Hội thảo chủ đề: “Công tác xã hội Việt Nam – Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối”

Tại TP Hội An, sáng ngày 25 tháng 3, đúng 8 năm kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam, Sở LĐTB &XH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo chủ đề: “Công tác xã hội Việt Nam – Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối”. Bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở đã chủ trì hội thảo, với sự tham gia của các đơn vị đang thực hiện công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, là các Phòng LĐTB&XH các huyện, thị, thành phố, các Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thị xã Điện Bàn.

Hội thảo đã ôn lại truyền thống hình thành và phát triển nghề công tác xã hội, kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam, đồng thời nghe các báo cáo, thảo luận của các cơ quan đơn vị đang thực hiện công tác xã hội.
Thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, trợ giúp các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, giúp họ cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phát triển khả năng bản thân, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Tại Hội An, công tác xã hội luôn được chính quyền và nhân dân, đặc biệt là các Trung tâm, các Phòng chức năng, xã phường quan tâm thực hiện chu đáo và kịp thời. Bên cạnh sự chăm lo của các cơ quan đơn vị, với phẩm chất nhân tình thuần hậu, nhân dân Hội An đã sẻ chia, giúp đỡ và tham gia vào công tác xã hội tại địa phương, góp phần xã hội hóa công tác chăm lo cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Các cá nhân, mạnh thường quân, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức công đoàn, đoàn thể của các cơ quan đơn vị địa phương cũng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thăm, tặng quà hỗ trợ động viên các đối tượng đang được chăm sóc tại các Trung tâm của tỉnh đóng tại địa bàn, góp phần chăm lo, động viên tinh thần cho các đối tượng.
Tại Hội thảo lần này, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội trong việc chăm sóc các đối tượng, đồng thời định hướng thêm nhiều nội dung quan trọng để công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian đến.

LÊ HIỀN

Phụ nữ Hội An góp sức xây dựng thành phố sáng tạo

Thời gian qua, trong quá trình lao động sản xuất và công tác xã hội, các thế hệ phụ nữ Hội An đã đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của thành phố, trong đó có các lĩnh vực nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, là nền tảng để Hội An xây dựng và gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.

Ở làng gốm Thanh Hà có rất nhiều chị em phụ nữ mỗi ngày đều miệt mài sớm hôm để làm ra sản phẩm gốm, phục vụ việc tham quan, mua sắm của du khách. Đối với họ, đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống của làng. Ở đây, những phụ nữ thuần thạo, có tay nghề cao luôn sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm, còn những chị em trẻ tuổi luôn khiêm tốn học hỏi, tiếp nối lửa nghề, góp phần thổi một luồng gió mới vào các sản phẩm của làng nghề.  

Thay cho những sản phẩm gốm gia dụng hàng trăm năm trước đã từng được làng nghề sản xuất, đem đi bán khắp nơi, ngày nay, gốm Thanh Hà đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Sản phẩm ngày càng nhỏ gọn, nghệ thuật, bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu trang trí cảnh quan cơ sở du lịch hoặc phục vụ thăm quan, chiêm ngưỡng, làm quà lưu niệm cho du khách. Những phụ nữ trẻ đã học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước, kết hợp tìm hiểu, ứng dụng thêm kiến thức trên các phương tiện hiện đại để tạo nên những sản phẩm mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt truyền thống của sản phẩm, có tính khác biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.

Chị Trần Thị Tuyết Nhung, một phụ nữ trẻ đang làm nghề gốm trong làng nghề cho biết: “Khi lấy chồng về đây, gia đình đã có truyền thống làm gốm lâu đời. Tôi mong muốn theo sự nghiệp của gia đình và phát triển, làm mới sản phẩm trên nền tảng nghề truyền thống. Vì vậy bên cạnh sản phẩm truyền thống nồi niu, tôi có làm những bình nghệ thuật, ngoài chút thủ công thì tôi còn tìm cách đắp, điêu khắc, đồng thời dùng mạng internet tìm kiếm thêm nguyên liệu mới để cách tân và làm sản phẩm tốt hơn”.

Cơ sở làm gốm ở Thanh Hà với những sản phẩm thủ công cách tân

Không chỉ ở làng nghề gốm, ngày nào cũng vậy, ở Hội An đều có hàng trăm phụ nữ đang gắn bó, trực tiếp lao động tại các làng nghề hoặc nghề truyền thống. Từ làm sợi cao lầu, sợi phở, tráng mì Quảng, làm bún, làm bánh, đãi hến, làm nước mắm đến các hoạt động trồng rau hữu cơ, làm đèn lồng, dệt chiếu, may mặc, thậm chí gia công nghề mộc… tất cả đều có bàn tay khéo léo tài hoa của chị em phụ nữ.

Ở lĩnh vực nghệ thuật dân gian, có thể thấy, Hội An đã và đang nhận được sự tham gia, đóng góp công sức rất lớn từ các thế hệ phụ nữ. Nhờ yếu tố truyền miệng từ đời này qua đời khác trong cộng đồng, nghệ thuật dân gian ở Hội An đã có sức sống lâu bền trong thời gian qua, trong đó, chị em phụ nữ là lực lượng then chốt giữ lửa các phong trào văn hóa văn nghệ.  Trong cộng đồng, các thế hệ phụ nữ là những người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn các bộ môn nghệ thuật như hô hát bài chòi, dân ca, hò khoan, tuồng… Các sân chơi nghệ thuật từ thôn khối phố đến xã phường, thành phố, đâu đâu cũng có các chị em phụ nữ đam mê biểu diễn nghệ thuật dân gian. Từ không chuyên đến thường xuyên, ở  đâu có phong trào thì ở đó có phụ nữ biểu diễn nghệ thuật. Nghệ thuật dân gian cứ như vậy được truyền từ đời này qua đời khác, tạo sức sống lâu bền, âm ỉ như một mạch nguồn trong cộng đồng cư dân phố Hội. Chính cũng nhờ đó, vùng đất Hội An trở nên thấm đẫm nghệ thuật cổ truyền, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có những giá trị khác biệt so với nhiều vùng miền khác. Nhiều phụ nữ đã trở thành những người truyền cảm hứng, có nhiều đóng góp trong quá trình giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống của thành phố.

Bà Phùng Thị Ngọc Huệ, một nghệ nhân hát bài chòi là một trong những người như thế. Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật dân gian địa phương, giờ đây ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn luôn hướng dẫn cho thế hệ trẻ tập luyện, trình diễn nghệ thuật bài chòi. Cứ như vậy lời ca, điệu hát được lan tỏa trong cộng đồng.  Bà Huệ nói: “Được bao nhiêu chúng tôi muốn truyền lại cho các em bấy nhiêu, để chúng ta giữ lửa được loại hình nghệ thuật này. Đó là niềm sung sướng của những người nghệ nhân như chúng tôi”

Trong nhịp sống đương đại ở nhiều địa phương trên cả nước hiện đang có nguy cơ mai một những sắc màu văn hóa truyền thống thì tại đô thị cổ Hội An, những yếu tố về nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian truyền thống lại được bảo tồn, gìn giữ lâu bền. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho một đô thị cổ như Hội An và cũng là chất liệu, là nền tảng quan trọng để địa phương xây dựng thành phố sáng tạo.

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN TP Hội An cho  rằng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có 2 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ đều có những đóng góp rất quan trọng của các thế hệ phụ nữ. Chính chị em phụ nữ là những người giữ lửa cho phong trào và giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống cốt lõi, góp phần làm nên một Hội An vừa phát triển hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Trong thời gian đến, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội tuyên truyền vận động cán bộ hội viên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa bản địa, góp phần phát triển kinh tế XH nói chung và đóng góp sức mình vào quá trình xây dựng Hội An thành phố sáng tạo nói riêng.

LÊ HIỀN

Hội An tổ chức Lễ Ra quân huấn luyện năm 2024

Sáng ngày 1.3, tại Công viên Hội An, thành phố Hội An long trọng tổ chức Lễ Ra quân huấn luyện năm 2024.

Đến dự có Thượng tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; các đồng chí Trần Ánh, Bí thư Thành ủy, Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP; các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các cơ quan ban ngành, địa phương, các trường THPT và đông đảo các cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang thành phố Hội An.  

Năm nay, Ban Chỉ huy Quân sự Hội An tổ chức huấn luyện cho lực lượng thường trực Ban CHQS thành phố theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu; Tiếp tục huấn luyện với chủ đề: “Kỷ cương đổi mới hiệu quả và an toàn giao thông” cũng như thực hiện tốt 3 kết hợp trong huấn luyện; Huấn luyện và luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ Ban CHQS từ thành phố đến xã phường; nâng cao trình độ chỉ huy, hành động; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Trương Minh Sỹ, Chỉ huy trưởng BCHQS phường Cửa Đại, TP Hội An cho biết: “Xuyên suốt mùa huấn luyện, Ban Chỉ huy Quân sự phường sẽ bám sát kế hoạch, mệnh lệnh, tiến trình biểu của Ban CHQS TP và sự chỉ đạo của địa phương để tham gia huấn luyện đạt yêu cầu đề ra. Trước hết, Ban CHQS TP đã chuẩn bị các nội dung, vật tư cần thiết, đảm bảo huấn luyện đến đâu có đầy đủ đến đó”.

Trong thời gian huấn luyện, Ban CHQS TP Hội An sẽ tổ chức quán triệt và chấp hành nghiêm Chỉ thị, Mệnh lệnh, Kế hoạch huấn luyện của cấp trên; tổ chức huấn luyện đúng phân cấp và đúng quy định; phấn đấu kết thúc huấn luyện có 70 -80% khá giỏi trở lên, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước trong và sau công tác huấn luyện.

Thượng tá Nguyễn Văn An, Chỉ huy trưởng BCHQS TP Hội An cho biết: “Năm 2024, cùng với công tác tập huấn cán bộ, lực lượng vũ trang tập trung huấn luyện nghiệp vụ, chiến thuật, kết hợp giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, đào tạo và huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ; tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện theo hướng chính quy”  

Tại buổi lễ, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hội An đã tổ chức ký kết giao ước thi đua, nhằm tạo khí thế sôi nổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, giáo dục quốc phòng – an ninh năm 2024.

Ngay sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo thành phố và đại biểu đã tham quan khu trưng bày các sáng kiến, cải tiến, mô hình học cụ, vật chất huấn luyện của các đơn vị địa phương.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

LÊ HIỀN

Xây dựng đô thị văn minh ở Cẩm Châu

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại Hội An, nhiều xã phường đã có những cách làm quyết liệt và sáng tạo, đem lại những đổi thay mạnh mẽ, tạo diện mạo và sắc thái mới cho địa phương. Cẩm Châu là một trong những điển hình đi đầu như thế. Nhờ sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể và nhân dân địa phương, phường Cẩm Châu đã xây dựng văn minh đô thị, xứng tầm là một trong những địa phương tiêu biểu ở Hội An trong việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Những ngày đầu năm mới này, về phường Cẩm Châu, chúng ta cảm nhận rõ sự náo nức, vui tươi của mọi người, mọi nhà đang hân hoan vui xuân đón tết. Ngoài đường phố, cờ hoa, khẩu hiệu đẹp mắt. Tiếng loa đài phát thanh những chương trình tết nghe rộn ràng đều khắp các khối phố. Tối đến, những kiệt hẽm, đường bê tông nhấp nháy ánh đèn. Ban ngày, người lớn trẻ nhỏ xúng xính trong những bộ trang phục đẹp mắt để đón tết, vui xuân. Hội hát lô tô, bài chòi do chính quyền địa phương tổ chức đã trở thành điểm hẹn mùa xuân của người dân Cẩm Châu vào những ngày tết. Người đi chùa, người đến thắp hương ông bà tổ tiên tại nhà thờ tư gia và nhà thờ tộc, gặp gỡ, chúc mừng năm mới và nói chuyện công tác, làm ăn, chuyện xây dựng đời sống văn minh, tất cả làm cho phố phường thêm tươi đẹp và cái tết cổ truyền ở một phường đô thị vừa đậm đà văn hóa truyền thống, vừa tươi mới màu sắc hiện đại, đan xen, hòa quện. Đứng bên tuyến đường về khối An Mỹ đầy sắc hoa xuân, ông Đinh Văn Mạnh, Khối An Mỹ, phường Cẩm Châu cho biết: “Tuyến đường hoa ở An Mỹ được các hộ thực hiện vài năm nay rồi. Trừ những nhà xây dựng trước kia, chứ từ khi làm tuyến đường hoa đến nay, nhà nào cũng lui tường rào vào để trồng hoa bên đường cho đẹp. Mùa nào hoa đó, quanh năm đều có hoa nở ven đường. Bước ra đường là nhìn thấy hoa khoe sắc, nhìn cảnh quan sạch đẹp, rất tươi vui”.

Theo ông Phan Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu, xuyên suốt 10 năm thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phường Cẩm Châu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nhờ quán triệt thường xuyên, liên tục trong đội ngũ cán bộ và tuyên truyền, vận động trong nhân dân về “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị” nên nhận thức và trách nhiệm của các ngành, đoàn thể từ phường đến khối phố và nhân dân được nâng lên. Từ hình mẫu tuyến đường văn minh buổi đầu ra mắt, đến nay toàn phường đã tạo được 22 “Tuyến đường văn minh”. Cảnh quan các tuyến đường tương đối thoáng đãng, khang trang, sạch đẹp. Nhân dân đã tự giác thu dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh, hạn chế việc phơi rơm rạ ra đường, gần như mỗi nhà đều có 1 trụ cờ, khi lễ tết treo cờ nghiêm túc. “Hằng năm, UBND phường xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá việc hưởng ứng thực hiện “Tuyến đường văn minh” và đưa vào đánh giá thi đua của khối phố; chỉ đạo Đài truyền thanh phường phát sóng chuyên mục “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”, tổ chức Hội thi: Nhân dân Cẩm Châu với công tác ” Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị- năm 2013″, Hội thi “Tuyến đường hoa – Khu nhà vườn đẹp”… Đến nay, phần lớn các hộ kinh doanh buôn bán đều tự giác thực hiện đúng các quy định về văn hóa, văn minh trong kinh doanh; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Phương tiện đi lại của khách hàng tại các quán ăn, quán cafe… được sắp xếp trật tự, hạn chế tình trạng để tràn lan ra đường, gây cản trở giao thông” – Ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho hay.

Ở Cẩm Châu, việc vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, khu dân cư có sự chuyển biến ngày càng rõ nét. Chương trình “nói không với túi nylon” được tiểu thương chợ hưởng ứng tỷ lệ cao. Riêng chương trình phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện tại địa phương từ tháng 5/2014, đến nay, tỷ lệ phân loại rác đúng quy trình tăng dần lên 80%. Việc phát triển không gian công cộng trên địa bàn phường cũng được quan tâm. Trong 10 năm qua, từ nguồn kinh phí của thành phố, của phường cũng như xã hội hóa, Cẩm Châu đã đầu tư các tiểu công viên tạo cảnh quan, không gian xanh như: Khu công viên cây xanh Sơn Phô, tiểu công viên Hói lát, tiểu công viên dọc đường Nguyễn Duy Hiệu, tiểu công viên khu dân cư Sơn Phô I, Trung tâm VHTT phường, sân vận động phường, nhà văn hóa khối phố; đường bê tông kiệt hẽm, hệ thống điện chiếu sáng… Qua đó góp phần tạo nên cảnh quan đô thị ngày càng thông thoáng, khang trang sạch đẹp hơn.
Cũng nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, có thể nói, Cẩm Châu đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh. Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng VHTT thành phố cho rằng: “Cẩm Châu là một điển hình tiêu biểu, đi đầu trong việc xây dựng đô thị văn minh ở Hội An. Bà con hưởng ứng rất cao. Địa phương xây dựng những tuyến phố tự quản, người dân tham gia rất thực chất, hiệu quả, kể cả về vệ sinh môi trưởng, kể cả an ninh trật tự nên Cẩm Châu rất thành công”.

Mùa xuân này, về phường Cẩm Châu, chắc chắn quý vị sẽ có chuyến du xuân ấn tượng. Thoang thoảng trong hương xuân có hương thơm của lúa non, của hoa cây cảnh, hòa lẫn trong màu sắc tươi mới của phố phường, Cẩm Châu đang giữ được nét đẹp của làng trong phố, phố trong làng, đồng hành cùng nhịp sống mới của thành phố Hội An. Đó cũng là những mùa xuân đặc biệt của quê hương.

LÊ HIỀN

Những người kết nối tình làng nghĩa xóm

Không chỉ trực tiếp thực hiện các công việc cụ thể nhất theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tại thôn khối phố, các cán bộ ở thôn, khối phố còn là những người kết nối tình làng nghĩa xóm, nhất là những khi tết đến xuân về.

Trong những ngày cuối năm, dù ai nấy đều bận rộn với những công việc sửa soạn, chuẩn bị nhà cửa để đón Tết nhưng nhiều thôn, khối phố ở Hội An vẫn tổ chức các hoạt động quy tụ bà con tham gia, như tất niên xóm, cúng xóm, trang trí khu dân cư, thiết chế văn hóa, dựng cây nêu ngày tết, vệ sinh môi trường… Sau một năm sinh sống và làm ăn, những câu chuyện vui buồn được mọi người hỏi han, chia sẻ, động viên lẫn nhau, để cùng bước sang năm mới tốt đẹp hơn. Trong những hoạt động của xóm làng ngày cuối năm ấy, những cán bộ ở thôn, khối phố, từ tổ dân cư, đến chi hội trưởng hội đoàn thể, khối trưởng, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận đều có mặt đông đủ. Nhờ các cán bộ cơ sở gần gũi, tường tận hoàn cảnh của từng gia đình, câu chuyện cuối năm ở từng khu dân cư trở nên thân mật, đoàn kết hơn, mọi người, mọi nhà thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn. Tại xã Cẩm Kim, ông Nguyễn Thanh Tâm – trưởng thôn Đông Hà cho biết: “Chào mừng ngày Thành lập Đảng và đón năm mới, cán bộ và nhân dân thôn Đông Hà đã tập trung vệ sinh đường làng ngõ xóm, trang trí cảnh quan, nhà cửa, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Năm mới, với tâm thế mới, chan hòa, mọi người cùng chung mục tiêu làm ăn kinh tế thật tốt, đoàn kết xây dựng cảnh quan nông thôn mới, góp sức phát triển địa phương, xây dựng cuộc sống sung túc, tiến bộ, bình đẳng, làng xóm an vui”.

Trên thực tế, lâu nay ở từng địa bàn dân cư tại Hội An, những người cán bộ ở tổ dân cư, thôn, khối phố luôn phát huy tốt vai là những người kết nối tình làm nghĩa xóm, tạo sự cố kết cộng đồng. Có rất nhiều cô chú, anh chị đã đảm nhận công việc “vác tù và hàng tổng” này nhiều năm liền. Những câu chuyện thường ngày họ không tài nào nhớ hết, chỉ biết rằng, tất cả các công tác được triển khai đến địa bàn dân cư đều không thể thiếu vắng những người cán bộ ở cấp cơ sở, gần dân, sát dân nhất này. Từ việc nắm bắt tình hình kinh tế, đời sống dân sinh đến các công tác văn hóa, dân số, y tế, phòng chống dịch bệnh, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự, đặc biệt là công tác đền bù giải tỏa đều luôn cần đến những cán bộ trực tiếp ở địa bàn dân cư. Vui có, buồn có, lớn có, nhỏ có, công việc của những người cán bộ ở cơ sở đòi hỏi sự sát sao, gần gũi, khéo léo tuyên truyền vận động, đi từng ngõ, gõ từng nhà. Cán bộ cơ sở còn phải nắm rõ về thời gian có thể gặp gỡ, tiếp xúc với các chủ hộ, biết rõ đặc điểm của từng người để có cách nói, cách làm phù hợp. Trong một đợt điều tra dân số tại khối phố Chị Phan Thị Thìn, Cộng tác viên dân số khối Tân Lập, phường Tân An cho biết: “Ở đây thì chủ yếu mọi người đều đi làm trong phố cổ nên ban ngày thường vắng nhà. Tối đến hoặc buổi trưa mới về. Nên khi muốn năm bắt, thống kê số liệu, cập nhật thông tin, mình phải đi buổi tối hoặc trưa nắng. Buổi tối 8, 9 giờ mới có thể gặp và nắm thông tin của các gia đình. Để hoàn thành nhiệm vụ, buổi tối vẫn phải tranh thủ đến từng nhà như vậy”.

Trong cuộc gặp mặt, giao lưu, tọa đàm với các cán bộ làm công tác mặt trận ở phường Thanh Hà, hầu hết các đại biểu đều lắng nghe và cảm nhận, thấu hiểu sự tân tâm, nhiệt tình của những người làm công tác cán bộ ở cơ sở. Để vận động được người dân hiến đất mở đường, chấp hành đền bù giải tỏa…, những người làm cán bộ ở cơ sở vừa phải biết làm chủ tình huống, vừa phải gần gũi, khéo léo phân tích thiệt hơn, để các hộ dân thấy rõ lợi ích lâu dài, lợi ích cộng đồng, từ đó mới có sự đồng thuận. Trong giai đoạn hiện nay, việc tập hợp nhân dân tham gia hội họp, quan tâm đến chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tận tâm, nhiệt tình của các bộ tại cơ sở. Và đội ngũ cán bộ ở thôn, khối phố, tổ dân cư tại Hội An cũng đã làm tốt vai trò, chức năng này. Tại phường Thanh Hà, anh Phạm Trần Ngọc Cảnh, tổ trưởng tổ dân cư ở khối An Bang, chia sẻ: “Công việc trước nay ở tổ dân cư chủ yếu là đi tuyên truyền vận động nhưng mình nghĩ, cuối cùng thì mọi chủ trương chính sách của Nhà nước đều cần được triển khai đến nhân dân, cho mọi người bình yên, ấm no, giúp mọi người thấy niềm vui trong cuộc sống. Tôi rất vui vì làm một cán bộ cơ sở kết nối mọi người, để mọi người dù có bận rộn đến mấy vẫn tham gia hội họp, tham gia các hoạt động đúng với chủ trương chính sách của Nhà nước…”

Hiện nay, TP Hội An đang thực hiện rất nhiều chủ trương lớn, để hướng đến trở thành đô thị loại 2 và là thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch. Ở từng địa phương, thành phố cũng ban hành rất nhiều đề án quan trọng, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu phát triển, hướng đến khai thác tối đa ưu thế của từng xã phường để phát triển toàn diện kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao đời sống dân sinh nói chung. Để những chủ trương, chính sách đi vào đời sống, thu hút, tập hợp sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân, những người cán bộ ở cơ sở sẽ tiếp tục là những cầu nối quan trọng, vừa triển khai thông tin, vừa kết nối, xây dựng giềng mối cộng đồng, sao cho đạt hiệu quả cao. Nói về những đóng góp của cán bộ ở địa bàn dân cư trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, ông Trần Tấn Dũng, Chủ tịch UBMTTQ TP Hội An cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ cơ sở là những cánh tay nối dài, gần dân sát dân nhân nhất, thực hiện công tác tuyên truyền vận động rất hiệu quả. Cán bộ cơ sở năng nỗ, nhiệt tình, là trụ cột ở thôn khối phố, vận động nhân dân thực hiện chủ trường chính sách. Nhiều cán bộ nắm tình hình tư tưởng trong nhân dân và triển khai các công tác rất tốt, giúp các công tác, các phong trào đến với nhân dân thông suốt, hiệu quả”.  

Cứ như vậy, những cán bộ thôn, khối phố ở Hội An ngày qua ngày vẫn lặng lẽ đóng góp công sức vì cộng đồng, kết nối tình làng nghĩa xóm, để những mùa xuân của quê hương phố Hội ngày càng tươi đẹp hơn.

LÊ HIỀN

Hội Cựu chiến binh Hội An tổ chức nhiều hoạt động đón tết

Chiều ngày 31.1.2024, Hội Cựu chiến binh thành phố Hội An tổ chức trao tặng 60 suất quà tết cho các hội viên khó khăn trên địa bàn thành phố, nâng tổng số quà Hội trao trong đợt trước tết này lên 90 suất. Mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng, được Hội vận động các cán bộ hội viên có cuộc sống khấm khá tình nguyện đóng góp ủng hộ.

Hiện nay một số tổ chức Hội Cựu chiến binh, cựu quân nhân xã phường ở Hội An đang chuẩn bị các hoạt động thiết thực như tham gia các chương trình hoạt động tại địa phương chăm lo đời sống cán bộ và hội viên nhân dịp tết, gói bánh chưng, trao quà tết cho hội viên khó khăn…

LÊ HIỀN

Hội An gặp mặt, tư vấn việc làm quân nhân xuất ngũ

Sáng ngày 31.1, UBND TP Hội An đã tổ chức buổi gặp mặt đón 117 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2024.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo thành phố đã trao đổi thông tin tình hình kinh tế xã hội địa phương và bày tỏ niềm phấn khởi khi biết trong suốt quá trình phục vụ tại ngũ, các quân nhân đã nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của người chiến sỹ. Nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc trong công tác huấn luyện diễn tập, hội thi hội thao, được các đơn vị biểu dương khen thưởng trong phong trào thi đua quyết thắng hằng năm. Trong đợt này có 2 đồng chí tiếp tục theo con đường sỹ quan chuyên nghiệp. Số còn lại trở về địa phương sinh sống làm ăn cùng gia đình và cộng đồng dân cư.

Quân nhân Lê Hồng Long, khối Phong Thọ, phường Sơn Phong, TP Hội An cho biết: “Sau 2 năm nhập ngũ tại Tây Nguyên, được trở về địa phương đúng vào dịp đón tết, bản thân tôi rất vui mừng phấn khởi. Thành phố còn tổ chức buổi gặp mặt như thế này, được nắm thông tin tình hình, biết quê nhà có nhiều bước phát triển, tôi càng có động lực để lao động, cống hiến, góp sức cùng cộng đồng”

Ngay tại buổi gặp mặt, Ban Chỉ huy Quân sự và Phòng Lao động thương binh và xã hội thành phố Hội An, cùng Ban Chỉ huy quân sự các xã phường đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và tư vấn, giải quyết việc làm tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Quân nhân Phạm Minh Khoa, khối An Bàng, phường Cẩm An, TP Hội An cho biết: “Về lại quê nhà, được tư vấn nghề lái xe, điện nước và xuất khẩu lao động, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để chúng tôi lựa chọn việc phù hợp với bản thân và gia đình. Tôi sẽ chọn một trong số các nghề được tư vấn để có việc làm ổn, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống dài lâu”.

Trung tá Nguyễn Văn Ngọc– Phó Chỉ huy trưởng BCHQS TP Hội An cho biết: Hội An là địa bàn có đa dịch vụ, ngành nghề. Mục tiêu của Đảng ủy, BCHQS TP là phối hợp Phòng LĐTB và XH TP và các đơn vị liên quan tư vấn giới thiệu việc làm, phấn đấu 100% thanh niên sau xuất ngũ đều có việc làm sau xuất ngũ.

Với sự cống hiến và trưởng thành, phát triển bản thân trong thời quân ngũ, các quân nhân trở về địa phương cũng đã thể hiện quyết tâm cùng với các thành viên gia đình tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tiếp tục tham gia công tác quân sự quốc phòng địa phương.

LÊ HIỀN

Hội An: Phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2024

Sáng ngày 26 tháng 1, Hội Cựu chiến binh TP Hội An tổ chức phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2024, tiến tới chào mừng hội nghị thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ VII (giai đoạn 2024 – 2029).

Chủ đề của đợt thi đua lần này là “Gương mẫu – Sáng tạo – Chung sức đồng lòng”, thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, hội nghị phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” các cấp giai đoạn 2019 – 2024 và Đại hội thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ VII; Kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội CCB Việt Nam và các ngày lễ lớn trong năm 2024.
Theo đó, Hội Cựu chiến binh phấn đấu, 98% cán bộ, hội viên là đảng viên, 80% hội viên là quần chúng (trừ những đồng chí miễn sinh hoạt) được quán triệt, học tập Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; 100% hội viên vững vàng về chính trị tư tưởng; 80% cán bộ, hội viên đạt tiêu; 100% tổ chức cơ sở Hội và 95% Chi hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, 98% gia đình hội viên đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”; Tham gia đầy đủ các cuộc giám sát do Uỷ ban MTTQVN cùng cấp và các ngành chủ trì khi yêu cầu; Quản lý và phát huy hiệu quả vốn vốn vay tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng đạt 8% trở lên; Thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra vốn vay NHCSXH; Xây dựng đảm bảo các quỹ hội; Góp vốn quay vòng; thực hiện chủ trương xoá nhà tạm…
Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” được thực hiện xuyên suốt trong năm, qua đó, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của các cán bộ hội viên đối với việc xây dựng và phát triển quê hương.

LÊ HIỀN

Ước vọng sống với nghề mộc đóng thuyền truyền thống

Với tâm nguyện bảo tồn giữ gìn nghề truyền thống, sau khi đi bộ đội về, anh Nguyễn Mạnh Tây (ở thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim) đã cùng cha mình gầy dựng một địa điểm để làm nghề đóng thuyền. Gia đình anh đang mong muốn trở thành một điểm đến gắn liền với ở đồng ruộng, làng quê, làng nghề của Cẩm Kim để du khách biết về một nghề nghiệp từng nổi tiếng trong quá khứ ở Hội An, vẫn còn tồn tại và được phát huy trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian.

Trong một ngày mưa lạnh vừa đây, có dịp về thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, đi đến cuối làng, chúng tôi nghe thấy văng vẳng âm thanh của những nhát đục đẽo phát ra từ phía những người thợ mộc đang làm việc miệt mài bên những chiếc thuyền gỗ, ở phía sát dòng sông Thu Bồn. Đi một quãng, thật bất ngờ khi xuất hiện một khu vực được thiết kế để làm một điểm bảo tồn nghề mộc đóng thuyền. Hỏi ra mới biết, khu vực này do cha con ông Nguyễn Mạnh Thấn, một truyền nhân của nghề đóng thuyền ở làng mộc Kim Bồng hình thành nên từ vài năm nay.

Trước kia, khu vực này là bãi đất của gia đình ông Thấn nhưng sau thời gian không canh tác đã trở thành bãi cỏ cây, rác thải. Anh Nguyễn Mạnh Tây, người con trai của ông Thấn sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, biết rõ lòng cha đau đáu mong muốn giữ gìn nghề đóng thuyền, đã bàn với cha, vay vốn về cải tạo thành nơi để cha con anh đóng thuyền, có thể sau này gắn kết với du lịch. Vậy là ông Nguyễn Mạnh Thấn và Nguyễn Mạnh Tây đã phát dọn, san lấp mặt bằng, trồng một số cây như dừa, hoa, dựng những căn lều tre dừa, sắp đặt những mẫu thuyền, mẫu ghe bầu và trang trí khung cảnh xung quanh như ý tưởng của cha con ông. Dưới rặng tre xanh mát, bên bờ sông Thu Bồn yên ả, lẫn khuất trong rặng dừa nước, điểm bảo tồn tiếp giáp với cánh đồng trồng lúa nước của xã Cẩm Kim trở nên thanh tĩnh, yên bình, phù hợp với cảnh quan chung của làng quê sinh thái Cẩm Kim.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Thấn, nghề đóng thuyền rớ gắn liền với nghề đóng ghe bầu ở Cẩm Kim là do các bậc tiền nhân từ vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh di chuyển vào Hội An từ thời chúa Nguyễn. Trải qua mấy trăm năm, làng mộc Kim Bồng đã có nhiều thế hệ kế nối nghề này. Sản phẩm ghe thuyền của làng mộc Kim Bồng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại đường thủy kinh doanh buôn bán làm ăn của thương cảng sầm uất, xứ đàng trong Hội An mà còn được bán cho các cư dân vùng sông nước ở nhiều tỉnh thành miền trung như trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình…. Theo thời gian, giờ đây, người theo nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền ít dần và nhu cầu làm sản phẩm ghe thuyền cũng ít hơn trước. Chính vì nhìn thấy nguy cơ mai một, mất đi một nghề truyền thống, dù đã lớn tuổi nhưng ông Nguyễn Mạnh Thấn luôn ấp ủ mong ước giữ được nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền của cha ông, không phụ công lao của các bậc tiền nhân đã tạo dựng nên nghề và làng nghề mộc Kim Bồng. Ông Thấn xúc động bộc bạch: “Thấy tình cảnh của ông cha mình từ hồi mô đến giờ, từ ngày trước, cái rìu, cái đục, cái cưa đợi mà làm ra, làm nên lịch sử nghề, nhà có tới mấy thế hệ, mấy anh em làm nghề nên giờ chú gần 70 tuổi rồi, chú vẫn giữ cái nghề ni, 2 đứa con cũng nghề ni. Thấy lịch sử cha ông mình khổ cực với nghề rồi nên chú vẫn mong muốn giữ lấy cái nghề ni, phục tồn lại cái nghề nên chú bỏ công sức ra. Ham cái nghề, chú làm được, làm sao giữ nghề cho con cháu. Chú cố gắng hết sức để phục tồn cái nghề.”

Hiểu được nỗi lòng của cha, người con trai Nguyễn Mạnh Tây cũng có nhiều cố gắng. Anh Tây cho biết, trước đây, ở khu vực này từng có rất nhiều trại ghe như trại ghe Hương Lời, Hương Thiện, Trần Huy…. Các ghe bầu đóng cho thương cảng Hội An một thời vàng son, cả ghe thuyền bán cho các thuyền đà ở vùng miền khác đều xuất phát từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các trại ghe ở làng mộc Kim Bồng nhưng cho đến nay, nghề đóng ghe, thuyền đã dần dần mai một. Theo thời gian, những mẫu ghe cũ xưa không còn nhu cầu đóng mới, thay vào đó là những mẫu ghe mới hơn. Vì vậy, tại điểm bảo tồn này, cùng với việc làm ra những chiếc ghe mẫu mới, anh Tây đã cùng cha làm ra những mẫu ghe cũ để trưng bày, với hy vọng một ngày nào đó có thể giới thiệu đến khách du lịch về những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của làng nghề. Anh Nguyễn Mạnh Tây nói: “Thật lòng em rất mong muốn du lịch sẽ là điều kiện tốt nhất để mình có thể dựa vào đó mà giữ nghề truyền thống, gắn với hệ sinh thái, rừng dừa nước tại làng mộc Kim Bồng. Như vậy hy vọng sẽ giữ được một nghề đóng ghe bầu khi xưa của cha ông, chứ hiện nay ít nhu cầu quá,  rất dễ nghề từng hoàng kim một thời với lịch sử làng nghề này sẽ đi vào quá vãng, mai một. Mình muốn truyền thống làm nghề của gia đình, của làng nghề mình được phát huy, được nhiều người biết đến.”

Sau gần 4 năm hình thành, trải qua rất nhiều khó khăn, cho đến nay, điểm bảo tồn nghề đóng ghe thuyền của cha con ông Thấn vẫn còn rất đơn sơ, thuần túy. Hàng ngày, có một số hướng dẫn viên đưa khách lẻ qua xã Cẩm Kim thăm quan, vãn cảnh, cũng ghé vào điểm bảo tồn này. Dù chưa thành một dịch vụ du lịch nhưng cha con ông Thấn rất sẵn lòng đón tiếp, sẵn sàng tạo điều kiện cho hướng dẫn viên giới thiệu với khách về công việc và sản phẩm ghe thuyền của gia đình ông. Qua lời kể của các hướng dẫn viên du lịch, khi dẫn khách tới đây, họ đều bày tỏ tình cảm yêu thích đối với làng nghề nói chung và với nghề đóng ghe thuyền nói riêng. Mới đây, có đoàn du khách ghé lại, một du khách Mỹ trầm trồ khen ngợi những sản phẩm và tấm lòng của cha con ông Thấn. Du khách nói: “Hôm nay tôi được đi thăm một vùng quê ở Hội An, đến một địa chỉ đóng thuyền còn rất đơn sơ, được nhìn thấy những chiếc thuyền đặt ở đây, tôi rất có cảm xúc. Vợ và con gái tôi cũng rất thích những sản phẩm này, nhìn nhỏ nhắn nhưng lại là hình mẫu, gắn liền với công việc, đời sống của người dân nơi đây. Quê hương của các bạn vẫn còn những người thợ thủ công rất tỉ mỉ, cần mẫn, chất phát, làm ra các sản phẩm như thế này, đáng quý.

Hiện nay, thành phố Hội An đang có kế hoạch phát huy làng nghề mộc Kim Bồng. Và mới đây, thành phố đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Nghề đóng ghe thuyền truyền thống theo đó cũng sẽ có cơ hội phục hồi. Hy vọng rằng, ước vọng sống được với nghề đóng ghe thuyền để bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống của cha con ông Nguyễn Mạnh Thấn, Nguyễn Mạnh Tây sẽ thành hiện thực. Và trong tương lai không xa, điểm bảo tồn nghề đóng thuyền truyền thống của cha con ông Thấn sẽ được kết nối, xây dựng nên những câu chuyện đẹp trong hành trình du lịch của du khách khi về với Hội An.

LÊ HIỀN

Tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Chiều 15.1.2024, Chi cục thuế TP Hội An tổ chức tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tuy triển khai công tác thu thuế trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2023, nhờ tiếp tục thực hiện chặt chẽ công tác phối hợp, tăng cường quản lý nghiệp vụ, tập trung các biện pháp, giải pháp thu thuế nên tổng thu ngân sách trên địa bàn Hội An do Chi cục thuế quản lý thực hiện đạt 598.402 triệu đồng, bằng 116,4% so với dự toán pháp lệnh. Số thu từ tiền sử dụng đất thực hiện đạt 499.504 triệu đồng, bằng 164,9% so với dự toán pháp lệnh. Có đến 8/10 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao. Một số khu vực, sắc thuế thu đạt cao như thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, tiền cho thuê đất và mặt nước, lệ phí trước bạ, phí, lệ phí, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Có được kết quả đó là do Chi cục đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành toàn thể cán bộ công chức bám sát các chỉ đạo của các cấp, tăng cường tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, triển khai chương trình “Đồng hành cùng Người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2022”; thực hiện các biện pháp thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế, tiến hành kiểm tra công tác thuế chặt chẽ, đúng quy trình, tham mưu thành phố phối hợp với các ban ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các xã phường tiến hành tốt các biện pháp quản lý, hỗ trợ thu thuế…
Tại hội nghị, Chi cục thuế TP Hội An cho biết, năm 2024, trên cơ sở Chương trình công tác quản lý thu thuế của Cục Thuế và dự toán pháp lệnh của thành phố, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình công tác quản lý thu thuế năm 2024 tại địa phương, đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Đội Thuế, Công chức ngay từ đầu năm. Chi cục cũng thường xuyên theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình thu NSNN, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để kịp thời kiến nghị, đề xuất Cục Thuế, UBND thành phố có các giải pháp để chỉ đạo điều hành thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả. Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2024; tỷ lệ nợ thuế đến cuối năm 2024 đạt ở mức thấp nhất theo chỉ tiêu của ngành giao. Cùng với đó, Chi cục cũng chủ động, tăng cường công tác quản lý thuế, phối hợp với UBND các xã, phường, các Phòng, Ban, ngành triển khai thực hiện trong công tác thu, nộp NSNN, các biện pháp quản lý thu, khai thác tốt các nguồn thu trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện các chuyên đề liên quan của Đề án “Tăng cường cơ sở thu, chống thất thu và thu hồi nợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Phối hợp với UBND xã, phường tổ chức triển khai hiệu quả thu thuế SDĐPNN năm 2024; triển khai xây dựng công tác lập Sổ bộ thuế ổn định năm 2024 đối với hộ, CNKD nộp thuế khoán đúng quy định, quy trình; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác UNTT với Bưu điện thành phố trong công tác thu nộp thuế theo phương pháp khoán của hộ, CNKD….

LÊ HIỀN

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.