Hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Sáng ngày 19/4, Hội Nông dân TP. Hội An phối hợp với Bưu điện Hội An tổ chức ký kết kế hoạch “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” năm 2024.

Ký kết kế hoạch hỗ trợ nông dân chuyển đổi

Hội Nông dân TP. Hội An phối hợp với Bưu điện TP. Hội An sẽ phối hợp tổ chức các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo, sự kiện; rà soát, đưa sản phẩm của nông dân Hội An lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Quốc gia Bưu điện Việt Nam (https://buudien.vn/)

Ông Nguyễn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hội An cho biết: “Mục tiêu trong năm nay thu thập thông tin của tối thiểu 120 hộ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề… để cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn TMĐT”.

Tập huấn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo đó, sẽ lựa chọn hộ nông dân sản xuất giỏi, hộ nông dân sản xuất quy mô. Nhóm hộ nông dân sản xuất hàng hoá chủ yếu để bán, bao gồm: Hộ chỉ thuần tuý sản xuất nông nghiệp. Hộ chuyên làm các ngành nghề như cơ khí, mộc nề, rèn, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ, dệt, may, làm dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp. Hộ vừa làm nông nghiệp vừa làm nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng thu nhập từ nông nghiệp là chính. Tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân.  

Sản phẩm là các loại nông sản hàng hóa gồm các loại nông sản an toàn, chất lượng do người nông dân sản xuất ra với mục đích bán ra thị trường; ưu tiên các sản phẩm nông sản, hàng hóa an toàn, chất lượng như có giấy chứng nhận Viet Gap, Global Gap, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Sản phẩm OCOP; sản phẩm công  nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề cùng các loại sản phẩm hàng hóa khác do người nông dân/hộ gia đình sản xuất ra để bán.

Hội Nông dân TP. Hội An phối hợp với Bưu điện Hội An sẽ tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua chuyên mục phát thanh nông dân Hội An và mạng xã hội để tuyên truyền tới các hộ nông dân tại địa phương về lợi ích khi tham gia sàn TMĐT. Khi tham gia sàn TMĐT này, người tham gia được miễn phí toàn bộ các loại phí; được hỗ trợ đăng ký công cụ thanh toán điện tử (ví điện tử PostPay, tài khoản ngân hàng) kèm theo chính sách hỗ trợ, đào tạo hướng dẫn sử dụng; hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; được hưởng chính sách vận chuyển, logistic ưu đãi đặc biệt; được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quyết định số 100 ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ làm gia tăng giá trị sản phẩm và được đào tạo miễn phí kỹ năng bán hàng trực tuyến.

Bà Đinh Thị Thanh Tú – Giám đốc Bưu điện TP. Hội An cho biết: “Bưu điện sẽ phối hợp triển khai sáng kiến phổ cập kỹ năng số cho người nông dân, cho các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) theo hướng tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông cơ sở; chủ trì cập nhật thông tin hộ SXNN lên sàn giao dịch thương mại điện tử Quốc gia Bưu điện Việt Nam; tạo và giao tài khoản giao dịch, gian hàng trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN trên địa bàn theo danh sách được Hội Nông dân thành phố cung cấp. Bưu điện cũng chủ trì công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cơ sở để thực hiện các nội dung kế hoạch; triển các chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đưa lên sàn TMĐT…”

Dịp này, gần 50 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã phường cùng chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công  nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề,… trên địa bàn thành phố đã được tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Quốc gia Bưu diện Việt Nam (htttps://buudien.vn/).

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gốc tre) cho hay: “Buổi tập huấn này rất là càn thiết vì sẽ giúp mình đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Từ đó mình sẽ quảng bá và bán được sản phẩm nhiều hơn”.

Còn nông dân Nguyễn Văn Trung ở khối Trường Lệ – Phường Cẩm Châu (người sản xuất giống nếp 95 trên diện tích 5ha) cho biết: “Nếu được lên sàn buudien.vn là rất tốt. Việc chuyển đổi số giúp người nông dân mình hưởng lợi rất nhiều, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Được biết, sàn TMĐT buudien.vn (trước đây là Postmart.vn) được sáng lập vào đầu năm 2019 của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là nơi kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ổn định sản phẩm đầu ra, góp phần chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, giúp người tiêu dùng lựa chọn các nông sản, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chính gốc của 63 tỉnh thành trên cả nước./.

QUỐC HẢI

Phát hiện khai thác tôm hùm trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB)  Cù Lao Chàm – Hội An phối hợp với các lực lượng chức năng vừa phát hiện một ngư dân khai thác tôm hùm trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Phát hiện ngư dân khai thác trái phép tôm hùm- Ảnh: Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm

Ngư dân T.T.D, sinh năm 1990, tạm trú thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, TP. Hội An đang khai thác tôm hùm (bằng nghề lặn) tại khu vực Hòn Nhàn, cách thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp 6 hải lý về hướng Bắc. Lực lượng chức năng đã thu giữ 2 cá thể tôm hùm mốc nặng 0,5 kg; lập biên bản xử phạt hành chính 4 triệu đồng và thả 2 cá thể này xuống biển,

2 cá thể tôm hùm mốc nặng 0,5kg- Ảnh: Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm
Thả 2 cá thể tôm hùm về biển- Ảnh: Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm

Trước đó, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã khuyến cáo “Không khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài tôm hùm tự nhiên trong thời gian 1/4-30/5 hằng năm”.

Hành vi khai thác tôm hùm trong thời gian sinh sản là tận diệt loài, tác động tiêu cực đến nguồn lợi tôm hùm và các loài khác trong tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, sinh cảnh khu vực và ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng./.

QUỐC HẢI

HĐND TP. Hội An điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công và dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm

Chiều ngày 19/4, HĐND TP. Hội An Khóa XII đã tổ chức kỳ họp thứ 11 nhằm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2024 và điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

 Kỳ họp kỳ họp thứ 11, HĐND TP. Hội An Khóa XII

Kỳ họp đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn và danh mục đầu tư công trung hạn thuộc Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và bổ sung danh mục đầu tư công năm 2024. Trong đó, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 7,8 tỷ đồng; bổ sung 11 công trình trên địa bàn các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Tân Hiệp dự kiến trên 9.8 tỷ đồng. 

Điều chỉnh giảm danh mục đầu tư thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với 1 công trình trên địa bàn xã Cẩm Hà; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đối với danh mục đầu tư kế hoạch trung hạn 2021-2025 trên địa bàn xã Cẩm Hà và xã Tân Hiệp, đồng thời bổ sung danh mục đầu tư công 8 công trình năm 2024 với tổng mức đầu tư dự kiến trên 7,2 tỷ đồng.

Về việc điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, ông Trần Ánh – Chủ tịch HĐND TP. Hội An cho biết: Sau khi điều chỉnh, tổng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm và vùng đệm là 23.530ha, tăng 30ha (so với tổng diện tích đã được thông qua tại Nghị quyết số 06 ngày 10/3/2021 của HĐND thành phố), trong đó phần biển là 21.887,2ha và phần đảo là 1.642,8ha.

Điều chỉnh dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm

Diện tích tăng do điều chỉnh số liệu từ kỹ thuật bản đồ; cập nhật lại toàn bộ phần diện tích đất Quốc phòng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bố trí các phân khu chức năng phù hợp với các công trình quốc phòng, công trình dân sinh hiện có. Việc điều chỉnh được thực hiện theo hướng bổ sung phần diện tích rừng tự nhiên Đông Nam đảo Hòn Lao vào phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt, giảm diện tích phân khu Phục hồi sinh thái để chuyển sang phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt (phần đảo), tăng diện tích phân khu dịch vụ – hành chính và vùng đệm (phần biển, phần đảo).

Trong đó, diện tích tăng 43,6ha đối với phân khu dịch vụ – hành chính (phần đảo) tập trung chủ yếu cho nhiệm vụ bảo tồn, xây dựng vườn thực vật, trạm bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật, vùng dược liệu kết hợp các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, các công trình đã xây dựng như: nhà yến, công trình quốc phòng, công trình hồ chứa nước Bãi Bìm…

Tổng kinh phí thực hiện dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sau điều chỉnh trên 129 tỷ đồng (vốn sự nghiệp trên 62,6 tỷ đồng, vốn đầu tư là 66,6 tỷ đồng), tăng 21,5 tỷ đồng so với kinh phí đề xuất ban đầu.

QUỐC HẢI

Hội An: Hơn 700 triệu đồng Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hội LHPN TP.Hội An đã xây dựng riêng Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế với số tiền duy trì liên tục hơn 700 triệu đồng. Quỹ này được kêu gọi từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài thành phố.

Nhiều dự án khởi nghiệp của phụ nữ Hội An

Ngoài quỹ của cấp Hội thành phố, ở một số Hội LHPN cấp xã, phường cũng xây dựng quỹ riêng nhằm hỗ trợ cho chị em phụ nữ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp với số tiền khoảng 20 – 50 triệu đồng/dự án.
Bà Ngô Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch Hội LHPN TP. Hội An cho biết, rất nhiều chị em đã tiếp cận quỹ này. Đối với những dự án có quy mô lớn, nhu cầu về vốn cao thì Hội giới thiệu đến Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Từ hoạt động hỗ trợ vốn này, nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Hội An đạt những thành công nhất định./.

QUỐC HẢI

Công bố Chương trình kích cầu du lịch Quảng Nam 2024

Chiều 16/4, tỉnh Quảng Nam đã họp báo công bố chương trình kích cầu thu hút khách du lịch năm 2024 với chủ đề “Quảng Nam – Miền xanh di sản”.

Bấm nút công bố chương trình kích cầu

Chương trình diễn ra trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có chủ đề “Quảng Nam – Cảm xúc mùa hè” từ tháng 5 – 8 và giai đoạn 2 chủ đề “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 – 11. Tổng giá trị ưu đãi kích cầu khoảng 9,5 tỷ đồng, chưa tính giảm giá dịch vụ sản phẩm ăn uống, giải trí…

Đến nay, khoảng 100 doanh nghiệp tham gia chương trình, trong đó có 43 doanh nghiệp tham gia giảm giá sâu, hơn 50 doanh nghiệp tham gia chương trình chung, 15 doanh nghiệp tham quan, vui chơi, giải trí…

Nhiều gói sản phẩm lưu trú, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vui chơi giải trí,… tại Hội An cùng các điểm đến Khu phố cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và các chương trình tour “Phố cổ rêu phong”, “Hội An mùa nước nổi”,… tham gia chương trình kích cầu./.

QUỐC HẢI

Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), TP.Hội An với thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2023 sang năm 2021 – 2024.

Công trình đang được trùng tu, tôn tạo

UBND tỉnh giao chủ đầu tư là UBND TP.Hội An triển khai hoàn thành các nội dung công việc, khối lượng còn lại của dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật để nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, tiến độ tu bổ di tích Chùa Cầu bị ảnh hưởng do đây là công trình mang tính biểu tượng của đô thị di sản Hội An, trong quá trình tu bổ vẫn còn có quan điểm chưa thống nhất ở một số hạng mục cần tham vấn trước khi thực hiện.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách TP.Hội An bố trí 50%./.

QUỐC HẢI

TP. Hội An: Giữ vững chất lượng tín dụng chính sách xã hội 

3 tháng đầu năm nay, doanh số thu nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hội An đạt 21 tỷ 890 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Hội An họp đánh giá tình hình thực hiện quý I

3 tháng đầu năm nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TP. Hội An đã chủ động bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị và Ngân hàng cấp trên tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc PGD NHCSXH TP. Hội An cho biết: “Ngay từ ngày 2/1 đã tham mưu UBND thành phố chuyển vốn Ngân sách là 8 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoàn thành 104% kế hoạch giao. NHCSXH đã trích từ nguồn lãi thu được để bổ sung nguồn vốn số tiền 371 triệu đồng, đến 31/3/2024, nguồn vốn Ngân sách thành phố đạt 36 tỷ 603 triệu đồng, chiếm 13% tổng nguồn vốn”.

PGD NHCSXH đã giải quyết cho vay để xây dựng 128 công trình nước sạch và vệ sinh; 26 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 482 lao động vay vốn giải quyết việc làm, trong đó 5 dự án sản xuất các sản phẩm OCOP.

Nhiều dự án vay vốn phát huy hiệu quả

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn là 281 tỷ 507 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về 106 tỷ 580 triệu đồng, chiếm 37,86%, tăng 5 tỷ 598 triệu đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 58 tỷ 674 triệu đồng, chiếm 20,84% tổng nguồn; trong đó tiết kiệm thông qua tổ là 18 tỷ 277 triệu đồng, tăng 1 tỷ 997 triệu đồng; tiết kiệm dân cư là 40 tỷ 397 triệu đồng, tăng 1 tỷ 505 triệu đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 116 tỷ 253 triệu đồng, chiếm 41,3% tổng nguồn, tăng 16 tỷ so với đầu năm.

Hiện nay, toàn thành phố có 5.184 khách hàng vay vốn chính sách xã hội và 117 tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ; doanh số cho vay đạt 35 tỷ 130 triệu đồng, tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đạt 69,32 % kế hoạch. Đáng chú ý là doanh số thu nợ trong 3 tháng đầu năm nay đạt 21 tỷ 890 triệu đồng, tăng hơn 17,5%; tổng dư nợ là 275 tỷ 278 triệu đồng, tăng 13 tỷ 240 triệu đồng, đạt gần 98% kế hoạch dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt trên 5%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm  trước.

“Chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững, không có nợ quá hạn; nợ khoanh 153 triệu đồng, tỷ lệ 0,76 %. Trong đó, chương trình hỗ trợ tạo việc làm 105 triệu đồng; cho vay khác 40 triệu đồng và cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 8 triệu đồng. Tỷ lệ thu nợ đến hạn và thu lãi đều đạt 100% kế hoạch. 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố không phát sinh hồ sơ xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan; không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng” – Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết thêm.

Đối với hoạt động giao dịch xã phường, PGD NHCSXH TP. Hội An đã tổ chức đảm bảo theo lịch cố định hằng tháng; công khai đầy đủ hệ thống bảng, biển, các chương trình tín dụng chính sách, hộp thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng đồng thời thường xuyên quảng bá, tuyên truyền tín dụng chính sách… Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân, thu nợ đạt, thu lãi tại xã, phường đều đạt 100%.

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Hội An nói: “Nguồn vốn được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội tại Hội An”./.

QUỐC HẢI

Hội An phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng nay, ngày 16/4, TP. Hội An tổ chức lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) & Tháng Công nhân năm 2024.

Ông Nguyễn Đình Hòa – Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP. Hội An đã phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; tập trung các hoạt động chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và tài sản của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Huy động các nguồn lực, kinh phí thăm hỏi, tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho Đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh…

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật trong thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN)…

Tại lễ phát động, đại diện 10 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ký bản cam kết về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Nội dung cam kết gồm: Lập và thực hiện  kế hoạch về ATVSLĐ gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ; có bộ máy và quy định phân công, phân định trách nhiệm; xây dựng và thực hiện nghiêm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của pháp luật. Trong năm không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng; không để xảy ra cháy nổ, sự cố kỹ thuật. Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động phát động và tổ chức tốt phòng trào thi đua “Xanh-Sạch-Đẹp, đảm bảo VSATLĐ”; tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ.

“Đối với các doanh nghiệp, việc huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp là cách thức hiệu quả giúp người lao động kỹ năng, kiến thức thay đổi hành vi vì một môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu rủi ro tai nạn, góp phần gia tăng năng suất lao động, hướng tới tầm nhìn không có tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” – Ông Nguyễn Xuân Hà – Giám đốc Kiểm soát chất lượng Công ty CP GAMI Hội An nói.

Dịp này, LĐLĐ tỉnh và TP. Hội An đã trao quà cho gần 50 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, hoạn nạn nhân Tháng hành động về ATVSLĐ & Tháng Công nhân năm 2024.

Sau lễ phát động, các phòng, ban chức năng & LĐLĐ TP. Hội An tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLĐ; hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền nội dung an ninh mạng, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng…

QUỐC HẢI

Xử lý 23 trường hợp khai thác trái phép trong Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

3 tháng đầu năm nay, lực lượng tuần tra Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức 34 lượt tuần tra đường thủy và đường bộ nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản tại Khu bảo tồn biển.

Lực lượng tuần tra kiểm soát hoạt động khai thác tại Khu bảo tồn biển trong đêm

Qua đó đã phát hiện và xử lý 23 trường hợp vi phạm (khai thác thủy sản trái phép bằng các nghề lưới chim, lưới ba lớp, lưới vây, câu cá…), phạt tiền 15 trường hợp 24,9 triệu đồng, cảnh cáo và thu ngư lưới cụ 8 trường hợp.

Các trường hợp khai thác trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ yếu là do ngư dân các xã Duy Hải, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên; phường Cửa Đại, Cẩm Nam TP. Hội An; phường Điện Dương thị xã Điện Bàn; xã Tam Quang huyện Núi Thành; xã Bình Minh, Bình Dương huyện Thăng Bình; ngư dân từ TP. Đà Nẵng và thậm chí đến từ tỉnh Bình Định.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, lực lượng tuần tra đã sử dụng nhiều hình thức kiểm soát như tuần tra định kỳ, đột xuất, phản ứng nhanh trên biển; tuần tra đường bộ; sự hỗ trợ của cộng đồng cũng như công cụ giám sát thông qua hệ thống Camera… đã góp phần giám sát, phát hiện và xử lý các phương tiện khai thác thủy sản trái phép trong phạm vi quản lý của Khu bảo tồn biển./.

QUỐC HẢI

Lễ hội thể thao, âm nhạc biển Tân Thành năm 2024: Lễ hội của cộng đồng

Lễ hội thể thao, âm nhạc biển Tân Thành năm 2024 diễn ra cuối tuần qua đã để lại ấn tượng với không gian văn hóa đặc sắc, tạo hiệu ứng gắn kết du khách và cộng đồng, thúc đẩy kết nối giữa cộng đồng quốc tế với cộng đồng địa phương, lan tỏa hơn nữa văn hóa sáng tạo ở TP. Hội An.

Ảnh của Chợ phiên làng chài Tân Thành

Lễ hội diễn ra tại làng chài Tân Thành, 17 – 41 đường Nguyễn Phan Vinh, phường Cẩm An, TP. Hội An với nhiều hoạt động đặc sắc. Từ sáng sớm, hàng trăm trẻ em, trong đó có nhiều trẻ nước ngoài đang học tại Hội An đã hào hứng tham gia đường đua với sự đồng hành của phụ huynh và tình nguyện viên. 

Giải thu hút 500 người tham gia với cự ly 300m dành cho trẻ em và 1.000m dành cho người lớn. Toàn bộ số tiền mua “BIB” (dạng thẻ đảm bảo tư cách tham gia giải) dùng gây quỹ ủng hộ cho học sinh khiếm thính tại phường Thanh Hà, TP. Hội An.

Ngay sau khi giải chạy bộ kết thúc, làng chài Tân Thành thêm sôi động với các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn thời trang, múa lửa, DJ âm nhạc thập niên 80 và zumba đường phố… thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước tham gia.

Họa sĩ Bảo Ly, người tích cực tham gia Chợ phiên làng Chài Tân Thành trong nhiều năm qua chia sẻ: “Chính quyền, doanh nghiệp và cả người dân đang cùng nhau tạo nên một cộng đồng thực sự gần gũi và mang tính truyền thống. Và mỗi lần chợ phiên hay lễ hội được tổ chức ở đây, tính cộng đồng bao giờ cũng nổi trội, mọi người tham gia là để học hỏi cùng nhau tạo nên những sản phẩm riêng có và độc đáo”.

Trong Lễ hội, chợ phiên làng chài Tân Thành với khoảng 100 gian hàng đồ cũ, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ handmade, ẩm thực… đã được mở lại. Cùng với đó, hàng loạt hoạt động phục vụ du khách trải nghiệm như trò chơi đập niêu, kéo lưới rùng, tắm biển, đắp cát, lướt ván,…

Đặc biệt, năm nay có sự tham dự của 6 làng du lịch cộng đồng Tây Trường Sơn với dân tộc Cơtu, Tà Ôi, Bru Vân Kiều… đến từ các huyện miền núi của các tỉnh thành miền Trung. Cụ thể là các làng Rum Ho (Quảng Bình); Chênh Vênh (Quảng Trị); A Roàng, A Nor, Bản Dỗi (Thừa Thiên Huế), Đại Bình (Quảng Nam). Đây là điểm đến đang có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển sinh kế bền vững, trong đó chú trọng lồng ghép với du lịch.

Lần đầu tiên cùng làng du lịch cộng đồng Bản Dỗi, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đến Hội An tham gia, chị Trần Thị Mến bày tỏ: “Chị em trong đội rất là háo hức khi được tham gia chương trình này. Thứ nhất là dịp để quảng bá sản phẩm của đồng bào Cơtu, thứ hai là có thể mang đến để giới thiệu về những diệu múa truyền thống của đồng bào mình. Cảm thấy rất là vinh dự và rất vui khi mang nét văn hóa của đồng bào mình đến với bạn bè”.

Được thành lập vào năm 2020, chợ phiên làng chài Tân Thành, phường Cẩm An, TP. Hội An là điểm đến quen thuộc vào cuối tuần của du khách trong và quốc tế.  Ông Lê Quốc Việt – Đại diện Hợp tác xã Du lịch làng chài Tân Thành cho biết, sự kiện khởi đầu cho mùa du lịch mới năm 2024, hướng đến tăng cường tính tương tác, trải nghiệm của du khách,

 “Chúng tôi tổ chức Lễ hội này để khởi động, mở đầu cho mùa hè sôi động và năm du lịch mới 2024 và mong muốn mọi người nhớ rằng có một làng chài Tân Thành bên bờ biển Đông ấm cúng, hiếu khách với những sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, các sản phẩm văn hóa du lịch…” – Ông Lê Quốc Việt nói.

Mặc dù quy mô tổ chức nhỏ, thời gian ngắn nhưng Lễ hội thể thao, âm nhạc biển Tân Thành năm 2024 đã tạo hiệu ứng gắn kết du khách với cộng đồng; thúc đẩy kết nối giữa cộng đồng quốc tế với cộng đồng địa phương, lan tỏa hơn nữa văn hóa sáng tạo ở TP.Hội An./.

QUỐC HẢI

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.