Trả lại văn hóa hàng rong Hội An

Với quan điểm xem hàng rong là một cấu thành của văn hóa Hội An, thành phố đang chủ trương sắp xếp, bố trí hàng rong một cách bài bản, hợp lý, vừa hài hòa lợi ích kinh tế của một bộ phận nhân dân, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu giao của du khách và quan trọng nhất là tạo hồn cho phố cổ Hội An. Thông báo chính thức thực hiện hoạt động này kể từ 16 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Phóng viên website Hoianrt.vn có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, trước tiên xin ông cho biết vai trò của hàng rong đối với phố cổ Hội An và thực trạng hàng rong hiện nay ra sao?

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn:

Như chúng ta đã biết, hàng rong tồn tại từ rất lâu rồi và từ xa xưa đến giờ, nó đã trở thành một bộ phận của văn hóa phi vật thể ở Hội An. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Hội An trở thành một điểm du lịch nổi tiếng nên ngày càng có nhiều du khách đến tham quan nên kèm theo đó là cái dịch vụ buôn bán trong khu phố cổ trở nên rất là mạnh. Rồi nó cũng có nhiều cái trở nên lộn xộn, đặc biệt là hàng rong đã có những biến tướng, nó không còn là bản sắc của văn hóa Hội An hồi xưa nữa. Nó có những cái xô bồ, dẫn đến tình trạng chèo kéo, phá giá, ép giá, không lành mạnh, làm cho hình ảnh Hội An bị ảnh hưởng.

PV: Vậy trước thực trạng này thì thành phố chúng ta đã có những động thái như thế nào?

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn:

Thời gian qua thành phố đã có chủ trương là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trong khu phố cổ, đã xây dựng một đề án bố trí hàng rong. Và vừa qua thì đã giao cho Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An tiến hành lập cái đề án này và đến nay đề án đã chính thức hoàn thành. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của lãnh đạo thanh phố, Hội đồng nhân dân, Ban Thường vụ thành ủy, của các ban ngành liên quan để hoàn chỉnh và sẽ triển khai trong thời gian tới. Nó được triển khai gắn với việc mở rộng không gian phố cổ, để thực hiện ngày 16 tháng Giêng này.

Tác phẩm hàng rong truyền thống của nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân

PV: Vậy là thành phố đã có phương án. Và như vậy thành phố tập trung thực hiện những công việc trọng tâm nào?

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn:

Cái vấn đề này thì thành phố tập trung vào những nội dung sau đây. Thứ nhất là đã tổ chức điều tra lại toàn bộ hoạt động buôn bán hàng rong trong khu phố cổ để phân loại cái hàng rong nào đã có từ lâu, cái nào gắn với văn hóa Hội An, những mặt hàng truyên thống của Hội An. Ví dụ nhự là xí mà, lục tàu xá, cơm gà, mì Quảng, như là cao lầu. Còn lại những cái mới du nhập vào đây như là thịt nướng, tranh 3D, chim tre, những cái làm cho hình ảnh phố cổ bị ảnh hưởng thì sẽ bị triệt tiêu. Thì thành phố đã xây dựng lại toàn bộ không gian phố cổ, gắn với bố trí các điểm hàng rong. Thành phố bố trí một cách rất rõ ràng, điểm nào kinh doanh mặt hàng gì, ví dụ lục tàu xã bán chỗ nào, cơm gà bán chỗ nào, đạu hũ, mì Quảng, cao lầu bán chỗ nào. Cái thứ 2 là ai bán? Thì đó là những người gắn với văn hóa Hội An. Những người được bán đó là những người kinh doanh từ lâu đến giờ và đó là những sản phẩm truyền thống của Hội An. Cái thứ 3 là là bán ở đâu, được bố trí cụ thể, bao nhiêu mét vuông, được định vị kẻ vạch quy định cụ thể để người ta ngồi ở đó. Và chúng tôi cũng quy định, những người bán hàng truyền thống phải mặc trang phục truyền thống va sử dụng bàn ghế, vật dụng phải phù hợp với cảnh quan của khu phố cổ, sử dụng vật liệu mây tre, gỗ. Còn lại những người bán hàng không phù hợp với truyền thống văn hóa Hội An và không gian du lịch trong khu phố cổ thì được đưa tập trung về khu vực Chợ đêm phổ cổ mới được mở rộng.

PV: Như vậy Hội An đang tổ chức sắp xếp hang rong một cách bài bản va quy cũ. Chúng ta có thể kỳ vọng gì sau khi thực hiện công tác này thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn:

Sau khi sắp xếp, nó đảm bảo được mấy yêu cầu. Thứ nhất là nó trả lại hình ảnh của hang rong Hội An trước đây, nó đơn thuần là một ngành nghề truyền thống của Hội An, nó gắn với văn hóa Hội An. Cái thứ hai là nó lặp lại trật tự trong khu phố cổ, tránh xô bồ, lôi kéo, tranh gianh khách hoặc buôn bán những mặt hàng không phù hợp cảnh quản khu phố cổ. Cái thứ 3 nó góp phần ổn định tư tưởng, đời sống, giải quyết việc lam cho các hộ tham gia đề án này. Những hộ khó khăn về nguồn đầu tư, thành phố tính toán chế độ hỗ trợ để làm sao đó đủ điều kiện trang bị những vật dụng cần thiết để phục vụ cho việc kinh doanh theo đúng hướng của đề án.

PV: Vâng, xin được cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với bạn đọc của chúng ta.

Lê Hiền