“Công đầu” của dân

Hội An thường được nhiều người gọi là “thành phố của những danh hiệu”. Có được niềm vinh dự đó là cả chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ mà công đầu thuộc về nhân dân; đồng thời cũng đặt ra cho chính quyền và cộng đồng dân cư trách nhiệm giữ gìn, vun đắp lâu bền…

Năm 2018, thành phố Hội An tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế, tạp chí du lịch uy tín bình chọn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước như: Top 12 thành phố châu Á nên đến ít nhất một lần trong đời, top 10 điểm đến lãng mạn nhất châu Á, top 16 điểm đến thư giãn tốt nhất thế giới, top những thành phố châu Á tuyệt vời nhất cùng giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” do Ban Thư ký ASEAN trao tặng. Đây không phải là những danh hiệu lần đầu Hội An được bầu chọn mà là sự kế thừa, tiếp nối từ nhiều năm trước, thể hiện uy tín của điểm đến du lịch và chất lượng cuộc sống con người ở thành phố “thương cảng cổ” này.

Có được “tiếng thơm” ấy là nhờ những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng cư dân. Họ luôn đồng hành cùng di sản quê hương để tái hiện, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch – dịch vụ mới, đạt chất lượng để lôi cuốn và níu kéo bước chân du khách. Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng: “Người dân không những chỉ biết kế thừa phát huy giá trị di sản của tiền nhân mà còn biết sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Trong những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế phát triển, thời kỳ hội nhập, do xu thế phát triển tất yếu người dân Hội An đã sáng tạo ra những giá trị mới như: Đêm phố cổ, phục hồi nghề làm lồng đèn, sáng tạo ra nghề may nhanh đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch… Chính những cái đó trở thành những giá trị rất là mới”.

Đêm phố cổ, sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn

Không chỉ có các sản phẩm đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của du lịch Hội An như “Đêm phố cổ”, các lễ hội văn hoá dân gian, các sự kiện du lịch kết hợp phát huy giá trị văn hoá truyền thống với đương đại mà Hội An còn được đánh giá là một nơi luôn biết tự làm mới, tạo khởi sắc liên tục cho các sản phẩm du lịch. Các tour tham quan làng nghề truyền thống: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế được các nhà quản lý, các ngành chức năng “bắt tay” chặt chẽ với cộng đồng cư dân để không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đến Hội An, nhiều du khách nước ngoài tỏ ra hài lòng và thích thú khi được đi giữa lòng phố cổ. Theo họ, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ” là nét đặc sắc, mang lại cho họ cảm giác bình an, thanh thản mà ít nơi trên đất nước làm được. Được như vậy, “công đầu” thuộc về những chủ nhân của khu phố cổ. Những việc làm thiết thực, hành động cụ thể như: “nói không với túi nilon”, “giảm thiểu dùng ống hút nhựa”, xây dựng “thành phố du lịch không khói thuốc lá”, tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quan, triển khai kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp… trong thời gian qua đã góp phần làm nên “tiếng thơm” cho Hội An cũng nhờ “vạn lần dân liệu” mới nên. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng trao đổi: “Các nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của nhà nước ở Hội An nếu như không được vận động, tuyên truyền đến nhân dân, không được minh bạch hóa trước dân thì nhân dân sẽ không thấu hiểu, đông thuận và khi đó thì hiệu quả quản lý nhà nước không cao!”.

Du lịch cộng đồng phát triển mạnh ở Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Lãnh đạo Hội An luôn tâm niệm một điều rằng cần làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” bằng những sản phẩm khác biệt, không trùng lặp với nơi khác. Cùng với di sản phố cổ, Hội An đã và đang tập trung phát triển mạnh du lịch biển đảo (Cù Lao Chàm, Cẩm An, Cửa Đại), mở rộng không gian về vùng ngoại ô như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Nam… với những dịch vụ khám phá làng quê, sông nước cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú… Du khách quốc tế, nhất là khách từ các nước công nghiệp phát triển rất thích thú khi được tham quan, trải nghiệm cuộc sống dân dã, đời thường của người nông dân với con trâu, mảnh ruộng, cái cày hoặc của bà con ngư dân để được lắc thúng, bơi thuyền, câu cá, bắt tôm… Chính du lịch cộng đồng phát triển trong dân đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo đó.

Năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan các đề án, chương trình phát triển du lịch như: Đề án phát triển du lịch Cù Lao Chàm, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian hoạt động du lịch tại các địa phương vùng ven như: Cẩm Nam, Cẩm An, Cẩm Hà và tuyến tham quan Rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh. Các tuyến, điểm du lịch biển đảo, sông nước, các khu vực làng quê, làng nghề tiếp tục được đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ theo đúng định hướng của thành phố. Cạnh đó, nhiều hoạt động thu hút khách du lịch cũng phát triển sôi động, đặc biệt là chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực quốc tế và hợp tác hữu nghị… nên đã thu hút lượng khách đông, đạt khoảng 4,99 triệu người, tăng hơn 50,84% so với năm 2017. Trong đó khách quốc tế chiếm 3,75 triệu lượt, tăng 90,94%. Tổng lượt khách mua vé tham quan phố cổ đạt khoảng 2,32 triệu lượt (tăng 14,38%), khách lưu trú đạt khoảng 1,78 triệu lượt (tăng 18,85%)

Những danh hiệu, giải thưởng nhưng những cuộc bầu chọn của số đông độc giả, bạn bè qua báo chí, các kênh thông tấn, tức là những du khách thực thụ đã đi, đã đến với Hội An là rất đáng trân trọng, cho thấy Hội An đang đi đúng hướng và giúp chính quyền biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp, sao cho đẹp lòng khách phương xa.

Đỗ Huấn