Tạo điểm đến yêu thích

Hội An thường được nhiều người gọi là “thành phố của những danh hiệu”. Có được niềm vinh dự đó là những hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đồng thời cũng đặt ra cho chính quyền và cộng đồng dân cư trách nhiệm giữ gìn, vun đắp bền lâu…

Du khách đạp xe tham quan vùng quê sinh thái Cẩm Thanh, Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Tháng 10.2019, Hội An vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu Châu Á năm 2019” do Ban tổ chức du lịch thế giới (WTA) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trao tặng. Đây không phải là danh hiệu lần đầu Hội An được bầu chọn mà là sự kế thừa, tiếp nối từ nhiều năm qua, thể hiện uy tín của điểm đến du lịch và chất lượng cuộc sống con người ở thành phố “thương cảng cổ” này.

Trước đó, cũng trong năm 2019, Trang tin CNN của Mỹ đã ca ngợi Hội An là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á; Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới Travel + Leisure của Mỹ đã công bố danh sách top 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới, trong đó Hội An đứng đầu bảng với 90,39 điểm và cho hay rằng độc giả của họ gọi Hội An là “viên ngọc nhỏ của một vùng đất” (trong bình chọn năm 2018, Hội An đứng thứ 8). Ngày 16/7/2019, Hội An trở thành tâm điểm chú ý khi hình ảnh tuyệt đẹp về Chùa Cầu, biểu tượng hơn 4 thế kỉ của phố Hội được Google vinh danh trên trang chủ bằng những nét vẽ do họa sĩ Shanti Rittgers thể hiện trên Google Doodle.

Trước đô nữa, năm 2018 Hội An cũng được nhiều tổ chức quốc tế, tạp chí du lịch uy tín bình chọn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước cùng giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” do Ban Thư ký ASEAN trao tặng.

Có được “tiếng thơm” ấy là nhờ những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng cư dân. Họ luôn đồng hành cùng di sản quê hương để tái hiện, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch – dịch vụ mới, đạt chất lượng để lôi cuốn và níu kéo bước chân khách.“Người dân không chỉ biết kế thừa phát huy giá trị di sản của tiền nhân mà còn biết sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Trong những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế phát triển, thời kỳ hội nhập, do xu thế phát triển tất yếu người dân Hội An đã sáng tạo ra những giá trị mới như: Đêm phố cổ, phục hồi nghề làm lồng đèn, sáng tạo ra nghề may nhanh đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch… Chính những cái đó trở thành những giá trị rất là mới”, ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói.

Du khách tham quan phố cổ Hội An– Ảnh: Đỗ Huấn

Không chỉ có các sản phẩm đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của du lịch Hội An như “Đêm phố cổ”, các lễ hội văn hoá dân gian, các sự kiện du lịch kết hợp phát huy giá trị văn hoá truyền thống với đương đại mà Hội An còn được đánh giá là một nơi luôn biết tự làm mới, tạo khởi sắc liên tục cho các sản phẩm du lịch. Các tour tham quan làng nghề truyền thống: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế được các nhà quản lý, các ngành chức năng “bắt tay” chặt chẽ với cộng đồng cư dân để từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đến Hội An, nhiều du khách nước ngoài tỏ ra hài lòng và thích thú khi được đi giữa lòng phố cổ. Theo họ, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ” là nét đặc sắc, mang lại cho họ cảm giác bình an, thanh thản mà ít nơi trên đất nước làm được. Được như vậy, “công đầu” thuộc về những chủ nhân của khu phố cổ. Những việc làm thiết thực, hành động cụ thể như: “nói không với túi nilon”, “giảm thiểu dùng ống hút nhựa”, xây dựng “thành phố du lịch không khói thuốc lá”, tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quan, triển khai kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp… trong thời gian qua đã góp phần làm nên “tiếng thơm” cho Hội An cũng nhờ “vạn lần dân liệu” mới nên. Với những nỗ lực gần đây của phường Minh An – trung tâm DSVH thế giới – Đô thị cổ Hội An, ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Rất nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng được ban hành và được triển khai thực hiện rất nhanh trong thực tiễn. Từ đề án bán hoa đăng, bán hàng rong đến sắp xếp lại ghe bơi, rồi lắp đặt camera hay thay đổi mái tôn bằng giàn hoa… từ khi có chủ trương đến khi xây dựng chương trình và kết quả thực hiện rất rõ ràng và nhanh chóng. Tất cả kết quả đó là thành quả chung của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn thể nhân dân phường Minh An”.

Lãnh đạo Hội An cũng luôn tâm niệm một điều rằng cần làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” bằng những sản phẩm khác biệt, không trùng lặp với nơi khác. Cùng với di sản phố cổ, Hội An đã và đang tập trung phát triển mạnh du lịch biển đảo (Cù Lao Chàm, Cẩm An, Cửa Đại), mở rộng không gian về vùng ngoại ô như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Nam… với những dịch vụ khám phá làng quê, sông nước cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú… Thời gian qua, chính quyền thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan các đề án, chương trình phát triển du lịch như: Đề án phát triển du lịch Cù Lao Chàm, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian hoạt động du lịch tại các địa phương vùng ven như: Cẩm Nam, Cẩm An, Cẩm Hà và tuyến tham quan Rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh. Các tuyến, điểm du lịch biển đảo, sông nước, các khu vực làng quê, làng nghề tiếp tục được đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ theo đúng định hướng của thành phố.

Đỗ Huấn