Qua 2 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng Khu dân cư văn hóa gắn với
Nông thôn mới, xã Cẩm Kim đã thu đạt những kết quả nhất định song nhìn chung vẫn còn lắm khó khăn.
Với cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chính của địa phương, lãnh đạo xã Cẩm Kim đã vận động nhân dân ủng hộ chủ trương “chỉnh trang đồng ruộng” để tổ chức sản xuất hợp lý, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Bước đầu 7ha diện tích cánh đồng khu vực trường học xã đã được chỉnh trang và đưa vào sản xuất thuận lợi, tạo được niềm tin cho nhân dân. Từ đó bà con đã phấn khởi và tự nguyện hiến 2000m2 đất vườn để mở mang, làm mới hệ thống đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng khang trang, kiên cố. Các chương trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng , thay đổi giống cây trồng, con vật nuôi cũng được bà con chú trọng áp dụng. Nhờ vậy, đàn gia súc gia cầm của xã hiện đã tăng lên đáng kể với gần 5500 con theo hướng ngày càng nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, chăn nuôi sinh học.
Một kết quả đáng mừng trong cuộc vận động xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với nông thôn mới ở Cẩm Kim trong thời gian qua chính là sự hình thành khu tái định cư thôn Đông Vĩnh, giải quyết được tình trạng thiếu yên tâm của 45 hộ dân ở vùng sạt lở Vĩnh Thành. Kết hợp với việc cấp đất cho hàng chục trường bức xúc nhà ở của các thôn trong xã, đến nay Đông Vĩnh đã dần dần ổn định nền nếp của một khu dân cư mới đoàn kết và đổi thay.
Trong các phong trào đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa ở nông thôn Cẩm Kim, Mặt trận phối hợp với chính quyền thường xuyên chú trọng công tác đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như không rải vàng mã trong các đám tang ma ở đường làng ngõ xóm; không phô trương, lãng phí, cầu kỳ trong các dịp lễ, hội ở đình, chùa, lăng, miếu… Sự nghiệp giáo duc, y tế được nhà nước đầu tư, có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng cao qua từng năm. Công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan được nhân dân ý thức và hưởng ứng tích cực, đặc biệt là việc thu gom xử lý rác thải tại nguồn ngày càng tiến bộ rõ nét, chuồng trại chăn nuôi tập trung được bà con nhân dân quan tâm di dời dần ra xa khu dân cư. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, xã hội thiện nguyện… được nhân dân tham gia nhiệt tình và hiệu quả.
Những nỗ lực, cố gắng của Cẩm Kim trong quá trình triển khai xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với nông thôn mới đáng được ghi nhận nhưng bình tâm suy ngẫm có thể thấy Cẩm Kim vẫn còn nhiều khó khăn. 2 năm qua Cẩm Kim đã vận động các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp ủng hộ được gần 120 triệu đồng, qua đó hỗ trợ gần 30 triệu đồng cho 4 hộ gia đình có điều kiện làm ăn, thoát nghèo và xây mới nhà ở cho 3 hộ nghèo trị giá 140 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,6% (với 59 hộ) vào năm 2013 đến đầu năm nay còn 39 hộ (tỷ lệ 3,9%). Ông Lê Trung Tấn – PCT UBMT TQVN xã Cẩm Kim cho rằng tỷ lệ này còn quá cao so với tiêu chí Nông thôn mới: “Tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng công tác xóa đói giảm nghèo của xã còn gặp khó khăn. Trong số các hộ nghèo còn lại là nằm trong diện bảo trợ xã hội, còn một số hộ có lao động nhưng hết sức khó xóa. Ví dụ có hộ gia đình với 7 nhân khẩu nhưng chỉ có 1 lao động, còn có hộ thì có 2 lao động là nữ nhưng nuôi đến 8 miệng ăn, các hộ này đều có người già, trẻ em và người bị bệnh tâm thần…”
Nghề đóng sửa tàu thuyền truyền thống ở Cẩm Kim cũng đang gặp khó khăn- Ảnh: Đỗ Huấn
Tính cả tiêu chí về giảm hộ nghèo, hiện nay xã Cẩm Kim mới đạt 11/19 tiêu chí. Lãnh đạo địa phương cho biết 8 tiêu chí còn lại đều nằm vào những tiêu chí hết sức khó khăn bởi do đất đai sản xuất còn manh mún, không tự chủ được nguồn nước phục vụ sản xuất, người nông dân không đủ tích lũy để tái sản xuất, mức sống còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Các ngành nghề sản xuất như đóng sửa tài thuyền, TTCN, thương mại, dịch vụ phát triển chưa mạnh, làng mộc truyền thống Kim Bồng lúng túng hoạt động, chưa tương xứng với thương hiệu làng nghề. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được động lực phát triển do không chủ động được nguồn vốn đầu tư, còn phụ thuộc ngân sách nhà nước cấp trên. Là địa bàn thuần nông lại cách trở sông đò, gặp khó khăn trong đầu tư phát triển, việc xây dựng cầu dân sinh nối Cẩm Kim với trung tâm thành phố sẽ là thời cơ đáng giá ngàn vàng cho sự phát triển của Cẩm Kim trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố trao đổi: “Xây được cầu, thông được cầu thì cơ hội phát triển kinh tế Cẩm Kim sẽ mạnh hơn. Một số nhà đầu tư đã rục rịch qua Cẩm Kim để đầu tư các dịch vụ phục vụ du lịch và khách du lịch sẽ đến Cẩm Kim. Vừa rồi Cẩm Kim đã khảo sát vùng trung tâm và chuẩn bị lập quy hoạch mới với sự giúp đỡ của các ngành chức năng của thành phố. Hội An chưa được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới nên có thể điều chỉnh được!”.
Tin rằng, cùng với thời cơ, Cẩm Kim còn nhận được sự quan tâm, đầu tư căn cơ và hiệu quả hơn nữa để đạt chuẩn Nông thôn mới quốc gia vào năm 2019 như kế hoạch của BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia này của thành phố đã đề ra.
Đỗ Huấn