Trong vài năm trở lại đây, du lịch Quảng Nam đã có những bước tiến vượt bậc với tỷ lệ tăng bình quân hàng năm hơn 10%, nhiều điểm đến có sự tăng trưởng “nóng” đã tạo áp lực rất lớn lên các điểm tham quan, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường và gây biến dạng di tích.
Ô nhiễm môi trường
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nổi lên như là điểm đến có lượng khách tăng nhanh nhất của Quảng Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu như năm 2007 mới chỉ khoảng 30 nghìn lượt khách đến thăm đảo thì đến năm 2013 con số này đã vọt lên gần 180 nghìn lượt, riêng 9 tháng đầu năm 2014 đã có hơn 210 nghìn lượt khách đến tham quan đảo (vượt hơn 10 nghìn lượt so với chỉ tiêu đề ra năm 2014 là 200 nghìn lượt). Du lịch Cù Lao Chàm phát triển đã tạo ra sinh kế mới, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống cho khoảng 3.000 cư dân trên đảo; không ít cư dân sống tốt hơn nhờ du khách thông qua việc cung ứng các dịch vụ tại chỗ như lưu trú, vận chuyển, hướng dẫn tham quan; đánh bắt hải sản, bán rau rừng, cây, lá thuốc… cho du khách. Tuy vậy, khách gia tăng cũng đã tạo áp lực mạnh mẽ lên môi trường và cuộc sống người dân trên đảo khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng suy kiệt, cạn dần. Dù chưa có thống kê cụ thể lượng nước khách tiêu thụ vào việc ăn uống, tắm rửa mỗi ngày nhưng hiện tại nhiều giếng trên đảo đã trở nên khô cạn, trong đó bể chứa nước gần 80 nghìn khối tại Bãi Bìm nay cũng đã gần trơ đáy. Bên cạnh đó, môi trường sống đang ngày bị ô nhiễm, nhất là tại Bãi Ông và Bãi Chồng với lượng rác thải mỗi ngày rất lớn và đi cùng với đó là ruồi muỗi phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trên đảo.
Cù Lao Chàm đang chịu nhiều tác động về ô nhiễm môi trường do hoạt động du lịch gây ra. |
Bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại Cù Lao Chàm đang phải đối diện với áp lực khách gia tăng quá lớn. Trong đó, việc giải quyết các vấn đề môi trường như xử lý rác thải, diệt ruồi muỗi ngày càng phức tạp và tốn kém. “Chúng tôi đã từng mời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ra đảo bơm thuốc diệt ruồi, muỗi 2 ngày hết 5 triệu đồng nhưng sang ngày thứ 3 thì ruồi, muỗi xuất hiện lại” – bà Thủy nói. Còn theo ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An) vấn đề “đau đầu” nhất của xã hiện nay là xử lý lượng rác thải mỗi ngày trên đảo khi mà điểm xử lý trước đây tại Eo Gió đã quá tải.
Lượng khách tham quan đông đúc sẽ tác động lên di tích lại Mỹ Sơn. Ảnh: T.V.L |
Không riêng Cù Lao Chàm, vấn đề ô nhiễm môi trường còn hiện diện tại nhiều điểm tham quan như thác Grăng (Nam Giang), hồ Phú Ninh hay một số bãi biển tại Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành – nơi những hoạt động kinh doanh ăn uống của các hàng quán phát triển mạnh. Dường như áp lực của việc tăng khách “nóng” khi mà các điều kiện về hạ tầng và ý thức của một bộ phận doanh nghiệp, du khách chưa cao đã ảnh hưởng không chỉ đến đời sống người dân mà thương hiệu du lịch một số điểm cũng dần “mất giá” trong mắt du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề môi trường vẫn luôn là bài toán khó trong một sớm chiều.
Biến dạng di tích
Phát triển du lịch và bảo tồn di sản, danh thắng luôn là vấn đề có mâu thuẫn nội tại không riêng của Quảng Nam mà ở nhiều địa phương trong nước. Câu chuyện về làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) hay gần hơn là làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) là các điển hình. Khát vọng du lịch và nhu cầu của đời sống tiện nghi để phục vụ du khách đôi khi dẫn đến những quyết định sai lầm của chính quyền sở tại cũng như của không ít chủ di tích. Khách tham quan tăng, bên cạnh niềm vui doanh thu thì cũng đi kèm nhiều hệ lụy nếu như sự phát triển của dịch vụ, hạ tầng, công tác quản lý bảo tồn di tích không theo kịp.
Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, áp lực khách tăng đã bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực khi mỗi ngày nơi đây phải đón gần nghìn khách tham quan; tất cả dồn ứ, chen chúc trong không gian nhỏ hẹp của nhóm tháp B, C, D. Sự quá tải thể hiện rõ trong việc trung chuyển khách từ cầu Khe Thẻ vào di tích. Dù luôn có khuyến cáo từ các nhà khoa học và UNESCO hạn chế xe tải trọng lớn chở khách vào khu vực này, nhưng dưới áp lực của lượng khách gia tăng, những cảnh báo trên trở nên khó thực hiện. Theo đánh giá của các nhà bảo tồn, việc mỗi ngày Mỹ Sơn đón hàng trăm lượt khách ra vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động không nhỏ lên di tích vì đây là những công trình kiến trúc bằng gạch, đá; hiện tượng rạn nứt, ẩm mốc trên các tường tháp do sự dẫm đạp của khách là không tránh khỏi. Các biểu hiện đã dần rõ hơn tại những bậc cấp của nhóm tháp B, C, D bị mòn vẹt hay rạn nứt tường tại 2 ngôi tháp B6, C3, nhất là tình trạng nghiêng lún của các tháp B3, B5… Ông Nguyễn Công Hường – Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn thừa nhận, sự gia tăng du khách đến Mỹ Sơn hàng năm là tín hiệu đáng mừng nhưng tác động của du lịch đến di tích là điều không thể tránh khỏi vì Mỹ Sơn là một phế tích.
Với phố cổ Hội An, tuy chưa có những công trình nghiên cứu khoa học cụ thể về tác động tiêu cực của du lịch đến di tích, nhưng vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo liên tục. Theo ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản Hội An, ảnh hưởng, tác động từ phát triển du lịch đến di sản là nhiều nhất. Thể hiện rõ nét trong việc chuyển dịch thay đổi về cơ cấu dân cư khi nhiều hộ dân trong phố cổ đã chuyển nhượng, cho thuê hoặc biến ngôi nhà của mình thành điểm kinh doanh buôn bán. Cùng với đó các công năng, sinh hoạt truyền thống trong ngôi nhà cũng bị thay đổi để phục vụ mục đích kinh doanh. Thống kê từ năm 1999 (khi phố cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới ) đến nay cho thấy đã có khoảng 270 ngôi nhà trong phố cổ đã được cho thuê hoặc chuyển nhượng. “Điều này sẽ làm biến dạng kiến trúc nhà cổ do những thay đổi công năng sử dụng để phù hợp với nhu cầu kinh doanh buôn bán” – ông Trung phân tích.
THÂN VĨNH LỘC