Tại phố cổ Hội An năm nay, loại hình múa Thiên cẩu được đưa vào Liên hoan múa Lân – Thiên cẩu mừng Trung Thu đã tạo nên một sân chơi lý thú cho cả trẻ em và người lớn bởi sự mới lạ của một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc địa phương.
Những ngày qua, cơ sở chế tác Lân – Sư – Rồng của ông Nguyễn Hưng ở thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà – TP. Hội An lúc nào cũng đông khách. Khách đến hầu hết là thành viên của các đội múa Lân ở Hội An cũng như trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã đặt hàng từ nhiều tháng trước.
Dù tất bật với công việc, ông Hưng cũng vui vẻ trao đổi với chúng tôi một số kinh nghiệm trong việc chế tác Lân – Sư – Rồng theo phong cách dân gian. Khi được hỏi về Liên hoan múa Lân – Thiên cẩu do Thành phố tổ chức trong mùa Trung Thu năm nay, ông Nguyễn Hưng tâm sự: “Phục hồi múa Thiên cẩu rất hay nhưng chỉ các võ đường mới làm được. Còn làm Thiên cẩu thì mình rất thích làm theo kiểu khi xưa. Múa Lân hay múa Thiên cẩu có những nét riêng, múa Thiên cẩu đẹp lắm nên người xưa rất thích”.
Múa Thiên cẩu là loại hình múa linh vật lưu truyền tại Hội An từ lâu đời- Ảnh: Hoàng Duy
Theo ông Trương Hoàng Vinh – Cán bộ Trung Tâm QLBTDSVH Hội An, tại Hội An hiện đang lưu truyền 3 tên gọi liên quan đến loại hình múa dân gian hóa trang linh vật trong dịp Tết Trung thu, đó là “múa Thiên cẩu”, “múa Lân”, và “múa Sư tử”. Cùng là những loại múa dân gian nhưng giữa múa Thiên cẩu, múa Lân và múa Sư tử có nhiều điểm phân biệt rõ ràng.
Điểm phân biệt trước tiên nằm ở kiểu dáng đạo cụ để tạo thành con vật múa. Đầu Lân là đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ đầy lông, vẩy. Thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong cao, mình dài không có lông.
Về trang trí, đầu Thiên cẩu sử dụng 5 màu theo nguyên tắc ngũ hành, đầu Lân thường dùng màu chủ đạo là đỏ hoặc vàng; Sư tử thì được tạo dáng gần giống Sư tử thật với thân phủ đầy lông một màu, có bờm, mũi to, mắt lồi, chiếc sừng được thay bằng những cục u thấp. Với những đặc điểm về kiểu dáng như vậy nên trông Thiên cẩu có vẻ khác thường và ấn tượng hơn so với hai con vật kia.
Về kỹ thuật biểu diễn, giữa 3 loại múa này cũng có sự khác nhau đáng kể. Múa Lân hoặc Sư tử yêu cầu cao về bài bản, động tác nhất là những động tác liên quan đến bộ thế võ thuật. Trong khi đó, múa Thiên cẩu mang tính dân dã hơn, ít yêu cầu về bộ thế hơn. Ai cũng có thể tham gia múa nếu có năng khiếu hoặc thể hiện được thần thái của Thiên cẩu qua các động tác biểu diễn.
Về bài bản, múa Thiên cẩu thiên về diễn tả các động tác sinh hoạt liên quan đến đặc tính của một linh vật, còn múa Lân, Sư tử thiên về biểu diễn các bài bản mang tính kỹ thuật. Do vậy ở múa Lân, Sư tử có nhiều bài múa hơn ở múa Thiên cẩu.
Ông Trương Hoàng Vinh cho biết thêm: “Các loại nhạc cụ sử dụng trong múa Thiên cẩu, Lân, Sư tử nhìn chung giống nhau, gồm trống, thanh la, xập xõa. Sự khác nhau là ở cách sử dụng, phối hợp các loại nhạc cụ này để tạo thành những bài bản điều khiển các động tác múa, đặc biệt là các điệu trống”.
Về cơ bản, điệu trống múa Thiên cẩu có âm hưởng và nhịp điệu riêng, không giống với điệu trống múa Sư tử hoặc múa Lân kiểu mới. Các điệu trống của múa Sư tử, Lân mới có đặc điểm nhanh, dồn đập, vang dội, trong khi đó, trống Thiên cẩu chậm, trầm hùng, nhịp điệu đánh cũng có sự phân biệt.
Việc khai thác tối đa âm thanh của xập xõa để tạo ấn tượng lôi cuốn người xem cũng là một đặc điểm của các đội múa Sư tử, Lân kiểu mới trong việc sử dụng nhạc khí. Nếu các đội múa Thiên cẩu trước đây chỉ dùng một xập xõa để đệm theo tiếng trống thì ở một số đội múa Lân Sư gần đây sử dụng một lúc nhiều xập xõa, tạo nên âm thanh rất vang dội: “bùm xèng/ bùm xèng/ bùm tờ rùng bùm xèng”. Do có sự khác nhau này nên chỉ cần nghe tiếng trống người ta có thể phân biệt được đó là múa Thiên cẩu hay múa Sư tử, Lân Sư.
Múa Thiên cẩu- Ảnh: Hoàng Duy
Múa thiên cẩu là loại hình múa linh vật lưu truyền tại Hội An từ lâu đời, thường được múa vào dịp Trung thu và Tết Nguyên đán. Thiên cẩu có nghĩa là chó nhà trời, là một linh vật mang tính huyền thoại với những đặc điểm khác thường. Với mục đích để trừ tà ma, tuy nhiên do biến động của lịch sử, loại hình này một thời đã mai một, nay được phục dựng và phổ biến tại Hội An. Và trong mùa Trung Thu năm nay, Hội An đưa loại hình múa Thiên cẩu vào “Liên hoan múa Lân – Thiên cẩu” với 8 đội đến từ 8 CLB võ thuật trên địa bàn thành phố tham gia.
Võ sư Trần Xuân Mẫn – Võ Đường Kỳ Sơn trao đổi: “Từ lâu lắm rồi, người Hội An chưa nghe lại tiếng trống Thiên cẩu. Lần này BTC đưa loại hình dân gian này vào Liên hoan là quyết định vô cùng chính đáng. Thời gian dành cho Thiên cẩu tối đa chỉ 10 phút nên các đội không trình diễn hết các điệu múa. Hy vọng sẽ có dịp khác, người ta múa đầy đủ kịch bản của mình. Dù sao thì đây cũng là hoạt động rất có ý nghĩa khi tái hiện lại loại hình múa Thiên cẩu trên sân khấu phục vụ thiếu nhi, người dân và du khách, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân gian Hội An”./.
Quốc Hải