Một người đàn ông hơn 40 tuổi đời nhưng vẫn chưa biết được cha mẹ, anh chị ruột ở đâu, làm gì, còn sống hay đã mất và ngay cả tên họ thật của mình cũng chưa hề biết. Điều đáng buồn hơn là dù đã lấy được vợ, sinh 3 đứa con nhưng anh vẫn chưa được nhập khẩu gia đình, không được đứng tên trong giấy khai sinh cho con. Đó là câu chuyện cuộc đời của anh Nguyễn Thanh Tại, hiện trú tại tổ 34, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An.
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tại và chị Đỗ Thị Loan được chính quyền địa phương và bà con chung tay hỗ trợ xây dựng, nằm ở gần cuối con đường dẫn vào tổ 34, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà. Kể từ khi về sống với nhau, vợ chồng anh Tại, chị Loan đã sinh được 3 người con, tất cả đều đang trong độ tuổi đi học, đứa con đầu đến nay đã 16 tuổi. Thế nhưng khác với bạn bè cùng trang lứa, các con anh chỉ mang họ mẹ. Và trong tất cả hồ sơ, giấy tờ của gia đình, kể cả giấy khai sinh của các cháu cũng đều chỉ có họ tên mẹ, hoàn toàn không có họ tên cha, dù rằng anh Nguyễn Thanh Tại, cha đẻ của các cháu hàng ngày vẫn chung sống bình thường, tần tảo, chịu thương chịu khó làm ăn như bao người cha khác để có tiền, chăm lo, nuôi dưỡng các con. Nguyên nhân dẫn đến sự bất thường này là anh Tại không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào trước khi gặp và kết duyên với chị Đỗ Thị Loan nên anh vẫn chưa đủ thủ tục để nhập khẩu về địa phương. Chị Đỗ Thị Loan, vợ anh Tại, hiện ở tại tổ 34, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà ngậm ngùi:
“Tội lắm, trong cái hộ khẩu này chỉ có 4 mẹ con thôi. Anh ấy là người chồng mà tại sao không có anh ấy trong đó. Đơn giản một cái là đi họp đi hội, cái gì cũng là tên của em hết. Giờ chừ 3 đứa con rồi mà cũng chưa được thấy nội cho có sự gần gũi, để xã hội và gia đình không có việc chi phải ngại đối với anh ấy. Giờ chừ không có một cái giấy tờ ở trong hộ khẩu, như một người ở tạm bợ thì chị thấy rất chi là buồn. Chị thấy rất là xót xa. Cứ như không phải người trong nhà, cứ như người gian lận ở nơi khác tới ở tạm một thời gian nào đó.”
Anh Tại kể câu chuyện cuộc đời với Phó Bí thư chi bộ thôn Bến Trễ- Ảnh: Lê Hiền
Theo lời kể của anh Tại, năm 1979, khi bị ba mẹ bỏ rơi ở tỉnh Sông Bé cũ (sau tách thành tỉnh Bình Phước và Bình Dương), anh mới khoảng 8 hoặc chín tuổi. Anh không biết vì sao sau khi đưa anh từ Sài Gòn đi làm kinh tế mới, ba mẹ anh lại mâu thuẫn với nhau, rồi bỏ anh lại một mình nơi đất khách quê người. Được một người trong xóm thương tình, dẫn về Sài Gòn tìm ba mẹ và anh chị nhưng có lẽ do cuộc sống khi đó còn khốn khó, chi phí ăn uống, đi lại của 2 người từ Sông Bé xuống Sài Gòn quá tốn kém nên khi đi được nửa đường, chị hàng xóm đành bỏ cậu bé ở lại. Mới 9 tuổi đầu, lần thứ 2 phải vật vưởng giữa một nơi xa lạ, khi đó anh cũng không biết mình đang ở đâu. Vừa sợ hãi, vừa đói khát và mệt mỏi, cậu bé không biết tạm nghỉ chỗ nào. Màn đêm buông xuống, không có nhà để ngủ, cậu ngồi dưới gốc cây và khóc. Gặp một người đàn ông ở tỉnh Phú Yên tốt bụng, thương tình đem anh về nuôi. Họ hỏi tên, quê quán, cha mẹ nhưng anh không biết vì khi ấy còn quá nhỏ, chỉ biết rằng khi ở nhà, mọi người thường gọi mình là Cu Đen, một người anh tên Tuấn đạp xích lô và một người chị gái tên Tước mà thôi. Và rồi cái tên Nguyễn Thanh Tại là danh xưng ngẫu nhiên, được người đàn ông cưu mang tạm đặt, thay cho cái tên Cu Đen của anh từ ngày đó.
Nhưng cũng giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, kinh tế còn quá khó khăn, gia đình người đàn ông tốt bụng lại rất đông con, cơm không đủ ăn nên ít năm sau, người vợ tìm cớ đánh đuổi anh đi. Một lần nữa anh Tại lại phải lang thang một mình, lần mò tìm đường về Sài Gòn, những mong tìm được cha mẹ, anh chị. Nhưng do không nhớ địa chỉ, không biết đường đi nên anh Tại không tìm được gia đình, đành tiếp tục sống lang thang, cơ nhỡ, gặp gì làm nấy giữa đất Sài Gòn. Từ bán vé số đến làm thợ tiện, phụ bán quán ăn nhưng anh vẫn không đủ ăn. Sau đó ít năm, anh trở lại Phú Yên tìm lại gia đình ân nhân nhưng người đàn ông cưu mang anh đã mất. Gặp được bạn bè, anh theo họ vào rừng làm ăn, để rồi sau này anh lưu lạc đến huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm phu vàng, kiếm cơm ăn qua ngày. Cũng chính tại đây, năm 29 tuổi, anh gặp được chị Đỗ Thị Loan và nên duyên chồng vợ, về chung sống tại thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà cho đến hôm nay.
Bao nhiêu năm qua, anh chị cũng đã có 3 đứa con. Dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn và không giấy tờ tùy thân, không được thừa nhận là nhân khẩu chính thức trong gia đình, địa phương nhưng anh luôn giữ mình thanh sạch, được bà con quý mến. Thế nhưng nỗi nhớ cha mẹ, khát khao tìm được nguồn cội, biết rõ thân phận của mình vẫn thường trực trong anh. Thương cảm với chồng, chị Đỗ Thị Loan đã động viên và chung sức, dành dụm tiền bạc để cha con anh khăn gói lên đường tìm quê nội. Nhưng hai lần ra đi đều thất bại bởi đường xa, chi phí ăn ở đi lại hết vùng này đến vùng khác rất tốn kém, tiền bạc có hạn nên đi được vài ngày anh đành phải quay về. Anh Nguyễn Thanh Tại nghẹn ngào: “Nhiều lúc đi tìm hai, ba lần rồi mà cũng không biết thế nào. Tốn rất nhiều chi phí mà mình vẫn không biết đi con đường nào để lựa chọn tìm. Tại vì mình không nhớ được họ cha, họ mẹ của mình, mình chỉ biết cái tên rứa thôi. Thời gian đó còn nhỏ quá, không có tuổi như chừ. Chỉ mong tìm được cha mẹ để có nơi ăn, ở, ngủ, được vòng tay của cha mẹ, nấu được bữa cơm ăn thôi cũng rất mừng, nhưng mà không được. Rất chi là đau khổ, sao cha mẹ sinh con ra như thế này. Sau cố gắng mình sống để một ngày nào đó tìm lại được cha mẹ mình hay không. Hay là cha mẹ có già chết cũng còn anh chị, cô dì, chú bác mình nữa”.
Bao nhiêu năm qua, anh Tại sống với vợ con mà không có tên trong sổ hộ khẩu gia đình- Ảnh: Lê Hiền
Mong mỏi là vậy nhưng hành trình tìm lại cha mẹ, anh chị ruột của anh Tại ngày càng trở nên xa hơn. Bởi đồng tiền công đi làm phụ hồ của anh và tiền công quạt bánh tráng nướng không ổn định của Chị Loan – vợ anh đã khó nuôi 3 đứa con ăn, học, nói chi đến việc dành dụm mấy chục triệu đồng để mỗi năm hành hương đi tìm cha mẹ ở các tỉnh miền trong. Ba lần anh dẫn theo đứa con trai đi được vài ngày, vào đến Sài Gòn chưa hỏi thăm được thông tin thì đã hết tiền thuê chỗ ăn, chỗ ngủ, phương tiện đi lại. Anh lại phải dẫn con quay về trong sự buồn bã, thất vọng, tủi thân. Biết và thương cảm trước tâm tư và hoàn cảnh của anh, nhiều năm nay, Ban Quân dân chính và bà con thôn Bến Trễ cũng đã động viên và chung tay góp sức nhưng cũng ở mức độ có hạn. Ông Nguyễn Hữu Tám, Phó Bí thư Chi bộ thôn Bến Trễ cho biết: “Thực tế, đối với bà con ở tổ dân cư thôn Bến Trễ này về cư trú ở đây tương đối lâu nhưng do trước đây thất lạc cha mẹ, không có điều kiện đi tìm. Qua đây chúng tôi thấy rằng, tinh thần thì hỗ trợ giúp bằng mọi cách cho anh đi tìm để tìm cha mẹ, được đoàn tụ để anh được nhập khẩu ở đây, tạo công ăn việc làm, cho anh vơi bớt. Qua đây cũng mong các cấp ngành tạo điều kiện cho anh có một cuộc sống bền vững, cũng mong anh được nhập khẩu tại đây, trở thành một công dân như mọi người, quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng như nhau.”
Hy vọng rằng, nguyện vọng vọng tìm lại người thân và được nhập khẩu tại xã Cẩm Hà của anh Nguyễn Thanh Tại sẽ nhận được sự đồng cảm, quan tâm, sẻ chia của cộng đồng để anh có thêm nguồn lực và niềm tin tiếp bước hành trình của mình trong thời gian đến.
Lê Hiền