Nhìn lại “Đêm phố cổ thu nhỏ”

hử nghiệm từ năm 1998, đến nay Hội An đã tổ chức thành công hơn 200 “Đêm phố cổ” định kỳ và hơn 50 “Đêm phố cổ thu nhỏ”, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình “Đêm phố cổ thu nhỏ” đang gặp phải phản ứng của du khách và doanh nghiệp.

Một góc “Đêm phố cổ thu nhỏ”.Ảnh: QUỐC HẢI
Một góc “Đêm phố cổ thu nhỏ”.Ảnh: QUỐC HẢI

Sản phẩm du lịch độc đáo

“Đêm phố cổ thu nhỏ” là sản phẩm văn hóa du lịch riêng có của Hội An bên cạnh “Đêm phố cổ” thực hiện định kỳ. Với việc tái hiện và thu nhỏ hình ảnh phố cổ đầu thế kỷ XX cùng các hoạt động chợ đêm, hô hát bài chòi, thả hoa đăng trên sông Hoài, âm nhạc đường phố, ẩm thực truyền thống… từ năm 2008 đến nay, Hội An đã tổ chức 35 đêm phố cổ thu nhỏ tại khu vực vòng cung Chùa Cầu, phục vụ hơn 3.000 lượt khách Pháp, Nhật, Úc, Anh, Nga và khách nội địa. Thành phố cũng đã tổ chức 10 đêm phố cổ đột xuất và thử nghiệm phục vụ công tác ngoại giao và các sự kiện tại Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Tham dự “Đêm phố cổ thu nhỏ”, nhiều du khách ấn tượng vì được sống trong không gian cổ xưa với tiệc buffet đường phố.

Tháng 5 năm 2012, “Đêm phố cổ thu nhỏ” là một trong những hoạt động đầu tiên trong chương trình xúc tiến quảng bá phố cổ Hội An và tiềm năng du lịch Quảng Nam đến thị trường Nga. Hơn 100 du khách và đoàn famtrip gồm 30 hãng lữ hành, các cơ quan báo chí và công ty du lịch đến từ nước Nga đã được thưởng thức nghệ thuật bài chòi, học hát dân ca, cờ tướng thư pháp và các món ẩm thực Quảng Nam. Ngay cả Trung tâm Lữ hành Hội An (Hoi An Travel) cũng đã xây dựng hẳn một chương trình tour mang tên “Dinner Street” để chào bán cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau nhiều lần đặt hàng với Trung tâm VH-TT thành phố thực hiện chương trình, ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Hoi An Travel băn khoăn: “Đơn vị lữ hành chúng tôi làm nhiều chương trình phố cổ thu nhỏ cho các thị trường khách quốc tế, khách MICE. Khách này có thu nhập cao và rất thích đêm phố cổ thu nhỏ của Hội An xung quanh Chùa Cầu. Công ty cũng như Trung tâm VH-TT thành phố làm rất tốt nhưng gần đây chi phí rất cao, đầu vào mà cao thì rất khó bán. Bây giờ tính hai nghìn mấy đô la trong một đêm thì doanh nghiệp chúng tôi không thể làm được. Khi không làm thì mất sản phẩm du lịch, mất đêm Chùa Cầu thì hình ảnh Hội An cũng không quảng bá được”.

Cần đảm bảo quyền lợi cho du khách

Chứng kiến một “Đêm phố cổ thu nhỏ” tổ chức cuối tháng 3 vừa qua mới biết, từ khoảng 15 giờ chiều, đoạn đường vòng cung Chùa Cầu từ đầu cầu An Hội lên đến chân Chùa Cầu đã bị cắt đường, hai đầu được dựng 2 cổng chào với bảng ghi “Khu vực tổ chức sự kiện – Cảm ơn” kèm theo tiếng Anh “Private Area – Thank you”. Nhiều du khách muốn vào khu vực này đều bị chặn lại. Có du khách cho rằng: “Chúng tôi đã mua vé trọn gói vào tham quan khu phố cổ nhưng đến đây lại không được vào và cũng không được thông báo trước. Tôi chỉ muốn chụp một tấm hình lưu niệm từ vòng cung này nhìn lên Chùa Cầu mà thôi!”. Thêm nữa, tại 2 cổng chào, ngoài hướng dẫn viên, kiểm soát viên của phố cổ còn có bảo vệ của doanh nghiệp và 2 dân quân tự vệ mặc đồng phục đứng gác. Dù không phản ứng gay gắt nhưng nhiều du khách tỏ vẻ ái ngại.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An (đơn vị tổ chức) thừa nhận, trung tâm đã thực hiện việc cắt đường, hạn chế du khách qua lại khu vực vòng cung Chùa Cầu ngay từ chiều để đơn vị tổ chức triển khai công tác chuẩn bị cho sự kiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị chưa hề nhận sự phàn nàn nào của du khách. “Mỗi lần tổ chức chúng tôi huy động lực lượng hơn 20 người. Chúng tôi cũng chọn không gian vừa đảm bảo phục vụ cho du khách vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân. Tất nhiên, do công tác chuẩn bị cũng phải dành một thời gian, có lúc từ 15 giờ nhưng thường từ 19 giờ mới bắt đầu. Đây là điểm tổ chức sự kiện đã có đơn đặt hàng, bấy giờ lượng khách đi vào tham quan ban đêm cũng không nhiều và chúng tôi cũng dành những tuyến đường thuận lợi để khách đi vào tham quan, đồng thời bố trí lực lượng giỏi ngoại ngữ để giải thích. Khi có khách đến hỏi hoặc muốn đi qua khu vực đó thì giải đáp cặn kẽ và đến hiện tại, tôi chưa nghe một sự phản ứng nào của du khách” – bà Nhung nói. Về giá cả thực hiện một chương trình, bà Nhung cho biết thêm, trước đây, bình quân một lần tổ chức “Đêm phố cổ thu nhỏ” cho đoàn khách dưới 100 người từ 600 đến 800USD với thời lượng khoảng 2 tiếng rưỡi. Tuy nhiên, do giá cả thị trường tăng nên hàng năm trung tâm điều chỉnh tăng. “Về giá thì do thị trường giá cả tăng hàng năm nên cứ mỗi năm chúng tôi tăng lên 20%. Hiện nay giá 1.800USD cho 100 khách trở xuống”.

Trước thực tế nảy sinh trong việc tổ chức “Đêm phố cổ thu nhỏ”, nhiều ý kiến cho rằng Trung tâm VH-TT Hội An cần tiếp thu, lắng nghe và có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Mỗi lần tổ chức sự kiện theo đơn đặt hàng hoặc phục vụ nhiệm vụ ngoại giao, Hội An cần thông báo cho du khách biết trên hệ thống loa trong khu phố cổ hoặc thông qua hướng dẫn viên ngay tại các điểm bán vé tham quan. Công tác giữ gìn trật tự trong khu vực phải thực hiện mềm mỏng, đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần giải thích mục đích một cách cặn kẽ, rõ ràng khi du khách có nhu cầu đi qua khu vực trong thời gian diễn ra sự kiện.

QUỐC HẢI

 

Khai thác bào ngư ở Cù Lao Chàm Thiếu bền vững

Là loại thực phẩm bổ dưỡng, được du khách ưa chuộng, bào ngư ở Cù Lao Chàm (Hội An) đang bị khai thác quá mức. Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp thì nguy cơ cạn kiệt loài hải sản này là không thể tránh khỏi.

Bào ngư là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, do cấu tạo vỏ có tầng xà cừ óng ánh với nhiều màu sắc, nên bào ngư còn được sử dụng làm đồ trang sức, khảm xà cừ trong kỹ nghệ tranh sơn mài. Bào ngư phân bố hầu hết ven các đảo của Cù Lao Chàm và là loại đặc sản ưa chuộng của du khách. Theo phản ánh của ngư dân Cù Lao Chàm, hằng năm từ tháng 3 đến tháng 5, bào ngư xuất hiện với mật độ cao. Mùa vụ khai thác bào ngư tập trung từ tháng 3 đến tháng 8. Đây là mùa khách du lịch đến tham quan và sử dụng thực phẩm bào ngư tại Cù Lao Chàm. Trong mùa khai thác chính, các thợ lặn thường hoạt động hết công suất, có thời điểm mỗi thợ lặn hoạt động lên đến 25 ngày/tháng.

Cần quản lý khai thác hợp lý bào ngư Cù Lao Chàm để không làm cạn kiệt loài hải sản có giá trị này. Ảnh: Đ.H
Cần quản lý khai thác hợp lý bào ngư Cù Lao Chàm để không làm cạn kiệt loài hải sản có giá trị này. Ảnh: Đ.H

Giá trị kinh tế cao

Bào ngư khai thác tại Cù Lao Chàm được tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Trong đó phần lớn là phân phối trực tiếp cho các đầu nậu hoặc các nhà hàng tại đảo. Thịt bào ngư mềm, mùi vị thơm ngon, có hàm lượng protein cao (23 – 24%). Giá trị kinh tế thu được từ hoạt động khai thác bào ngư rất lớn. Theo cách tính của nhóm nghiên cứu do bà Dương Thị Thu Đông (Khoa Sinh – môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và TS.Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) phụ trách, thu nhập bình quân đầu người từ hoạt động khai thác bào ngư trong năm 2014 của ngư dân đạt khoảng 70 triệu đồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở vùng biển Cù Lao Chàm hiện có 2 loài bào ngư gồm bào ngư bầu dục (có tên khoa học là Haliotis ovina Gmelin, 1791) và bào ngư dài (Haliotis varia Linne, 1758). Trong 2 loài bào ngư được ghi nhận thì loài bào ngư bầu dục hiện nằm trong Danh lục động vật sách đỏ Việt Nam 2007 đang trong tình trạng nguy cấp. Bào ngư ở vùng biển này phân bố hầu hết ven các đảo. Chúng thường sống bám ở san hô hay kẽ đá của các rạn đá tảng nhô ra biển nơi nước trong, sóng vỗ, độ mặn ổn định và độ oxy hòa tan cao. Trong 2 loài bào ngư thì chỉ có loài bào ngư dài phân bố với mật độ trung bình cao (3,7 cá thể/m2) và cung cấp sản lượng vào khoảng hơn 5.327kg/năm, chiếm tỷ lệ gần 83,5% tổng sản lượng bào ngư được khai thác tại đảo. Loài bào ngư bầu dục có mật độ phân bố trung bình thấp hơn nhiều so với bào ngư dài (1,1 cá thể/m2), vì vậy cung cấp sản lượng thấp với khoảng 1.053kg/năm. Hiện tại kích thước bào ngư bầu dục được khai thác dao động 29 – 84mm, trong đó nhóm chiếm ưu thế có kích thước 45 – 65mm. Kích thước bào ngư dài được khai thác dao động 23 – 60mm, trong đó nhóm chiếm ưu thế có kích thước 35 – 48mm.

Cần quản lý chặt chẽ

Ngoài 2 loài bào ngư này, ở vùng biển Cù Lao Chàm còn có loài bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linne, 1758). Theo Bộ NN&PTNT xác định từ năm 2008, loài bào ngư vành tai là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng lớn, và trong suốt thời gian nghiên cứu (từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2014) không bắt gặp cá thể bào ngư vành tai nào. TS.Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói: “Điều này cho thấy mức độ suy giảm nghiêm trọng đối với loài bào ngư này trong tự nhiên. Để phục hồi và bảo tồn loài bào ngư vành tai ở Cù Lao Chàm, cần nghiên cứu giải pháp bảo tồn nguồn gen đối với loài bào ngư này. Ngoài ra cần lặp lại nghiên cứu về bào ngư vành tai trong thời gian tới để xác định chính xác loài này có còn trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hay không”.

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả Dương Thị Thu Đông và Chu Mạnh Trinh kiến nghị, trước mắt cần quản lý việc khai thác bào ngư trên cơ sở mùa vụ sinh sản và kích thước sinh dục lần đầu của bào ngư. Đối với bào ngư bầu dục, cần cấm khai thác trong tháng 3, tháng 4 và tháng 8, vì đây là thời gian đẻ rộ của chúng. Kích thước bào ngư bầu dục được phép khai thác phải lớn hơn 44mm, vì đây là kích thước sinh dục lần đầu. Đối với bào ngư dài, cần cấm khai thác trong tháng 4, tháng 5 và tháng 8. Kích thước bào ngư dài được phép khai thác phải lớn hơn 34mm. Đối với bào ngư vành tai, cần nghiêm cấm khai thác trong khu bảo tồn. Đồng thời trong thời gian tới cần có nghiên cứu về tác động của các yếu tố môi trường đến hoạt động sống của bào ngư, nghiên cứu về giá trị tăng thêm từ nguồn lợi bào ngư khai thác được ở Cù Lao Chàm khi mà lượng du khách đến với đảo đã đạt con số hơn 200.000 lượt người/năm.

ĐỖ HUẤN

Tạo sản phẩm du lịch từ yến?

Yến là loài chim quý sống trên đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Yến sào là đặc sản ẩm thực giàu dinh dưỡng và cao cấp, từng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố và tỉnh. Tuy nhiên đặc sản này đến nay vẫn chưa phát triển thành sản phẩm du lịch.

Du khách tham quan hang yến Cù Lao Chàm.
Du khách tham quan hang yến Cù Lao Chàm.

Chỉ là mặt hàng thương mại

Yến sào còn thường được gọi là tai yến, kết tinh từ những sợi nước miếng màu trắng hồng được đan dính vào nhau, khô lại thành những tổ yến hình nửa quả cầu, trông tựa vành tai ngoài. Vì giàu dinh dưỡng nên yến sào là loại thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe tốt cho con người. Hàng trăm năm trước, yến sào được coi như một mặt hàng đặc sản của xứ Đàng Trong, là một trong số loại hàng xuất khẩu chủ yếu từ thương cảng Hội An, được khai thác từ những hòn đảo ven biển Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Song, yến sào Hội An, khai thác từ Cù Lao Chàm được đánh giá là quý hơn. Những tai yến xếp chồng lên nhau được cột bằng sợi dây ngô đồng – loài cây đặc biệt riêng có ở đảo này, làm say lòng những lái buôn từ các nước đến giao thương buôn bán… Theo một số bậc lão làng hiểu nghề, cách đây vài trăm năm 1 tạ yến sào trị giá tương đương hơn 10 tạ hồ tiêu hoặc 1 tấn đường trắng. Ngày nay nhờ những công dụng của yến sào trong ẩm thực và y học nên giá trị càng cao gấp nhiều lần. Một ký yến sào loại tốt giá vài ngàn đô la Mỹ. Chính vì thế mà có người gọi yến sào là vàng trắng.

Nhiều năm qua, chính quyền và các ngành chức năng của thành phố luôn tìm tòi học hỏi, cải tiến các điều kiện sinh tồn của chim yến, thay đổi cách thức chăm sóc, khai thác để bảo vệ, phát triển đàn chim, ổn định và nâng cao sản lượng thu hoạch; đồng thời không ngừng nỗ lực tìm nhiều cách tiếp cận thị trường, mở rộng mạng lưới bán buôn, đa dạng hình thức tiêu thụ để góp phần tăng thu cho ngân sách thành phố. Song với giá trị quý hiếm mà “trời ban cho”, việc tiêu thụ mặt hàng yến sào Cù Lao Chàm dường như luôn “thuận buồm xuôi gió” (ngoại trừ năm 2012 – bị tồn kho với lượng khá lớn). Yến sào Hội An vì vậy chỉ là mặt hàng mang tính thương mại. Chỉ tính trong năm 2014, phần thu lợi nhuận vào ngân sách thành phố sau khi tính thuế từ sản phẩm yến sào đạt khoảng 28 tỷ đồng.

Tạo ra nhu cầu

Với một sản phẩm đặc trưng, hiếm có ở vùng biển đảo thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đang phát triển nhanh và đầy lạc quan về du lịch, nếu chỉ dừng lại với giá trị thương mại hiện có như vậy quả là chưa thể hài lòng. Theo ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An, chưa tạo yến sào thành một sản phẩm du lịch, một sản phẩm mới về ẩm thực, về ngư nghiệp thể hiện sự yếu kém của các nhà quản lý và làm du lịch ở Hội An. Ông Sự nói: “Đôi lúc bán lẻ cũng chỉ bằng bán chẵn nhưng chí ít khách cũng biết rằng chỉ có đến với Hội An mới được ăn yến Hội An thiệt, chỉ có đến Hội An mới mua được cái tai yến đem về tặng cho cha mẹ, người thân của mình. Bán lẻ 100 cái cũng bằng bán chẵn 100 cái, thế cũng tốt nhưng 100 cái bản lẻ này phải quảng bá cho được 100 người để người ta về nói lại về yến Hội An và tạo ra một nhu cầu ngay tại Hội An”.

Trong năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Đội quản lý khai thác yến sào Hội An phối hợp với các ngành chức năng nỗ lực mở thêm được 3 điểm bán lẻ yến sào tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm) và trong khu vực phố cổ nhưng chừng đó là chưa đủ, mặt khác phương thức hoạt động cũng chưa thực sự năng động, linh hoạt nên hiệu quả cầm chừng. Trong khi đó, theo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu bảo tồn biển, hiện nay khách du lịch rất thích đến Cù Lao Chàm để được thưởng thức món ăn cua đá vì họ cho rằng đây là món đặc sản chỉ có ở nơi này dù rằng giá thành khá cao (khoảng 700 nghìn đồng/kg, mỗi ký 4 – 5 con). Thực tế, cua đá là loài sinh vật có nhiều ở vùng biển đảo nước ta nhưng nhờ chính quyền thành phố và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có các biện pháp quản lý, bảo tồn chặt chẽ, hợp lý kết hợp tốt với công tác truyền thông nên hiệu quả quảng bá được nâng cao, tạo cho cua đá trở thành sản phẩm lạ và hiếm. Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: “Hiện nay, con cua đá đã rất nổi tiếng. Một vị đại biểu từ khu Cồn Cỏ nói rằng, ở đảo Cồn Cỏ con cua này rất nhiều nhưng tại sao con cua của chúng tôi không ai biết bằng con cua Cù Lao Chàm. Đó là lý do mà chúng ta đã thành công trong việc vừa nghiên cứu vừa phát triển sinh kế và đặc biệt là công tác truyền thông”.

Công tác truyền thông, giới thiệu về yến vừa là mặt hàng thương mại vừa là sản phẩm du lịch cũng được ông Nguyễn Sự đặc biệt chú trọng. Ông Sự còn nhấn mạnh đến đặc trưng nhận diện cần lưu tâm của yến Cù Lao Chàm – Hội An: “Về mặt lịch sử, trước đây yến được gói bằng dây ngô đồng của Cù Lao Chàm. Chỉ cần một cái bao lác cột với dây ngô đồng gửi đi là người ta biết đó là yến Hội An. Tại răng bây giờ cây ngô đồng còn đầy mà không làm điều nớ được. Bao bì hồi xưa tuy đơn giản, dân dã nhưng bảo quản được lâu. Ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông khi nhận được hàng xuất qua mà thấy dây ngô đồng cột bên ngoài là biết ngay đó là yến Hội An. Một đặc trưng như vậy, rất riêng như vậy, rất dễ như vậy tại sao lâu nay chúng ta không làm được?

ĐỖ HUẤN

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.