Cù Lao Chàm từ lâu đời đã là cụm đảo thuộc lãnh thổ của vương quốc Chăm Pa và sau đó là Đại Việt, ít ra là từ thế kỷ XV. Từ thế kỷ X Cù Lao Chàm đã được tư liệu, thư tịch của Ả Rập, Ba Tư nhắc đến là vùng đảo mà tàu thuyền các nước ghé đến để lấy nước ngọt, tiếp tế lương thực (chủ yếu là gạo, củi) và trao đổi hàng hóa với nhiều tên gọi khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, Cù Lao Chàm được xuất hiện rất nhiều trên bản đồ nước ta với các tên Cù Lao Chàm hoặc Xã Cù Lao. Tấm bia hiện còn ở Cù Lao Chàm, có lẽ là xưa nhất (1757 – thế kỷ XVIII) xuất hiện với tên là Cù Lao Xứ, chứng tỏ từ lâu Cù Lao Chàm đã là điểm tiền tiêu trên biển và là nơi tàu thuyền qua lại buôn bán và tiến vào cảng bên trong. Không chỉ như vậy, trước đây Cù Lao Chàm còn là nơi trú ngụ an toàn, một nơi mà tàu thuyền bị đắm hoặc bị trôi dạt vào đây thì được cứu giúp hết sức tận tình. Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Trong một tác phẩm của Triều Tiên – “Trú Vĩnh biên” (thế kỷ XVIII) có nhắc đến sự kiện này. Một đoàn thuyền của Triều Tiên bị bão dạt vào Cù Lao Chàm thì được người dân địa phương cứu giúp, cho ăn uống chu đáo rồi đưa vào gặp quan trấn thủ ở bên trong và sau đó được đưa về nước an toàn. Sự kiện này đã được ghi lại trong sử biên niên ở Triều Tiên. Sau này, hàng loạt các tư liệu của phương Tây cũng nhắc đến điều này, Cù Lao Chàm là một địa điểm thân thiện, nếu tàu thuyền gặp nạn cập vào đều được cứu giúp tận tình, tiếp tế nước uống, lương thực đầy đủ”.
Du khách tham quan Bãi Chồng (Cù Lao Chàm)- Ảnh: Đỗ Huấn
Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn là nơi chính quyền địa phương thời bấy giờ, nhất là dưới Triều Nguyễn tổ chức canh gác để phòng thủ cửa biển và kiểm soát hàng hải trên biển với đội thuyền đi tuần biển thường xuyên, cử dân canh gác nếu phát hiện tàu lạ thì đốt lửa báo về đất liền. Cù Lao Chàm vì vậy là một điểm phòng thủ trên biển từ rất sớm. Tuy là cụm đảo gồm 8 đảo nhỏ với tổng diện tích phần đất hơn 15km2 nhưng hiện còn rất nhiều lịch sử văn hóa với 7 di tích cấp quốc gia và 19 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. “Như vậy, chúng ta thấy số lượng rất lớn so với các đảo biển khác, ví dụ như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn thì số lượng di tích không nhiều bằng ở đây mặc dù cư dân chúng ta sống chỉ ở Bãi Làng, Bãi Hương thôi (khoảng hơn 2000 người). Trải qua quá trình lịch sử thì khối lượng di tích còn lại ở đây đáng nể, bao gồm cả di tích khảo cổ 3000 năm, như thế là rất sớm và đây là di tích chúng ta phát hiện dấu tích của con người đảo ven bờ rất sớm so với đất liền!”, ông Trần Văn An phân tích.
Với vị trí địa lý quan trọng trong vùng biển đảo Quảng Nam và quốc gia, với tầm chiến lược kinh tế mang nhiều ý nghĩa trong tình hình mới, Cù Lao Chàm đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo các cấp, các ngành. Thành ủy Hội An đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các tài liệu bài viết về tổng quan Cù Lao Chàm và các di tích trên địa bàn xã đảo, trong đó chú trọng cung cấp các thông tin, các chứng cứ lịch sử khẳng định về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với vùng biển đảo Cù Lao Chàm để đăng tải và phát hành rộng rãi thông qua các hình thức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cù Lao Chàm đến bạn bẻ và du khách gần xa.
Triển lãm ảnh Hoàng Sa, Trường Sa tại Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn
Đồng thời, UBND thành phố còn chỉ đạo Trung tâm QLBTDSVH kết hợp tổ chức sưu tầm, bổ sung tư liệu và trưng bày hình ảnh về chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam, xem đây là một “kênh thông tin”, góp phần minh chứng hùng hồn, khẳng định chủ quyền vùng biển trời của Tổ quốc, nuôi dưỡng giáo dục tình yêu biển đảo quê hương đối với lớp trẻ. Nhớ lại, cuộc trưng bày lần đầu tiên tổ chức trên đảo Cù Lao Chàm, giới thiệu 64 bức ảnh khắc họa cuộc sống của quân và dân ta trên 2 quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa và Trường Sacùng hàng trăm thư tịch, tài liệu, tranh ảnh quý như: Dư địa đồ thời nhà Nguyễn, Thư đồ thống nhất chi đồ thời nhà Minh, Địa dư toàn đồ thời nhà Thanh hay An Nam đại quốc họa đồ… khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người. Sau khi xem xong, ông Võ Văn Hiền (ở thôn Cấm, Cù Lao Chàm) không giấu được xúc động: “Cảm nhận của tôi là tự hào về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và qua hình ảnh trưng bày, người dân xã đảo Tân Hiệp này có nhận thức rất sâu sắc về những hình ảnh, tư liệu, bản đồ xưa để lại mà qua đó mới hiểu biết thêm chắc chắn đó là vùng trời vùng biển của Việt Nam chúng ta”.
Có lẽ, với người dân Cù Lao Chàm, người dân Hội An – những người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả sự sống đời mình với sóng gió trùng khơi chắc luôn đọng mãi một tình yêu bất diệt đối với cả vùng biển đảo mà họ đã gắn bó bao đời nay. Đó là một phần máu thịt của Hoàng Sa, Trường Sa và cả Tổ quốc Việt Nam.
Đỗ Huấn