Thanh Hà bàn giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính

Sáng 11/7, Đảng ủy phường Thanh Hà tổ chức hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn phường.

Thời gian tới, phường Thanh Hà nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC

Dự hội nghị có đại biểu BTV Thành ủy Hội An, Thường trực HĐND, UBND thành phố và các cơ quan liên quan; tập thể BCH Đảng bộ phường Thanh Hà, trưởng và phó các ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội phường, cán bộ, công chức, người lao động UBND phường, chi ủy 12 chi bộ trực thuộc đảng ủy phường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Đề án về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn phường Thanh Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; báo cáo tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa phường Thanh Hà,về nỗ lực trong công tác CCHC và triển khai thực hiện Đề án 06 của Công an phường, tuổi trẻ phường Thanh Hà chung tay trong CCHC.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh CCHC tại Thanh Hà trong thời gian đến. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo nhiều nội dung có liên quan.

PHAN SƠN

Hội An phấn đấu 100%  thôn, khối phố có tổ công nghệ số cộng đồng

UBND TP.Hội An vừa ban hành kế hoạch triển khai tổ công nghệ số cộng đồng ở 13 xã, phường trên địa bàn thành phố năm 2024.

Trong đó, tùy theo đặc thù, mỗi thôn, khối phố có ít nhất 1 tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.

Các xã, phường thành lập, củng cố, kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng thôn, khối phố gồm lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên cùng các thành phần khác như cán bộ xã, phường, công an, trưởng thôn, khối phố, đảng viên, hội nông dân, hội phụ nữ, mặt trận, tổ dân phố, nhân viên doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số với ít nhất 4 thành viên/tổ.

Đoàn thanh niên xã Cẩm Thanh hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến .
Ảnh: PHAN SƠN

Thành phố sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ công nghệ số cộng đồng về kỹ năng thông tin tuyên truyền, các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, ứng dụng VNeID và các ứng dụng trên app chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam; kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản.

Năm 2024, Hội An cũng phấn đấu có 80% số hộ gia đình trong thôn, khối phố được tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn triển khai cài đặt các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; 50%  hộ gia đình có thành viên cài đặt app công dân số (Smart Quảng Nam) và có thành viên có tài khoản thanh toán điện tử.; 30%  hộ gia đình có thành viên có chữ ký số.

PHAN SƠN

Cẩm Nam thực hiện mô hình “Một cửa thân thiện, chuyên nghiệp”

Sáng 14/6, UBND phường Cẩm Nam tổ chức ra mắt mô hình “Một cửa thân thiện, chuyên nghiệp”.

Khẩu hiệu của mô hình “Một cửa thân thiện, chuyên nghiệp” là dân đến – chào hỏi, dân lưu lại – niềm nở, dân hỏi – tư vấn, dân trình bày – lắng nghe, dân cần – nhanh chóng, dân chờ – xin lỗi, dân về – hài lòng.
Cạnh đó, UBND phường Cẩm Nam cũng sẽ đảm bảo cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận & trả kết quả (Bộ phận một cửa); thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định 61 ngày 24/3/2018 và Nghị định 107 ngày 06/12/2021 của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC được giao liên quan đến Bộ phận một cửa của phường; tiếp tục triển khai thực hiện “Ngày thứ sáu không hẹn, không viết” trong giải quyết TTHC; thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa thông qua quét mã QR trên Zalo.

Ngoài ra, phường Cẩm Nam còn chú trọng hướng dẫn điền thông tin vào các biểu mẫu liên quan đến các TTHC thường xuyên phát sinh tại bộ phận TN&TKQ phường; hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tuyến; giới thiệu mô hình “Một cửa thân thiện, chuyên nghiệp”; thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ cho tổ chức, cá nhân tại Bộ phận một cửa vào buổi sáng các ngày làm việc trong tuần (riêng ngày thứ 6 là cả ngày), còn lại xử lý công việc chuyên môn.

PHAN SƠN

Hội An đẩy mạnh thực hiện văn hóa công vụ

Thời gian qua, TP.Hội An chú trọng tăng cường thực hiện văn hóa công vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC).

Hội An kiểm tra về thực hiện văn hóa công vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức

Mới đây, Đoàn kiểm tra của TP.Hội An tiến hành kiểm tra về thực hiện văn hóa công vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) tại Phòng Quản lý đô thị. Theo ông Võ Duy Trung – Phó Trưởng phòng, thời gian qua, lãnh đạo đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp về kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong cơ quan. Hầu hết cán bộ, công chức luôn nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, tận tụy phục vụ nhân dân.

Tính từ ngày 1/1/2023 đến tháng 5/2024, Phòng Quản lý đô thị TP.Hội An đã giải quyết 1.799 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực xây dựng, cấp phép xây dựng. Trong đó, hồ sơ giải quyết trước hạn 1.405 hồ sơ; hồ sơ đúng hạn có 20 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 95,22 %. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn vẫn còn, chất lượng giải quyết TTHC đôi lúc vẫn còn sai sót trong công tác tham mưu.

“Thời gian đến, Phòng Quản lý đô thị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh công tác giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức đảm bảo chất lượng và thời gian quy định” – ông Võ Duy Trung nói.

TP.Hội An chú trọng tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của CBCCVCNLĐ

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Đoàn kiểm tra của TP.Hội An sẽ tiến hành kiểm tra tại tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường. Trong đó, phương pháp kiểm tra gồm thông báo trước; kiểm tra đột xuất; kiểm tra theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố hoặc theo thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức.

Nội dung kiểm tra báo trước bao gồm việc triển khai các văn bản về văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của CBCCVCNLĐ trong cơ quan, đơn vị, địa phương; vai trò của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ và thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của CBCCVCNLĐ; việc thực hiện văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ.

Cạnh đó là việc thực hiện các phiếu chuyển và nhiệm vụ, công việc được UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao; việc thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết TTHC, dịch vụ công đối với cá nhân, tổ chức; việc thực hiện quy định liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư của cơ quan, đơn vị; việc phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (nếu có).

Theo ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc kiểm tra nhằm góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; đồng thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện văn hóa công vụ; đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC, trong quản lý, sử dụng CBCCVCNLĐ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC của công dân.

“Thông qua hoạt động kiểm tra thành phố cũng hướng tới nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố trong việc tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư; tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của CBCCVCNLĐ” – ông Nguyễn Minh Lý nói.

Mới đây, UBND TP.Hội An đã quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của CBCCVCNLĐ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) thành phố và xã, phường. Trong đó, quy tắc ứng xử chung của CBCCVCNLĐ tại bộ phận một cửa quy định về thời gian làm việc; trang phục, tác phong; ý thức tổ chức kỷ luật; quy tắc ứng xử thực thi công vụ, nhiệm vụ; ứng xử của CBCCVCNLĐ tại cơ quan, đơn vị.

Cạnh đó, UBND TP.Hội An cũng quy định cụ thể các quy tắc giao tiếp của CBCCVCNLĐ tại bộ phận một cửa; ứng xử của CBCCVCNLĐ tiếp nhận, giải quyết TTHC; ứng xử của trưởng bộ phận một cửa; ứng xử của nhân viên hướng dẫn hoặc nhân viên dịch vụ khác.

PHAN SƠN

TP.Hội An khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

UBND TP.Hội An đang triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024.

Các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa thành phố sẽ được chọn khảo sát

Mục đích nhằm tạo điều kiện để người dân, tổ chức phát huy vai trò giám sát và tham gia vào công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền các cấp. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được các thông tin khách quan về nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, nhu  cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên sự cảm nhận của người dân, từ đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà  nước và sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Đối tượng khảo sát là công dân ở độ tuổi đủ 18 tuổi trở lên và đại diện tổ chức đã thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa thành phố (bao gồm tất cả các lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hội An) cũng như UBND các xã, phường đã nhận kết quả từ ngày 1/1 đến ngày 30/9/2024

Thành phố tiến hành chọn mẫu khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân theo phương pháp chọn ngẫu nhiên với số lượng phiếu khảo sát dự kiến là 1.730 phiếu. Trong đó, mỗi xã, phường chọn 90 phiếu. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hội An, UBND thành phố sẽ phân bổ số lượng phiếu phù hợp căn cứ vào cá nhân, tổ chức giao dịch TTHC.

ĐỖ HUẤN

Hội An ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

UBND TP.Hội An vừa quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB,CC,VC,NLĐ) trong thi hành nhiệm vụ, công vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các xã, phường (Bộ phận một cửa).

TP.Hội An chú trọng xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVCNLĐ.
Ảnh: PHAN SƠN

Theo đó, các quy tắc ứng xử chung của CB,CC,VC,NLĐ tại Bộ phận một cửa về thời gian làm việc; trang phục, tác phong; ý thức tổ chức kỷ luật; thực thi công vụ, nhiệm vụ; ứng xử tại cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể. Trong đó, quy tắc ứng xử thực thi công vụ, nhiệm vụ có những nội dung như tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích rõ ràng những thắc mắc của tổ chức và công dân; thực hiện “4 xin, 4 luôn” gồm xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Cạnh đó, UBND thành phố cũng quy định các quy tắc giao tiếp của CB,CC,VC, NLĐ tại Bộ phận một cửa; quy tắc ứng xử của CB,CC,VC,NLĐ khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; quy tắc ứng xử của Trưởng Bộ phận Một cửa; ứng xử của nhân viên hướng dẫn hoặc nhân viên dịch vụ khác.

Việc ban hành quy tắc ứng xử nhằm xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB,CC,VC,NLĐ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội; xây dựng nền hành chính phục vụ, minh bạch và hiệu quả.

Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi CB,CC,VC,NLĐ vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.

PHAN SƠN

Hội An triển khai các mô hình, giải pháp cải cách hành chính

UBND TP.Hội An vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị và UBND xã, phường triển khai thực hiện các mô hình, giải pháp trong công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện với phương châm “Hiểu dân để đồng hành, gần dân để sẻ chia, nghe dân để hành động”;

Hội An nhân rộng và triển khai các mô hình CCHC với phương châm “Hiểu dân để đồng hành, gần dân để sẻ chia, nghe dân để hành động”

Trong đó, tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, giải pháp trong công tác CCHC tại 100% xã, phường trên địa bàn thành phố gồm mô hình “Ngày giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không hẹn”; “Niêm yết TTHC bằng mã QR ”; “Fanpage trên mạng xã hội Facebook tương tác giữa chính quyền với người dân”;  “Tổ công nghệ đồng hành cùng người dân và tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.

Cạnh đó, xây dựng nội dung chi tiết để triển khai thực hiện các mô hình phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương gồm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; “Công dân không viết gắn với dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC”; “Khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng dịch vụ hành chính bằng hình thức quét mã QR trên ứng dụng Zalo”; “Nhân dân TP.Hội An đồng hành cùng chính quyền trong giải quyết TTHC”.

Ngoài ra, UBND TP.Hội An cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và tổ chức về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

PHAN SƠN

Hội An giảm bớt những thủ tục hành chính

Thời gian qua, TP.Hội An tập trung đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, điều chỉnh hoặc giảm bớt những thủ tục, thành phần hồ sơ không cần thiết, góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện giao dịch hành chính.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã phường hỗ trợ, giảm bớt TTHC cho tổ chức, công dân

Trên lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, thành phố đã cắt giảm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết ở nước ngoài từ 12 ngày còn 10 ngày; cấp xã phường cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đăng ký nuôi con nuôi trong nước từ 30 ngày xuống 25 ngày; thủ tục đăng ký lại kết hôn, thủ tục đăng ký lại khai sinh từ 5 ngày còn 2 ngày; các thủ tục đăng ký kết hôn, cấp chứng nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày còn 1 ngày; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi thời gian giải quyết TTHC từ 3 ngày còn 1 ngày…

ĐỖ HUẤN

Từng bước số hóa dữ liệu đa dạng sinh học trong Khu sinh quyển

Số hóa dữ liệu đa dạng sinh học là bước đầu thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Kiểm soát tham quan bằng thẻ điện từ

Mở cổng kiểm soát điện từ

Để quản lý lượng khách đến tham quan vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, tháng 4.2017, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tham mưu UBND TP. Hội An “Phê duyệt phương án kiểm soát phí tham quan vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An bằng hệ thống thẻ điện từ”.

Sau gần 1 tháng thử nghiệm, từ 15.5.2018, Trạm kiểm soát khách tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An bằng hệ thống thẻ điện từ chính thức hoạt động.

7 cổng kiểm soát và hệ thống máy kiểm soát được lắp đặt tại bến Cửa Đại, phát hành 3 loại thẻ điện từ: Màu xanh đậm dùng cho khách mua phí tham quan 100%, màu vàng giảm phí 50% và màu đỏ miễn phí; riêng người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) được ra vào tự do. Cổng được kích hoạt đóng mở trong 3 giây, 1 phút đóng mở 20 lần và 1 giờ 1.200 lần, tương đương với 1.200 lượt khách. Kinh phí đầu tư hệ thống này 1,7 tỉ đồng, đủ khả năng phục vụ khoảng 3.000 khách trong mỗi buổi sáng.

Khi mới đưa vào thực hiện, một số phương tiện truyền thông, du khách và các hướng dẫn viên góp ý là thẻ không được dán decal, sau một thời gian sẽ bị tróc sơn, mờ chữ, mất thẫm mĩ; trên trên thẻ nên ghi rõ là thẻ tham quan; số lượng thẻ vẫn còn hạn chế do có những hôm khách đông không đủ thẻ hoặc do chưa kịp tổng kết lại thẻ của ngày hôm trước,…

Ông Lê Công Tuấn – Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sau gần 7 năm, hệ thống thẻ điện từ đã phục vụ gần 1,8 triệu lượt khách tham quan Cù Lao Chàm, trong đó khách mua phí trên 1,6 triệu lượt với gần 300 nghìn lượt khách quốc tế, khách miễn phí theo quy định trên 130 nghìn lượt, thu về cho ngân sách Nhà nước gần 109 tỉ đồng. Với những tính năng thông minh, tiện lợi, Trạm kiểm soát bằng thẻ điện từ đã phát huy hiệu quả.

Ứng dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART

Từng bước chuyển đổi số

Số hóa dữ liệu đa dạng sinh học là bước đầu thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ chính yêu cầu nhiệm vụ trong Khu sinh quyển. Vì thế, khi rà soát, ghi nhận sự phân bố các giống loài (hình ảnh, mẫu vật)…, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã từng bước số hóa các thông tin này, tạo thuận lợi cho công tác truy xuất, cập nhật, bổ sung…

Năm 2019, đơn vị phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm (thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID tài trợ). Kết quả đã thống kê, định danh được 624 loài thực vật thuộc 418 chi và 130 họ (bổ sung thêm 23 họ và 105 loài) cho khu hệ thực bậc cao trên cạn tại Cù Lao Chàm, trong đó có một trong những công trình nghiên cứu về bướm đầu tiên tại đây.

 “Kết quả kiểm kê là dữ liệu thông tin khoa học quý giá, miêu tả toàn cảnh về sinh thái học trên các đảo, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi,  đồng thời là tiền đề của quá trình xúc tiến lập dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm” – Ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết.

Với sự hợp tác quốc tế, hơn 2 năm vận hành thử nghiệm ứng dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra – SMART tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, SMART đã tạo sự thuận lợi trong công tác tuần tra trên biển, chủ động và khoa học hơn trong báo cáo, xác định xu hướng khai thác của ngư dân, cán bộ bảo tồn đã ứng dụng sâu rộng trên các tuyến và hình thức tuần tra.

Thêm nữa, công cụ quản lý dữ liệu SMART và sử dụng GPS tiếp tục lắp đặt, vận hành lại hệ thống camera theo dõi các hoạt động trên biển. Đến nay đã lắp đặt 8 bẫy ảnh trên đảo Hòn Lao theo dõi sự xuất hiện của các động vật hoang dã, phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, theo dõi các trường hợp xâm hại, khai thác trái phép…

Ông Lê Hoài Thanh, chuyên viên tư vấn của Viện chiến lược chuyển đổi số (DTSI) trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, tháng 11.2023, Viện đã giới thiệu bộ sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số cho Khu sinh quyển.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống phần mềm du lịch thông minh kết nối cung cấp thông tin về bán phí và kiểm soát phí tham quan, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang tham mưu cho UBND TP. Hội An phê duyệt, triển khai phương án chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu về Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An trong năm 2024./.

QUỐC HẢI

Hội An nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06

UBND TP.Hội An vừa ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) trên địa bàn năm 2024.

Hội An tiếp tục tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn trong năm 2024

Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo lộ trình, tạo tiền đề hoàn thành thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2022 – 2025 và duy trì trong những năm tiếp theo.
Trong đó, cùng với xây dựng kế hoạch năm 2024, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và UBND các xã, phường tổ chức thực hiện 9 nhóm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) mà Đề án đề ra giai đoạn 2023 – 2025; phối hợp xây dựng phương án đồng bộ dữ liệu con người theo phạm vi quản lý về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; duy trì bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống giải quyết TTHC các cấp phục vụ việc xác thực thông tin công dân qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng quy định; rà soát bổ sung các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Cạnh đó, phối hợp thúc đẩy việc cấp tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; thực hiện hiệu quả 43 mô hình Đề án 06 theo kế hoạch của UBND tỉnh; phối hợp với Bưu điện Hội An triển khai hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền về sản phẩm cho vay tín chấp không tài sản bảo đảm của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại.

PHAN SƠN

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.