Hội An – vùng đất di sản giàu giá trị văn hóa. Vẻ đẹp của đất và người Phố Hội là vẻ đẹp “nhân tình thuần hậu”, bình yên thân thiện chứ không ồn ào náo nhiệt
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua độc giả các Tạp chí Du lịch nổi tiếng thế giới đã bầu chọn Hội An vào hàng Top ten thành phố du lịch nổi tiếng của Châu Á và thế giới. Độc giả các Tạp chí này cho biết, những thành phố hàng đầu chọn lựa không phải là những nơi có ánh đèn rực rỡ, cuộc sống gấp gáp mà là những thành phố có cuộc sống nhẹ nhàng thoải mái, có thể tìm thấy sự thanh thản, trầm lặng…
Quả đúng, khu phố cổ với mật độ dân cư dày đặc, cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới, khi chưa có dịch Covid-19 là một “đại siêu thị” – nơi mua sắm của hàng triệu du khách trong và ngoài nước hằng năm, là một “bảo tàng sống” rộn rịp náo nhiệt với bao cảnh của muôn mặt đời thường… mà vẫn giữ được vẻ bình yên vốn có và riêng biệt hiếm thấy. Anh bạn tôi đi xa quê cả chục năm nay thú nhận, anh có một nỗi nhớ khác thường với mọi người là nhớ phố vào những buổi sớm mai. Dù mùa nắng hay mùa mưa, trong cái tinh sương của phố anh luôn tìm thấy sự yên tĩnh đến lạ lùng, không có tiếng ồn ào xao động, không có những ánh mắt nụ cười “mang hình dấu hỏi” đầy ưu tư, thách thức.
Ông Nguyễn Sự – Nguyên Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố khi nói chuyện với các phóng viên thông tấn báo chí từng nhấn mạnh, Hội An phải giữ không gian tĩnh để phát triển. Nếu mất sự tĩnh lặng, Hội An sẽ chết. “Hội An phát triển bằng chính sự yên tĩnh của nó, chứ phát triển sôi động, ồn ào, náo nhiệt thì thua ngay các địa phương lân cận. Và chính sự yên tĩnh là bài học không những của quá khứ, của hôm nay mà chắc chắn rằng của tương lai. Hội An mất đi cái đó trong dòng chảy này thì Hội An sẽ là người tụt hậu đầu tiên. Cho nên phải chọn điểm nút đầu tiên là yên tĩnh!”, ông Sự nói.
Ngẫm lại mới thấy, lâu nay dường như không ít người hay nghĩ đến những điều lớn, những điều to tát để làm du lịch mà quên đi các điều nhỏ. Ví như khách nước ngoài đến Hội An gần đây hay toả về các vùng ngoại ô bằng tour xe đạp. Họ thích thú khi được ngắm nhìn các đồng lúa xanh thì con gái hay chín vàng trĩu bông, rồi xem trâu cày, trâu tắm, chụp ảnh cảnh đàn cò kiếm mồi bên “người bạn” trâu, bơi thuyền trên sông rạch, khám phá Bảy mẫu rừng dừa Cẩm Thanh. Lắm vị thì thích lang thang, xem, học và tập đan lưới hoặc bủa lưới, giăng câu ở các làng cá Vạn Lăng, Cửa Đại, An Bàng… Họ sẵn sàng trả tiền chỉ để được làm bạn với những nông dân, ngư dân ở vùng quê di sản. Rồi còn có những vị khách Tây “ruột” mà theo các chủ cơ sở lưu trú cho biết là họ chỉ muốn ở lại Hội An để được tập thể dục buổi sáng, chạy bộ, đạp xe, tắm biển những chiều hè, trải nghiệm cuộc sống đời thường thân thiện, hiếu khách của người dân ở đô thị di sản văn hóa này. Cảm nhận về bãi biển An Bàng – Cẩm An, Josep và Ranlly – 2 bạn trẻ đến từ Vương quốc Anh chia sẻ: “Bãi biển ở đây rất sạch và đẹp. Nơi đây là một điểm đến đáng tin cậy vì mọi việc rất trật tự, an toàn và ngăn nắp. Nhiều người bạn của chúng tôi có chung thiện cảm đó!”.
Nhiều vị khách nước ngoài muốn ở lâu dài, định cư ở Hội An cũng vì những cản nhận yên bình, tĩnh lặng. Có dịp chuyện trò với chàng trai điêu khắc trẻ Thuỵ Sĩ, tôi mới biết anh quyết định “cắm chốt” ở Hội An vì ở đây anh có được những cảm mến đằm thắm với mọi người xung quanh, có được sự thân thiện cởi mở của bà hàng xóm mời anh ăn đám giỗ. Hay chuyên gia huấn luyện và tổ chức bơi lặn người Ý cũng quyết dừng lại ở đây vì biển đảo Cù Lao Chàm quá đẹp và ông rất thương mến người dân nơi này. Một họa sĩ người Pháp cũng bán nhà ở nước mình để sang Hội An định cư cũng chỉ vì yêu phố cổ nhỏ nhắn hiền hòa và con người ở đây chân tình, hiếu khách… “Hội An quá đẹp, con người thân thiện, thức ăn rất ngon, tôi yêu thích nơi này, nhiều người Pháp chọn Hội An để tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa tiêu biểu này…”, ông Michel Proust – du khách Pháp cho biết.
Không thể tách rời sự gắn kết giữa phần vật thể và phi vật thể của Phố Hội trong những trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của sự bình yên, thanh thản mà bè bạn và du khách thập phương công nhận. Không gian trầm mặc, cổ kính của quần thể kiến trúc khu phố cổ là sự đồng vọng của thời gian với con người, là bóng soi của một thời quá vãng để tìm lại những gì ngày xưa đã mất, hay đó là chốn riêng tư ta tự vấn lòng mình về bao chuyện đã qua. Còn rời xa phố để đến với những miệt vườn tươi mát lá hoa, đến với vùng sông biển lộng gió, ngát xanh là để thả lòng mình hoà với thiên nhiên, tìm những thú vui thêm yêu cuộc sống. Rõ ràng, càng ngày người Hội An càng ngộ ra rằng giá trị của di sản văn hoá thế giới Hội An nằm chủ yếu ở mối quan hệ thân thiện giữa những chủ nhân di sản với du khách “đến chơi nhà”.
ĐỖ HUẤN