Sẻ chia và tiết kiệm trong cuộc sống thời Covid-19

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 2, kinh tế tiếp tục bị đình trệ, đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố Hội An thực sự khốn khó đủ đường. Nhưng với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, chịu thương chịu khó, tiết kiệm dành dụm, người dân Hội An đang cố gắng từng bước thích nghi với trạng thái bình thường mới…

Đường phố Hội An vắng vẻ và yên ắng trong những ngày giãn cách xã hội- Ảnh: Đỗ Huấn

Những ngày diễn ra cơn đại dịch Covid-19 lần thứ 2 vừa qua, phố cổ Hội An vốn cổ kính nay càng thêm thâm trầm, lặng lẽ. Đường sá từ đô thị đến nông thôn nơi nào cũng hoang vắng, yên ắng lạ thường. Chưa đầy 1 tháng tái bùng phát dịch bệnh mà ai cũng có cảm giác thời gian sao trôi chậm chạp một cách lạ thường: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Vốn là đô thị du lịch vang tiếng năm châu, từng được bầu chọn nhiều danh hiệu, đạt nhiều giải thưởng quốc tế, đại đa số người dân Hội An đều sống nhờ vào ngành kinh tế du lịch, tỷ trọng chiếm đến hơn 70% trong cơ cấu kinh tế toàn thành phố. Thế nhưng cơn đại dịch lần thứ nhất làm cho du lịch dịch vụ bị đình trệ do thị trường khách quốc tế bị hụt hẫng. Mới hồi phục vài tháng với những tín hiệu vui từ thị trường khách du lịch nội địa thì dịch tái phát và Hội An trở thành “tâm dịch’ vì gắn bó gần gũi với TP. Đà Nẵng cận kề. Khó khăn chồng chất khó khăn! “Chúng tôi là người kinh doanh trên mảng du lịch cũng như toàn thể bà con trong thôn không có phương hướng chi để làm hết trơn, chỉ còn ngồi chờ ai có công việc, kêu chi làm nấy để mong cho qua ngày thôi!”, ông Trần Văn Mãnh ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh nói.

Giữa gian khó vì đại dịch Covid-19, chính quyền các cấp từ tỉnh đến thành phố và rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từ mọi miền đất nước đã nhanh chóng hỗ trợ người dân nghèo gặp khó và những người dân đang sống trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Mặc dù không nhiều nhưng số lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm ấy phần nào giải quyết tình trạng chật vật thiếu thốn của người dân. Thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh người dân nơi vùng dịch, chính quyền và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hết sức thiết thực cụ thể với những bao gạo, bó rau, con cá, miếng thịt… để người nghèo giảm bớt âu lo.

Du lịch ngưng trệ, ngư dân Cù Lao Chàm trở lại với nghề đánh bắt, khai thác hải sản- Ảnh: Đỗ Huấn

Ngay tại các xã phường, các khu dân cư, người dân cũng tự đùm bọc lấy nhau, người không bị cách ly chia sẻ từng gói mì, bát cháo, chai dầu… cho những người đang cách ly và những nơi phong tỏa. Ông Lê Văn Hiêp – Phó Chủ tịch UBMT TQVN phường Cẩm An cho biết, địa phương luôn nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm cũng như các mạnh thường quân trong việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đặc biệt là các trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch của địa phương, nhất là đối với khu vực phong tỏa khối phố Thịnh Mỹ. Phường Minh An có khối phố An Hội bị phong tỏa cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình. “Trong những ngày qua, nhiều mạnh thường quân, các doanh nghiệp trên địa bàn phường đã hỗ trợ trang thiết bị y tế cũng như vật chất để địa phương có thêm nguồn lực kịp thời hỗ trợ cho bà con, kể cả tăng thêm lương thực thực phẩm đảm bảo nhu cầu ăn uống cho bà con trong đợt cách ly”, ông Đặng Xuân Cảnh – Chủ tịch UBMT phường Minh An nói.

Người Hội An, Quảng Nam dẫu bao đời đã quen với cuộc sống một nắng hai sương, cần cù lam lũ nhưng đại dịch đánh trực tiếp vào miếng cơm manh áo,  kế sinh nhai như Covid-19 này là lần đầu tiên, những ngày tới chắc còn khốn khó trăm bề. Cuộc sống trong “trạng thái bình thường mới” những ngày thực hiện giãn cách xã hội và sau khi đẩy lùi đại dịch rồi sẽ ra sao, chưa ai đoan chắc được. Niềm tin tạo dựng có lẽ là sức chịu đựng, sự chịu thương chịu khó đã thấm sâu vào máu thịt con người, là niềm động viên an ủi để tự vượt qua những gian truân và lối sống dành dụm, tiết kiệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cụ bà Nguyễn Thị Thảo ở thôn Vạn Lăng xã Cẩm Thanh nói dân giã rằng: “Hồi chưa có du lịch mình cũng sống được, đi bắt hàu, bắt ốc, đi câu sông… đủ thứ hết để sống qua ngày, cũng đâu có đói! Ví dụ bữa trước mình ăn tô bún hai chục, mười lăm ngàn bi chừ mình ăn cái bánh mì chục ngàn thôi”. Bà Phạm Thị Bê ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm cũng suy nghĩ tương tự: “Nói chung du lịch không có, dân ở đây thất thu, kinh tế khó khăn. Biển giả ở đây, mình làm con cá con mắm nhờ khách du lịch, chừ không có khách du lịch, cá rớt giá cho nên biển khó khăn nhiều. Hồi nớ thấy kinh tế cũng dễ thì mình tiêu nhiều nhiều xí, chừ khó khăn thì phải tiện bớt lại”.

Một mùa mưa lụt, giông bão nữa lại sắp về – mùa của bao vất vả, mưu sinh, mùa của sự tính toán, lo toan với những gì đã chắt chiu có được hơn là có thêm thu nhập. Rồi cuộc sống của người dân ở vùng cửa sông, ven biển Hội An sẽ còn lắm khó khăn, thiếu thốn. Cầu cho cơn đại dịch Covid-19 sớm bị ngăn chặn, đẩy lùi và mong sao “trời yên biển lặng”, “mưa thuận gió hòa” để nhân dân được trở lại cuộc sống đời thường, bình an và vui vẻ.

                                                                                          Đỗ Huấn