Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở

1. Mt svn đchung vhình thc ph biến, giáo dc pháp lut qua mng lưới truyn thanh cơ s:

So với hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua báo chí, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở có đối tượng và phạm vi tác động hẹp hơn, được xác định cụ thể trong phạm vi một xã, phường, thị trấn hay một tổ dân phố, một thôn.

So với các hình thức phổ biến, giáo dục khác, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở có những lợi thế như:

–   Có khả năng truyền tin nhanh, kịp thời;

–   Gần gũi, thân thiết với người dân ở cơ sở: bởi những nội dung pháp luật được phát thanh trên mạng lưới truyền thanh cơ sở là những quy định pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân cơ sở, những sự việc, những con người được phản ánh trong thực tiễn thi hành pháp luật là những sự việc, những con người có thật tại địa phương, những băn khoăn, thắc mắc của người dân cơ sở về chính sách, pháp luật được giải đáp kịp thời…

–   Hoàn toàn chủ động về thời gian: Có thể lựa chọn thời gian phát thanh một cách phù hợp với thực tế tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở địa phương để buổi phát thanh có tác dụng cao;

–   Chủ động trong việc lựa chọn nội dung: Có thể chủ động lựa chọn nội dung cho các buổi phát thanh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và mong muốn tìm hiểu pháp luật của người dân;

–   Có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian, phạm vi tác động rộng: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh có số lượng người nghe đông đảo, việc chọn thời gian phát thanh phù hợp cũng làm tăng đáng kể số lượng người nghe, phạm vi có thể là một thôn, một tổ dân phố hoặc một xã, một phường;

–   Có thể thực hiện phát thanh được nhiều lần;

–   Tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của vì không phải tập trung dân tại một điểm để phổ biến pháp luật.

2. Kinh nghiệm phối hợp giữa cán bộ tư pháp  và cán bộ văn hóa – thông tin xã, phường, thị trấn trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở:

– Xây dựng kế hoạch phối hợp (quy chế phối hợp) giữa cán bộ tư pháp và cán bộ văn hóa – thông tin xã, phường, thị trấn trong phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở.

Trong đó:

Cán bộ tư pháp có trách nhiệm:

Làm đầu mối phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở;

Chịu trách nhiệm về nội dung tuyên truyền pháp luật của chương trình phát thanh;

Giúp cán bộ văn hóa – thông tin xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở các ngành, các tổ chức đoàn thể tham gia viết bài cho chương trình phát thanh về pháp luật.

Cán bộ văn hóa – thông tin có trách nhiệm:

Tổ chức mạng lưới truyền thanh trong phạm vi địa phương;

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên;

Xây dựng kế hoạch phát thanh;

Tổ chức thực hiện chương trình phát thanh;

Bảo đảm kinh phí thực hiện chương trình phát thanh (kinh phí viết tin, bài, biên tập, phát thanh…).

Tổ chức giao ban định kỳ, các cuộc họp cộng tác viên để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở;

Tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, biểu dương các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở.

3. Các công việc cần tiến hành để thực hiện chương trình phát thanh pháp luật trên mạng lưới truyền thanh cơ sở:

a. Xây dựng kế hoạch phát thanh:

Xây dựng kế hoạch phát thanh là việc làm không thể thiếu được để đảm bảo cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở được thực hiện một cách thường xuyên, ổn định.

Cán bộ tư pháp và cán bộ văn hóa – thông tin xã phối hợp với nhau trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật ở cơ sở định kỳ (năm, quý, tháng, tuần) hoặc đột xuất phục vụ sự kiện chính trị pháp lý của trung ương và địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

Kế hoạch phát thanh có những nội dung chủ yếu sau:

–   Xác định nội dung phát thanh:

Nội dung phát thanh tuyên truyền pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở thường bao gồm những nội dung như:

Giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, trong đó chú trọng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân ở địa phương như Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật dân sự, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở…, những văn bản mới được ban hành, những quy định của chính quyền địa phương liên quan thiết thực tới người dân;

Phản ánh thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật ở địa phương, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện, chấp hành pháp luật, đồng thời phê phán những cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm quy ước, nếp sống văn hóa, vi phạm pháp luật trên địa bàn cơ sở;

Giải đáp pháp luật: giải đáp những thắc mắc, băn khoăn, những kiến nghị của người dân địa phương liên quan đến những quy định pháp luật, đến tình hình thực thi và chấp hành pháp luật ở cơ sở…

–   Xác định hình thức thể hiện:

Để truyền tải nội dung của chương trình phát thanh cần xác định hình thức thể hiện phù hợp, sinh động, có thể lựa chọn một trong các hình thức như: tin, bài, hỏi – đáp pháp luật, tiểu phẩm, thơ ca, hò vè, hát, câu chuyện truyền thanh…

–   Xác định thời lượng phát thanh:

Thời lượng phát thanh tuyên truyền về pháp luật cần phải được xác định phù hợp với đặc điểm về điều kiện kinh tế – xã hội, trình độ dân trí ở từng địa bàn bảo đảm dung lượng vừa phải với nhu cầu tiếp nhận của nhân dân địa phương, đồng thời bảo đảm hài hòa với các chương trình phát thanh về văn hóa, xã hội, y tế, dân số, sức khỏe – sinh sản… Qua thực tiễn cho thấy loại hình này có hiệu quả cao đối với địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa – nơi mà điều kiện thông tin còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đối với những địa bàn này, cần tăng thời lượng phát thanh trên mạng lưới truyền thanh cơ sở trong đó có phát thanh tuyên truyền pháp luật.

–   Thời gian phát thanh:

Thời gian phát thanh được bố trí phù hợp với tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương, nhằm thu hút đông đảo người nghe, phát huy cao nhất hiệu quả tác động của chương trình. Ví dụ: đặc điểm của đồng bào các tỉnh miền núi, Tây Nguyên là làm nương rẫy thường đi cả ngày, nên thời gian phát thanh cần phải bố trí vào buổi sáng sớm (khoảng từ 5h30 đến 6h30) hoặc buổi chiều tối (từ 17h30 đến 18h30).

–   Cách thức phát thanh:

Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mà xác định cách thức phát thanh phù hợp, hoặc phát thanh qua hệ thống loa cố định hoặc tổ chức phát thanh lưu động.

Ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa do gặp khó khăn về địa hình, về kinh phí… chưa xây dựng được mạng lưới truyền thanh cố định thì nên trang bị những phương tiện cơ động, ít tốn kém để tổ chức phát thanh lưu động.

–   Phân công tổ chức thực hiện kế hoạch phát thanh:

Cán bộ văn hóa – thông tin chịu trách nhiệm thực hiện chương trình, phụ trách về kỹ thuật phát thanh.

Cán bộ tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý của chương trình phát thanh, cung cấp tài liệu, văn bản để chuẩn bị nội dung chương trình.

Phát thanh viên: bảo đảm các yêu cầu như: không nói ngọng, không nói lắp, giọng đọc rõ ràng, truyền cảm. Đối với các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số thì phát thanh viên phải thông thạo tiếng dân tộc, nên chọn những người dân tộc thiểu số làm phát thanh viên cho chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc.

Người dịch tin sang tiếng dân tộc: Đối với những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khi xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc, cần bố trí người (hoặc thành lập một nhóm, một tổ) dịch tin sang tiếng dân tộc. Cần sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc để thực hiện công việc này.

b. Chuẩn bị chương trình phát thanh:

Bao gồm các công việc sau:

–   Biên soạn tin, bài… cho chương trình;

–   Biên tập nội dung chương trình;

–   Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật phát thanh;

–   Duyệt chương trình trước khi phát thanh chính thức.

Lưu ý: Trong quá trình chuẩn bị nội dung cho chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, có thể khai thác tài liệu pháp luật từ các nguồn sau:

Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn;

Điểm bưu điện văn hóa xã;

Tủ sách, ngăn sách pháp luật của các cơ quan, tổ chức, trường học đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

Những tài liệu pháp luật (như đề cương tuyên truyền, sách hỏi – đáp pháp luật, băng cát sét…) do các cơ quan tư pháp cấp trên cung cấp;

Từ những nguồn khác: tài liệu của cá nhân, tài liệu từ cán bộ chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã như: Công an, quân sự, văn phòng – thống kê, địa chính – xây dựng, tài chính – kế toán.

c. Thực hiện chương trình phát thanh:

Chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật khi được thực hiện cần đảm bảo các yêu cầu sau:

–   Nội dung pháp luật thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân ở cơ sở, được biên soạn ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu;

–   Cách thể hiện phong phú, hấp dẫn, truyền cảm với nhiều thể loại khác nhau (tin, bài, câu chuyện, tiểu phẩm…); giọng đọc của phát thanh viên rõ ràng, truyền cảm;

–   Chất lượng âm thanh tốt, âm lượng vừa đủ;

–   Bố trí thời gian, thời lượng phát sóng chương trình phù hợp.

Nguồn: http://www.moj.gov.vn

Danh mụcChưa phân loại