầu”.
Không những thế, với các chính sách phù hợp của các cấp chính quyền đã giúp định hướng đúng đắn cho chiến lược phát triển thành phố Hội An dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, 13 năm qua, Hội An đã có những sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ kinh tế nông nghiệp thuần túy, khai thác thủy sản, tài nguyên mang tính tận diệt, làng nghề truyền thống dần bị mai một chuyển sang hình thức sản xuất truyền thống, sử dụng tài nguyên bền vững gắn kết với du lịch theo phương thức “du lịch sinh thái”. Cộng đồng người dân phát triển sinh kế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống và từ đó tham gia tích cực vào công cuộc bảo tồn tài. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học được chú trọng.
Đến nay, tài nguyên thiên nhiên của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được bảo tồn, việc quản lý tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển bền vững sinh kế cộng đồng theo mô hình đồng quản lý đã được áp dụng hiệu quả. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm – Hội An, cho biết: “Đó là sự quản lý tổng hợp, từ người dân chính quyền đến nhà khoa học và cả doanh nghiệp. Nghĩa là tất các các ngành, các nghề và mọi thành phần trong xã hội đều cùng tham gia quản lý và thực hiện”.
Một trong những thành tựu to lớn của Khu sinh quyển là chiến lược truyền thông, nâng cao nhận thức đã dần thay đổi hành vi, hướng người dân và du khách đến việc bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể của Hội An nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu.

Quan điểm của Hội An là lấy bảo tồn để phát triển, bảo tồn là nền tảng của phát triển

Những hoạt động mang ý nghĩa toàn cầu đó là Cù Lao Chàm nói không túi nilon, hướng tới cả thành phố giảm thiểu ống hút nhựa và sản phẩm nhựa dùng một lần; sự liên kết 4 Nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong câu chuyện cua đá Cù Lao Chàm; mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương; chương trình đêm phố cổ, phố đi bộ, phố không động cơ, chương trình vì một Hội An nhân tình thuần hậu và đặc biệt là giáo dục môi trường, em yêu di sản, truyền thông về Khu sinh quyển trở thành hoạt động ngoại khóa cho học sinh,…
“Vấn đề quan tâm là quản trị có sự tham gia. Ai tham gia ?. Đó là cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, hướng dẫn viên, cán bộ tuyên truyền, cán bộ quản lý các cấp cùng tham gia để quản trị hệ thống của mình tại Khu sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An” – GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia MBA Việt Nam, nhận định.
Hiện nay, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – gồm cả rừng nguyên sinh trên đảo, Khu rừng ngập mặn hạ lưu sông Thu Bồn – chủ yếu là rừng dừa nước Cẩm Thanh, nơi tập trung bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng thường xanh, rừng dừa nước. Đặc biệt, tính liên kết giữa hai trung tâm đa dạng sinh học quan trọng bậc nhất của Khu sinh quyển đó là quần đảo Cù Lao Chàm và vùng hạ lưu sông Thu Bồn đang được bảo vệ.
Thành phố Hội An đã và đang tập trung điều chỉnh quy chế quản lý, kiện toàn bộ máy Ban quản lý, lập qui hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên và xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp Khu sinh quyển giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2035. Cùng với đó, tiếp tục duy trì công tác tuần tra kiểm soát tại Khu bảo tồn nguồn giống thủy sản dựa vào cộng đồng tại Cẩm Thanh, làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ 2 trong Khu sinh quyển vào năm 2024, hướng tới mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An – Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, thành phố luôn có sự lồng ghép tất cả các giá trị giá trị cốt lõi vào định hướng chiến lược, được thực hiện xuyên suốt với sự tham gia và phản biện của đại diện tất cả các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các cấp chính quyển, các tổ chức khoa học giáo dục v sự đồng thuận của người dân.
“Bên cạnh sự phát triển kinh tế thì công tác bảo tồn trong Khu sinh quyển đều được các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ thành phố đến địa phương đặc biệt quan tâm. Quan điểm của Hội An xuyên suốt từ trước đến nay là lấy bảo tồn để phát triển, bảo tồn là nền tảng của phát triển” – Ông Nguyễn Thế Hùng, nói.
Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi của Hội An và danh hiệu do UNESCO trao tặng đang dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trong đó việc thiết lập khung thể chế chính sách và các định hướng lớn được xây dựng và vận dụng xuyên suốt trên nền tảng về điều kiện tự nhiên, nguồn tri thức bản địa, phù hợp với bối cảnh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

QUỐC HẢI