Xem Tiểu Phẩm: “Hương phố Hội”

Có một Tiểu phẩm kịch dân ca vừa được Đội Thông tin lưu động Trung tâm VH-TT Hội An dàn dựng mang ý nghĩa sâu sắc về đời sống và tình người phố Hội.

Trong một quán giải khát, nhạc không lời do nhạc sĩ Clayderman trình tấu êm dịu. Cô hướng dẫn viên dẫn vị khách Hàn Quốc vô quán gọi 2 ly cooktai chanh rum. Bà chủ nói với hai con: “Mẹ đi có công chuyện chút xíu, các con coi quán cho mẹ”, con cô “dạ” đồng ý.

Một lát, hướng dẫn viên và vị khách đi ra, chủ khách chào hỏi bằng tiếng Anh. Khách đi hồi lâu, con trai cô chủ quán nhìn thấy túi xách khách bỏ quên, cầm lấy, lục soạn. Cô chị cùng nhìn thấy treong túi xách nhiều xấp dollar dày cộp toàn mệnh giá 100 Đô-la Mỹ.

Đoạn kịch với lời thoại giữa 2 chị em cho biết, hai chị em nảy sinh ý định chia đôi số tiền vì cho rằng “tiền nhặt được chứ có ăn cắp đâu”. Người mẹ về phát hiện vụ việc và yêu cầu hai con trả ngay lại cho du khách nhưng hai người con chần chừ. Lúc đó, người mẹ đã biểu lộ sự đau buồn vì cho rằng “Các con đang làm trái với lương tâm của mẹ”.

Bằng điệu cổ nhạc Xuân nữ,diễn viên Ngọc Huệ thủ vai người mẹ đã dạy dỗ 2 con mình một cách từ tốn với đoạn lời hát: “Sống trên đời, bạc tiền suy cho cùng cũng phù du phút chốc. Chỉ danh dự con người thơm rất đậm, rất lâu. Nửa ngàn năm đã thấm sâu lòng người. Các con hãy nhớ lấy câu: Sống sao cho vẹn trước sau, nghĩa tình”.

Đến đó, hai người con đã nhận thức được cái sai của mình. Hai người con do diễn viên Thu Hương và Văn Quý thể hiện, đã hát bằng điệu Đất Hồ lòng Hán: “Mẹ, con đã sai rồi mẹ! Con luôn biết vâng lời của mẹ. Nhưng vì con nông nỗi nhất thời. Mẹ ơi, chừ đã nhận ra. Khiến con nhìn lại thấy tham đà, mình đà quá tham,…”

Dương Quý – Đội Trưởng Đội Thông tin Lưu động – Trung tâm VH-TT Hội An cho biết, câu chuyên này không phải tự sáng tác. Đây là chuyện có thật tại Hội An do bạn đọc Việt Hà, một khách du lịch đến từ thủ đô Hà Nội thuật lại trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần trong tháng 8 năm 2013. Tác giả Phùng Tấn Đông dựa trên câu chuyện này để sáng tạo ra Tiểu phẩm.

 “Mình thấy vở kịch này của tác giả Phùng Tấn Đông rất là ý nghĩa. Rất là vui, hạnh phúc được làm việc chung với anh chị em nghệ sĩ của Đội tuyên truyền lưu động để hoàn thiện vở kịch rất là hay” – Dương Quý nói.

Một đoạn trong Tiểu phẩm “Hương Phố Hội”- Ảnh: Quốc Hải

Trở lại với Tiểu phẩm “Hương Phố Hội”, đoạn cuối đã đưa khán thính giả về với «Một chút tình thơm thảo» của người Hội An khi đặt câu hỏi: « Cô chủ quán đó là ai ?» để trả lời rằng : «Cô ấy là một tấm lòng trong vạn tấm lòng của người Phố Hội.Là tâm hồn – Tình cảm – Đạo đức – Lối sống của người Hội An. Những con người luôn ẩn chứa bên trong một vẻ đẹp thuần khiết, hồn nhiên, bình dị”.

Cùng lắng nghe những câu hát giản dị, gần gũi với đời sống hằng ngày qua điệu cổ nhạc Xàng xê và Hò quảngcủa các diễn viên mới thấy và cảm hơn về tình người phố Hội trong niềm tự hào:  «Là anh là chị là tôi. Là cô là chú là người Hội An. Tấm lòng chân thực, sáng trong. Dệt nên gấm vóc tuổi tên quê nhà. Tấm lòng thơm thảo hương hoa. Lặng thầm như một bài ca nghĩa tình. Xây đời văn hóa, văn minh. Nêu cao truyền thống cha ông trao truyền. Mấy lời son sắt, đinh ninh. Sống sao cho đẹp chữ tình người ơi. Hội An đẹp cảnh, đẹp người. Phố xưa ngày mới rạng ngời sắc hương ».

Cùng tham gia diễn xuất trong Tiểu phẩm, diễn viên Thanh Thủy bày tỏ niềm vinh dự khi được cùng anh chị em diễn viên hoàn thành kịch bản này. Chị cho rằng, Tiểu phẩm đã đề cập đến giá trị trân quý của người Hội An, đó chính là sự chân thật, bình dị và hiền lành của người dân phố Hội.

Diễn viên Thanh Thủy chia sẻ :“Tiểu phẩm nói về con người Hội An, về cách sống rất là chân thật, bình dị và hiền lành. Tôi rất là vinh dự được cùng anh chị em diễn viên hoàn thành kịch bản này».

Quốc Hải