Tọa đàm khoa học “Di tích các nhà lao thực dân, đế quốc ở Hội An – Giá trị bảo tồn và phát huy”

Sáng ngày 28/7, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An tổ chức toạ đàm khoa học “Di tích các nhà lao thực dân, đế quốc ở Hội An – Giá trị bảo tồn và phát huy”.

ThS Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng trình bày tham luận

Tại tọa đàm, các tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa và đại biểu tù yêu nước trong và ngoài thành phố đã cung cấp, bổ sung thêm tư liệu, sự kiện lịch sử liên quan đến di tích; nhận diện những giá trị và định hướng công tác bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích; nhất là xác định, đánh giá giá trị tiêu biểu để xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp quốc gia di tích các nhà lao ở Hội An.

Các đại biểu tù yêu nước nghe giới thiệu tư liệu, hình ảnh lịch sử tại Phòng trưng bày di tích Nhà lao Hội An

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Hội An từng là trung tâm hành chính cấp Tỉnh của chính quyền thực dân Pháp và chính quyền tay sai đế quốc Mỹ. Từ cuối thế kỷ XIX đến tháng 3/1975, bên cạnh việc thiết lập các cơ quan đầu não, chính quyền thực dân, đế quốc còn xây dựng ở Hội An các nhà lao quy mô để giam cầm, tra tấn, hành hạ về thể xác nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh của những chí sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước của Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã tham gia các phong trào đấu tranh kháng Pháp, chống Mỹ và chính quyền tay sai. Giai đoạn đầu thế kỷ XX – 1945 có Nhà tù Faifo (thuộc địa phận phường Sơn Phong hiện nay), Giai đoạn 1947-1954 và 1955-1959 có Nhà lao Thông Đăng (thuộc địa phận phường Cẩm Phô). Giai đoạn 1960-1975 có Nhà lao Xóm Mới hay còn gọi là Nhà lao Hội An (thuộc địa phận phường Sơn Phong). Nhà lao Thông Đăng và Nhà lao Xóm Mới đã được xếp hạng di tích cấp Tỉnh.

Đại biểu các ban ngành của thành phố và tù yêu nước tham quan di tích Nhà lao Hội An (Nhà lao Xóm Mới) trước khi dự tọa đàm

Một số tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm cũng đã tập trung giới thiệu tấm gương kiên trung bất khuất của những người con ưu tú xứ Quảng bị giam cầm tại các nhà lao ở Hội An, trong đó có các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Võ Chí Công, nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng bộ Quảng Nam, Đà Nẵng, trong đó có đồng chí Phan Văn Định – Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên cùng nhiều tấm gương đấu tranh anh dũng của tù yêu nước…

ĐỖ HUẤN