Hoạt động của các quầy bar ở vũ trường và quầy bar trong các nhà hàng tại thành phố Hội An đã góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của một bộ phận khách hàng. Tuy nhiên hình thức này cũng đang ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hiện tại, các quy định pháp luật vẫn còn bỏ sót chế tài để quản lý.
Vài năm trở lại đây, các ngành hữu quan của thành phố và các địa phương ở Hội An đã tiếp nhận và giải quyết nhiều thông tin của người dân phản ánh những hệ lụy khi một số vũ trường và nhà hàng ăn uống (có kết hợp mở quầy bar) trong và ngoài khu phố cổ gây tiếng ồn ra khu vực công cộng. Đơn cử như trường hợp khách sạn Almanity đã nhiều lần gửi văn bản đến các ngành hữu quan của thành phố về việc “người hàng xóm” là Hoàng Long – Club gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến việc ngủ nghỉ của du khách trong khách sạn. Trước kiến nghị đó, thành phố đã mời hai bên lên làm việc và chỉ đạo các ngành hữu quan đến tận hiện trường để đo, xác định mức độ ô nhiễm âm thanh. Sau khi đo đạc cho thấy, tần số âm thanh mà vũ trường này phát ra vẫn ở trong giới hạn pháp luật cho phép. Để mối quan hệ “hàng xóm” giữa khách sạn và Hoàng Long – Club hài hòa, đạt lợi ích chung, thành phố đã làm tốt vai trò trung gian kết nối. Đến nay, Hoàng Long – Club đã hợp tác tốt hơn với khách sạn Almanity trong việc hạn chế tiếng ồn. Bản thân khách sạn cũng đã tự cải tạo, lắp đặt thêm hệ thống cửa cách âm, chống ồn để đảm bảo giấc ngủ cho du khách.
Không chỉ có trường hợp vừa nói trên, thời gian qua, ngành chức năng của thành phố cũng nhận được không ít phản ánh của người dân hoặc các cơ sở kinh doanh ở gần các nhà hàng kết hợp quầy bar trong khu vực phố cổ. Đa số các ý kiến đều cho rằng các quầy bar mở nhạc hoặc các chương trình thể thao với âm lượng quá to. Có thể kể đến như trường hợp khách sạn Long Life, số 61, đường Nguyễn Phúc Chu, phường Minh An cũng đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng về âm thanh từ các quầy nhà hàng – bar lân cận. Theo Đội kiểm tra liên ngành của thành phố, ngoài các trường hợp kiến nghị bằng văn bản, một số người dân còn nhắn tin, gọi điện đến các số máy của Đội để phản ánh tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng kết hợp bar rượu. Nhận được thông tin này, nhiều lần Đội đã kiểm tra, đo kiểm âm thanh, lưu ý, nhắc nhở các cơ sở phải đảm bảo trật tự công cộng. Trong đợt ra quân lập lại trật tự kinh doanh buôn bán trong khu phố cổ mới đây, ngoài việc sắp xếp hàng rong, đoàn công tác của thành phố cũng đã tuyên truyền, vận động và yêu cầu các nhà hàng – quầy bar tuân thủ quy chế của thành phố trong việc sắp xếp bố trí không gian dịch vụ, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh, phù hợp với không gian văn hóa thâm trầm, tĩnh lặng trong khu phố cổ. Nhờ vậy, một số nhà hàng kinh doanh có quầy bar đã giảm bớt tiếng ồn cũng như không đưa nhân viên ra vệ đường mời chào, níu kéo du khách.
Tuy nhiên hiện tại, hoạt động kinh doanh buôn bán của các nhà hàng – bar rượu tại thành phố đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến ANTT. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Bây giờ nhân dân họ phiền hà rất nhiều chung quanh các quầy bar. Bar thì nhà hàng nào cũng có. Không cho thì nói là không tạo điều kiện cho ngành du lịch dịch vụ phát triển, không tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn. Trong khi tây đến Hội An lệch múi giờ có nhu cầu sinh hoạt về đêm. Sau khi cho hoạt động đến 24 giờ thì liên tục những đối tượng này bị người khác rủ rê, rồi kéo dài đến hai, ba, bốn, năm giờ sáng, phiền hà ghê gớm. Ở chỗ nào có 1 cái bar sinh hoạt ở đó qua đêm là người ta không đồng tình. Nó làm mất ổn định, đi đâu là ồn ào đó. Đi đâu là có chuyện đó, chưa nói là lực lượng ăn theo, những là xe thồ, môi giới, chưa nói xảy ra tình trạng đánh lộn nhau giữa khách du lịch với các khác”.
Nhiều nhà hàng kết hợp bar sử dụng các màn hình chiếu lớn để phục vu nhu cầu xem bóng đá, giải trí của du khách gây ồn- Ảnh: Lê Hiền
Trên thực tế, thời gian gần đây, hoạt động của các cơ sở nhà hàng – kết hợp bar tại khu vực phố cổ luôn có sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Công an phường Minh An cho biết, theo phản ánh của người dân, đơn vị đã nhiều lần tổ chức các đợt kiểm tra ban đêm. Khi phát hiện cơ sở hoạt động quá 12 giờ khuya đều có biện pháp xử lý, yêu cầu ngừng nghỉ. Những lúc như vậy, một bộ phận du khách nước ngoài có nhu cầu đã tìm tới những các quầy bar ở ngoài khu vực phố cổ. Vì lợi ích kinh tế, trên địa bàn TP đã có quầy bar bị phạt đến hàng chục lần khi kinh doanh quá giờ quy định nhưng sau một thời gian vẫn tiếp tục hoạt động, tái phạm, vì mức phạt tối đa hiện nay mới chỉ có 300 ngàn đồng/ 1 lần vi phạm (Theo Điều 6, Nghị định 167 của Chính phủ) – mức quá thấp so với lợi nhuận. Ngoài mức phạt trên, hiện tại chưa có bất kỳ chế tài pháp luật nào để ngành hữu quan có thể đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các quầy bar vi phạm ANTT và tiếng ồn. Không chỉ vậy, hoạt động của các quầy Bar tại Hội An còn tạo các nguy cơ khác, ví như tình trạng cháy nổ. Hai năm trước đã có 2 cơ sở kinh doanh kết hợp quày bar trong và ngoài khu phố cổ xảy ra hỏa hoạn. May mắn là cả hai đều được khống chế đám cháy kịp thời.
Nói về vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý các quầy bar, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh VP HĐND – UBND thành phố Hội An phân tích:
“Quá trình xử lý mình muốn thu hồi giấy phép kinh doanh nhưng khi kiến nghị các ngành của tỉnh thì tỉnh trả lời đó là ngành nghề kinh doanh không cấm nên không đủ điều kiện thu hồi. Rất khó trong việc quản lý loại hình này. Về mặt cơ chế, chế tại hiện nay không có, cho nên các ngành của tỉnh trả lời không có căn cứ để thu hồi giấy phép kinh doanh. Tại vì trong quy định của pháp luật về ANTT chỉ có phạt đối với những hoạt động quá giờ thôi chứ không có biện pháp chế tài bổ sung như phải thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ có thời hạn. Bấy lâu nay Hội An mình có đình chỉ 1 tháng, vài tháng các trường hợp chi đó, chỉ mang tính chất răn đe thôi và thực ra đó cũng chỉ là biện pháp riêng của thành phố mà thôi. Không có quy định của pháp luật để áp dụng”.
Theo thống kê của Phòng Tài chính – Kế hoạch TP, từ năm 2000 đến đầu tháng 3 năm 2017, Hội An có 152 nhà hàng được cấp phép kinh doanh. Các nhà hàng này rãi đều ở các xã phường nhưng nhiều nhất vẫn là ở các phường có tốc độ du lịch dịch vụ phát triển mạnh như Minh An, Sơn Phong, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm Phô… Điều này thể hiện khả năng nhạy bén của các cơ sở kinh doanh trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng cũng cho thấy sự cần thiết phải quy hoạch và siết chặt quản lý dịch vụ này. Mới đây, ông Kiều Cư – Bí thư Thành ủy Hội An cho biết chủ trương của Ban Thường vụ thành ủy về vấn đề này: “Bởi vì bây giờ dịch vụ vui chơi qua đêm của khách tây thực sự là có rồi. Thế thì bây giờ mình không tổ chức thì khách sẽ lén lút vô những cái điểm khác, những cái quầy bar đó. Chủ trương của Thường vụ sắp đến đây sẽ tổ chức ở một khu xa dân để hình thành một khu riêng, đáp ứng nhu cầu của du khách, không để kinh doanh bar rượu một cách lẫn lộn được.. Doanh nghiệp nào đăng ký cái này phải bảo đảm được an toàn, trật tự giao thông, an toàn về con người tính mạng. Vừa rồi cũng có người đăng ký rồi. Mình sẽ cho, đồng ý và có thể một vài điểm chứ không phải một điểm không, phải làm như vậy vì yêu cầu thực tiễn, không thể chờ chế tài pháp luật được. Với điều nếu đảm bảo được các kiện mình đưa ra thì sẽ để cho doanh nghiệp người ta đầu tư, người ta làm, mình phải quản lý cho tốt.”
Như vậy, Hội An bước đầu có chủ trương hình thành các điểm tập trung cho loại hình dịch vụ bar, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch thương mại thành phố trong xu thế mới. Song hoạt động của loại hình thương mại này cũng đòi hỏi Nhà nước cần bổ sung các chế tài phù hợp để quản lý chặt chẽ. Điều đó không chỉ ở riêng thành phố du lịch Hội An mà còn cần thiết trên phạm vi cả nước.
Lê Hiền