Hoa cây cảnh hiện nay là một mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp Hội An. Song, với hiện trạng phát triển như hiện nay, liệu có cần quy hoạch lại một số vùng trồng phù hợp hay không?
Nặng nhọc khiêng Quật…
Từ 1.300 mét vuông đất vỡ hoang vào 1979, sau thời gian trồng khoai và thuốc lá kém hiệu quả, hơn 10 năm nay, gia đình ông Nguyễn Em, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà đã chuyển sang trồng quật. Khác với các giống hoa ngắn ngày, cây quật làm quanh năm, với nhiều công việc, từ nhặt bông, tút lá, theo dõi phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, xuất bán. Năm này, gia đình ông trồng được khoảng 500 chậu và một số lượng quật đất để dự phòng giống cho mùa sau.
Trước đây, đường vào vườn quật khá dễ dàng nhưng từ ngày càng có nhiều hộ dân làm nhà ở dọc tuyến đường về trung tâm xã thì đường vào khu đất trồng quật của ông và một số hộ khác lại khó hơn hẳn. Ngày thường đi vào chăm sóc cây thì còn dễ, đến mùa thu hoạch thì rất vất vả. Gia đình ông Nguyễn Em phải thuê thêm rất nhiều nhân công, sử dụng gióng để khiêng từng chậu quật ra ngoài. Công việc nặng nhọc và tốn kém, chậm rãi vì không có đường giữa các khu đất sản xuất để vận chuyển. Trong khi vườn quật nó nối tiếp với vườn quật kia thành một khu sản xuất rộng lớn, không có lối ra. Ông nói: “Bản thân tôi và bà con xung quanh làm quật chậu cũng mong muốn Nhà nước có hướng đầu tư một khu vực tập trung để bà con chúng tôi sản xuất. Nói thật ra, từ trước đến nay, chúng tôi sản xuất cây quật tốn kém rất nhiều về việc vận chuyển, điện nước cũng tự động kéo. Đến mùa thu hoạch, những chậu quật to phải thuê cả mấy người khiêng từ trong vườn ra, khiêng rất xa mới tới được nơi có xe bốc lên. Thuê cũng không có người khiêng nữa. Do đó cũng mong muốn có được 1 khu vực tập trung, có đường, có điện để bà con chúng tôi sản xuất, nâng giá trị thu nhập cao lên.”
Đến mùa thu hoạch, người trồng hoa cây cảnh tự chế công cụ để khiêng hoa cây cảnh từ vườn trồng đến nơi có xe đậu vận chuyển- Ảnh: Lê Hiền
Khó về giá thể thay thế cát trồng quật…
Theo Ban Nông nghiệp xã Cẩm Hà, hiện nay, toàn xã có gần 450 hộ trồng quật cảnh với khoảng 65 ngàn chậu, diện tích khoảng 30 héc ta, đó là chưa kể số lượng quật đất. Với quy mô như vậy, có thể nói, Cẩm Hà là vùng chuyên canh quật ở Hội An. Do đặc thù của nghề nên trước đây, người dân Cẩm Hà đã dùng lượng lớn cát để làm giá thể cho cây, ảnh hưởng đến mặt bằng thổ nhưỡng. Trước thực trạng này, UBND xã đã cảnh báo và nghiêm cấm xúc đất tại chỗ để làm giá thể trồng quật. Các ngành hữu quan của thành phố cũng đã nghiên cứu giá thể thay thế nhưng do cây quật cao, giá thể thay thế bằng nguyên liệu nhẹ nên cây dễ bị ngã đổ. Hiện nay, người trồng quật ở Cẩm Hà thường tìm mua lại các chậu quật đã xuất bán trong tết để tái chăm sóc, vừa đỡ nhân giống mới, vừa đỡ mất lượng cát trồng ban đầu. Tuy nhiên, lượng cát bù lại bằng cách này không đáng kể nên bà con vẫn phải mua thêm cát ở các địa bàn lân cận, chi phí cao, lại vừa thiếu chủ động. Ngoài khó khăn trên, năm nào cũng vậy, người trồng quật ở Cẩm Hà đều phải bơm một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc kích thích sinh trưởng, nguy cơ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Các vườn quật xen lẫn trong các khu dân cư nên nhiều người dân không an tâm, thường phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Ông Nguyễn Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, cách đây 8 năm, địa phương cũng đã xây dựng phương án quy hoạch vùng trồng quật, nhằm bố trí, sắp xếp lại điểm trồng và kết hợp đầu tư hạ tầng, như kéo điện và mở đường đến khu sản xuất. Vậy nhưng do chưa có kinh phí nên dự án đành gác lại, đến nay chưa thể thực hiện.
Than vãn về ô nhiễm môi trường…
Trong khi đó, ở các vùng trồng hoa cây cảnh khác như Thanh Hà, Cẩm Châu, Tân An, Cẩm Thanh cũng gặp những khó khăn tương tự. Tại phường Cẩm Châu, một địa bàn có nghề trồng hoa cây cảnh đang ngày càng phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng vùng trồng hoa cây cảnh cũng tự phát, xen kẽ trong các khu dân cư. Ngoài đất thuê, mượn, nhiều hộ dân tận dụng sân vườn trong khuôn viên nhà ở để canh tác. Trong khi đến mùa hoa cây cảnh, dù trồng chủ yếu hoa ngắn ngày nhưng hầu như bà con đều phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm tăng sinh trưởng, không chỉ gây nguy cơ đến sức khỏe hộ trồng mà còn có thể ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Thực tế đã nhiều ý kiến của các hộ dân và các chủ cơ sở lưu trú phản ánh tình trạng này.
Dù biết ảnh hưởng nhưng vẫn phải bơm thuốc cho hoa- Ảnh: Lê Hiền
Ông K.C, một người dân ở gần khu vực trồng Quật khối An Phong, phường Tân An than vãn: “Nhà ở gần đây, đến mùa họ bơm thuốc là nghe mùi nồng nặc, không chịu nổi. Rồi muỗi vào cũng rất nhiều, phải xịt thuốc diệt muỗi nữa. Nói chung là dù rất mong bà con trồng được hoa bán, có thu nhập nhưng cũng rất lo là bơm thuốc sẽ ảnh hưởng đến nước ngầm và chất lượng khí thở của chúng tôi”. Còn ông Võ Viết Bảo, một người trồng hoa ở khối An Mỹ, phường Cẩm Châu thì bộc bạch:“Giờ phát triển trồng hoa nhiều phải bơm thuốc nhiều. Dân cư bây giờ phát triển, ngày càng ở dày, san sát nên bơm thuốc cũng có ảnh hưởng. Cũng biết là trồng gây ỗ nhiễm nhưng vì hoa rất dễ có bệnh, hàng ngày đều theo dõi chăm sóc. Nếu mà bệnh tình xảy ra, không phát hiện, bơm thuốc kịp thời thì coi như cũng bỏ mà thôi. Vì vậy, buộc lòng chúng tôi phải bơm thuốc, dù không muốn làm ảnh hưởng đến người dân và các cơ sở lưu trú. Chúng tôi rất mong muốn có khu trồng hoa tập trung xa khu dân cư, chứ bà con xung quanh họ kêu miết nghe cũng mất lòng”.
Theo phòng Kinh tế TP, tại Hội An có khoảng hơn 1 ngàn hộ sản xuất hoa cây cảnh. Ngoài các giống truyền thống như cúc, mai, quật, gần đây, bà con đã du nhập và di thực thêm nhiều loại hóa mới, được thị trường ưa chuộng. Tất cả các loại hoa cây cảnh luôn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao và cũng phải thử nghiệm nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kích thích tăng trưởng. Đến mùa thu hoạch thì việc vận chuyển từ vườn trồng ra đường giao thông lớn cũng tốn công, nặng nhọc, đòi hỏi hạ thầng giao thông tốt. Tuy nhiên, bên trong các vùng trồng hoa cây cảnh hiện nay diện tích lớn nhưng hầu như rất ít đường đi, khó vận chuyển trong mùa thu hoạch. Trước thực trạng này, phòng Kinh tế TP cho biết, trong nhiều cuộc họp và tập huấn, đối thoại, trao đổi với nhân dân, bà con cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị quy hoạch vùng trồng hoa cây cảnh, vừa giữ gìn môi trường, sức khỏe cộng đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và mở đường cho du khách đến tham quan vãn cảnh, tìm hiểu về nghề trồng hoa cây cảnh.
Thiết nghĩ, với thực trạng và ý nguyện của người dân như trên, đã đến lúc Hội An cần có cuộc khảo sát tổng thể, tiến tới quy hoạch lại vùng trồng hoa cây cảnh, từ đó có những giải pháp phù hợp, phát huy thế mạnh của nghề trồng hoa cây cảnh đối với cả ngành nông nghiệp và ngành du lịch dịch vụ ở địa phương.
Lê Hiền