Lúc 7h sáng nay (27/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp ứng phó khẩn cấp bão Noru trực tuyến với 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã và 1.155 xã, phường, thị trấn.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, sáng 26/9, bão Noru đã đi vào Biển Đông, sau đó di chuyển về phía đất liền nước ta theo hướng Tây. 4h sáng 27/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h.
Dự báo, bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17; đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế – Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9 (rủi ro thiên tai cấp 4). Thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên Huế – Bình Định từ chiều 27/9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h đêm 27-9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).
Với tinh thần “phòng hơn chống”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải kêu gọi bà con ngư dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản trong những lúc này, cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân. Phải nghiên cứu, theo dõi, chống đỡ với bão, vừa phải chống đỡ với hoàn lưu sau bão, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hồ đập, lồng bè nuôi thủy hải sản, vấn đề sạt lở; cần phải dự báo sát diễn biến, sơ tán kịp thời nhân dân đến nơi an toàn, trong đó quan tâm đến sự an toàn của học sinh; quan tâm bảo vệ phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới…
QUỐC HẢI